Công khai kết quả lấy phiếu tín nhiệm

Công khai kết quả lấy phiếu tín nhiệm
TP - Thảo luận Đề án lấy phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do QH, Hội đồng nhân dân bầu hoặc phê chuẩn, sáng 14-9, nhiều đại biểu cho rằng, sau khi lấy phiếu cần công khai kết quả phiếu để làm cơ sở xử lý sau này.

> Thường vụ Quốc hội góp ý đề án lấy phiếu tín nhiệm

Theo đề án, quy định về lấy phiếu tín nhiệm đưa ra hai phương án. Đó là, lấy phiếu định kỳ hằng năm (theo Nghị quyết Trung ương 4); hoặc lấy phiếu tín nhiệm hai lần trong một nhiệm kỳ (vào thời gian giữa và cuối nhiệm kỳ).

Về đối tượng lấy phiếu, Đề án và các ý kiến tại phiên họp nghiêng về phương án QH thực hiện việc lấy phiếu tín nhiệm đối với các chức danh chủ chốt: Chủ tịch QH, các phó chủ tịch QH, chủ tịch Hội đồng Dân tộc, Chủ nhiệm các ủy ban của QH, các thành viên khác của Ủy ban Thường vụ QH, Chủ tịch nước, Phó Chủ tịch nước, thủ tướng chính phủ, các phó thủ tướng, các thành viên khác của chính phủ; chánh án Tòa án Nhân dân Tối cao, viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao, tổng kiểm toán Nhà nước (tổng cộng 49 người). Theo đó, diện lấy phiếu thu hẹp hơn chứ không phải mọi chức danh do QH, HĐND bầu, hoặc phê chuẩn.

Bãi nhiệm ngay nếu phiếu thấp?

Thảo luận đề án, một số Ủy viên UBTV QH đề nghị làm rõ khái niệm “lấy phiếu tín nhiệm”, khái niệm này có gì khác “bỏ phiếu tín nhiệm”.

Về vấn đề này, Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng giải thích Đề án quy trình, thủ tục, cách thức thực hiện việc lấy phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do QH, HĐND bầu hoặc phê chuẩn quy định 2 công đoạn: Lấy phiếu tín nhiệm là hình thức thăm dò ý kiến, xem một cán bộ nào đó có mức độ được tín nhiệm đến đâu; còn bỏ phiếu tín nhiệm là quyết định xem người cán bộ đó có còn đủ tín nhiệm để gánh vác trọng trách mà Đảng và nhân dân giao phó hay không.

Nếu phiếu tín nhiệm quá thấp, sẽ bỏ phiếu để quyết định việc bãi nhiệm. Bỏ phiếu quy trình chặt chẽ hơn, hậu quả nặng nề hơn. “Lấy phiếu xong, phải có thủ tục tiếp theo, chứ không phải lấy xong rồi để đấy”, Chủ tịch QH nhấn mạnh.

Theo quy định, nếu sau hai lần có số phiếu tín nhiệm thấp (dưới 50%), có thể xem xét bỏ phiếu bãi, miễn nhiệm; kết quả phiếu cần phải được công khai rộng rãi. Một số ý kiến cho rằng, cần gắn việc lấy phiếu với đánh giá cán bộ một cách thường xuyên, có tích lũy kết quả đánh giá.

Thậm chí, có thể phải xem xét đưa ra bãi nhiệm ngay nếu phiếu quá thấp.“Không thể để một người vi phạm nặng cứ phải chờ sau hai năm mới làm xong quy trình lấy phiếu, như thế sẽ là không kịp thời. Nên lấy phiếu định kỳ và phải công khai kết quả rộng rãi”, Chủ nhiệm UBVHGDTNTN&NĐ Đào Trọng Thi kiến nghị.

Tuy nhiên, Chủ nhiệm UB Kinh tế Nguyễn Văn Giàu băn khoăn, thực tế, việc đưa ra lấy phiếu các chức danh chủ chốt không đơn giản, cần đưa ra quy định có tính khả thi cao. Theo ông, nếu quy định rồi mà không làm được thì rất phản tác dụng.

Đề nghị lấy phiếu bất thường

Để không mang tính hình thức, một số ý kiến cho rằng, nên thu hẹp đối tượng lấy phiếu. Ngoài ra, có thể phân cấp, QH chỉ lấy phiếu đối với cấp bộ trưởng trở lên, còn lại phân cấp cho địa phương.

Về cơ bản, việc lấy phiếu phải đánh giá được tín nhiệm của người được lấy phiếu với cử tri. Chủ tịch HĐDT của QH Ksor Phước cho rằng, có thể trước mắt sẽ lấy phiếu tín nhiệm đối với đối tượng là thành viên chính phủ.

Tuy nhiên, đối với các cơ quan QH, có thể lấy phiếu từ các đồng chí ủy viên thường trực, một số vị trí chuyên trách trở lên.

Nhấn mạnh kết quả lấy phiếu là cơ sở quan trọng đánh giá, sắp xếp cán bộ, đề bạt, bổ nhiệm cán bộ, một số ĐB kiến nghị nên tổ chức lấy tín nhiệm theo cơ chế hằng năm thay vì 2 lần/nhiệm kỳ.

Trưởng Ban Đối ngoại Trần Văn Hằng đề nghị có hình thức lấy phiếu bất thường trong trường hợp cán bộ vi phạm nghiêm trọng, không hoàn thành nhiệm vụ, ví dụ trường hợp gây thất thoát lớn về tài sản của Nhà nước.

Ngoài 3 mức độ tín nhiệm như đề án trình (tín nhiệm cao, tín nhiệm, tín nhiệm thấp), Chủ nhiệm UB Các vấn đề xã hội của QH Trương Thị Mai và một số ĐB cho rằng, nên thêm mức “không tín nhiệm” để người bỏ phiếu lựa chọn.

“Chỉ nên “yes” hay “no” chứ không nên có nhiều phương án. Quy trình càng đơn giản, rõ ràng, càng tránh rơi vào hình thức”, Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Trần Văn Hằng nói.

Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng nhấn mạnh, quy trình thủ tục phải làm chặt chẽ, thận trọng để đảm bảo chắc chắn, khách quan, trung thực kết quả lấy phiếu tín nhiệm.

Phiếu thấp nên có văn hóa từ chức

Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng nhấn mạnh, ĐBQH phải phát huy quyền đại diện của mình có thể bãi nhiệm, miễn nhiệm các chức danh do mình bầu ra. Đồng thời, Ban soạn thảo có thể tính tới cả phương án người bị bất tín nhiệm có thể xin thôi chức trước, tránh bị bỏ phiếu.

Theo Chủ nhiệm UBTCNS Phùng Quốc Hiển, khi lấy phiếu thăm dò mà tín nhiệm thấp dưới 50%, có thể báo cáo trước QH để cán bộ khắc phục các khuyết điểm. Nhưng nếu thấy không thể tiếp tục, có thể để họ chủ động xin từ chức.

“Hai năm liên tiếp lấy phiếu tín nhiệm mà vẫn thấp, phải bỏ phiếu bất tín nhiệm. Tuy nhiên, có thể chọn phương án cho từ chức để “giữ gìn danh dự”, Chủ nhiệm Văn phòng QH Nguyễn Hạnh Phúc đề nghị bổ sung vào đề án.

Ủng hộ quan điểm cần đánh giá cán bộ thông qua lấy phiếu định kỳ hằng năm, Phó Trưởng Ban Tổ chức T.Ư Trần Văn Minh phát biểu: “Ai bị tín nhiệm thấp phải lo phấn đấu. Còn ai đó, nếu xét thấy cần thiết, sẽ chủ động xin từ chức”.

Về vấn đề này, Phó Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân nói, người dân đang rất mong sẽ có những trường hợp cán bộ chủ động xin từ chức, tạo ra văn hóa từ chức.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Lốc xoáy làm lật thuyền, hai người mất tích
Lốc xoáy làm lật thuyền, hai người mất tích
TPO - Vào tối 17/4, trên địa bàn huyện Sìn Hồ (Lai Châu), do ảnh hưởng của mưa lớn kèm gió lốc lật thuyền, hai người mất tích. Mưa lớn kèm gió lốc cũng gây thiệt hại hơn 1 tỷ đồng đến tài sản của Nhà nước và nhân dân.