Công khai đánh cá trong vùng cấm

Công khai đánh cá trong vùng cấm
TP - Ngư dân công khai đánh bắt cá tại vùng lõi khu bảo tồn biển có quy định cấm tuyệt đối mọi hoạt động khai thác và nuôi trồng thủy sản.
Công khai đánh cá trong vùng cấm ảnh 1
Thả lưới đăng đánh cá ngay trong vùng lõi KBTB vịnh Nha Trang

Khu bảo tồn biển (KBTB) vịnh Nha Trang là KBTB đầu tiên của Việt Nam, được thành lập tháng 6-2001, tiền thân là KBTB Hòn Mun. Vùng lõi KBTB vịnh Nha Trang (KBTBNT) là vùng nước quanh các đảo Hòn Mun, Hòn Nọc, Hòn Cau và Hòn Vung, giới hạn từ mép nước chân đảo khi thủy triều thấp nhất ra xa 300m. Tại vùng lõi, mọi hoạt động khai thác và nuôi trồng thủy sản đều bị cấm tuyệt đối.

Thế nhưng, gần một ngày ở vùng lõi Hòn Mun – Hòn Nọc, chúng tôi thấy hàng chục chiếc tàu đang đánh cá tại đó. Có khi là một chiếc đi lẻ, có khi là đôi tàu giã cào, hầu hết các tàu này không có số hiệu.

Ở nam Hòn Nọc và đông nam Hòn Mun có hai đầm đăng, mỗi nơi có 5 - 6 chiếc tàu quây lưới đăng đánh cá sát bờ đảo.

Khi chúng tôi đang chụp ảnh, một chiếc ca nô chở đội kiểm tra của Ban quản lý KBTBNT (BQLVNT) phóng tới. Nhưng họ chỉ lên mấy tàu du lịch lặn biển để kiểm tra số khách lặn, thu phí lặn biển.      

Đông Phương, nữ huấn luyện viên lặn của doanh nghiệp Du lịch lặn biển Amigos Divers (Nha Trang) kể, liên tiếp ba ngày trước cô và du khách đang lặn ngắm san hô đã nhiều lần hốt hoảng trồi lên mặt nước, khi nghe tiếng mìn nổ.

Theo ông Enriko De La Mancha, chủ Amigos Divers, hiện nay ngư dân thường đánh cá bằng loại mìn nổ sâu dưới nước (dive miner). Khi mìn này nổ, trên mặt biển hầu như không thấy cột nước, khó nghe thấy tiếng nổ, nhưng người đang lặn dưới nước sẽ nghe tiếng nổ rất lớn.

Ông Trương Kỉnh – Giám đốc BQLVNT cho biết, ngoài chất độc xianua, hiện nay người ta còn dùng một loại thuốc gây mê để đánh cá. Thuốc được hòa tan trong nước rồi bơm vào các hang nhiều cá trong rạn san hô, cá ngấm thuốc lờ đờ, không còn khả năng chạy trốn... 

Bất cập

Công khai đánh cá trong vùng cấm ảnh 2Mất 7 năm trời khảo sát, nghiên cứu, với sự tài trợ hơn 2 triệu USD của các tổ chức quốc tế mới thành lập được KBTB vịnh Nha Trang. Nhưng sau chín năm kể từ khi KBTB này được thành lập, chưa thấy tại đây dấu hiệu phục hồi của sinh vật đáy lớn có giá trị. Đó là hệ quả của sự lỏng lẻo trong quản lý việc đánh bắt hải sảnCông khai đánh cá trong vùng cấm ảnh 3 - TS. Võ Sỹ Tuấn, Phó Viện trưởng Viện Hải dương học Nha Trang

Ông Trương Kỉnh phàn nàn như vậy, khi nói về việc quản lý KBTBNT. Địa vị pháp lý hiện nay của BQLVNT chưa đảm bảo để đơn vị thực hiện tốt nhiệm vụ.

BQLVNT không có thẩm quyền xử lý vi phạm, chỉ có thể báo cho các cơ quan chức năng của tỉnh Khánh Hòa là Thanh tra Sở NN&PTNT, Chi cục Bảo vệ Nguồn lợi Thủy sản, Bộ đội Biên phòng, phòng Cảnh sát Môi trường.

Nhưng các cơ quan trên cho rằng đã có đội kiểm tra của BQLVNT thường trực ở Hòn Mun, nên ít chủ động tổ chức các chuyến kiểm tra. Tỉnh cũng chưa có quy chế phối hợp giữa các cơ quan, không phân định rõ trách nhiệm của mỗi bên khi có vi phạm.

Hai đầm đăng ở Hòn Mun và Hòn Nọc là dẫn chứng về bất cập trong quản lý KBTBNT. UBND tỉnh Khánh Hòa cho phép hai đầm đăng này tồn tại trong vùng lõi KBTBNT, dù chính UBND tỉnh quy định mọi hoạt động khai thác thủy sản ở đó bị cấm tuyệt đối.

Việc tồn tại hai đầm đăng này còn vi phạm Quy chế Quản lý các KBTB Việt Nam có tầm quan trọng quốc gia và quốc tế, được Chính phủ ban hành tháng 5-2008. Tuy nhiên, chưa có dấu hiệu nào cho thấy sẽ có chỉ đạo chấm dứt sự hoạt động của chúng.

Từ năm 2004, BQLVNT đã đề nghị hoàn thiện cơ chế quản lý KBTBNT, theo đó giao cho BQLVNT thẩm quyền xử lý vi phạm, mọi phương tiện thủy đưa người đến vùng lõi KBTBNT đều phải đăng ký, khai báo với BQLVNT. Nhưng đến nay, đề nghị trên vẫn chưa được UBND tỉnh Khánh Hòa phê chuẩn.

MỚI - NÓNG