Công khai, minh bạch để giảm tham nhũng

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho biết sẽ đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính công khai, minh bạch để chống tham nhũng. Ảnh: Trung Đức.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho biết sẽ đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính công khai, minh bạch để chống tham nhũng. Ảnh: Trung Đức.
TP - Hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường theo hướng công khai, minh bạch, chống tham nhũng, đẩy mạnh cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước (DNNN)… là những thông điệp được Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đưa ra tại Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam thường niên (VBF) 2014 diễn ra hôm qua 2/12.

Giao dịch tiền mặt, sinh chuyện “lót tay”

Bà Virginia B.Foote, đồng Chủ tịch Liên minh VBF cho biết, Việt Nam cần hạn chế giao dịch tiền mặt, và các giao dịch tài chính trực tiếp giữa người dân, DN, nhà nước để hạn chế tham nhũng. Theo bà, việc lạm dụng tiền mặt có thể dẫn đến những hệ lụy nguy hiểm. Tại những nước top 10 thế giới về tiêu dùng không qua tiền mặt có tới hơn 80% số giao dịch không dùng tiền mặt. Trong khi, con số này ở Việt Nam chỉ mới 3%.

Việc giao dịch bằng tiền mặt có thể tạo môi trường cho hành vi “đưa tiền lót tay”, hối lộ, thiếu hiệu quả, cũng như quy trình kế toán, kiểm toán đáng ngờ, không đáp ứng tiêu chuẩn quốc tế. “Các nghiên cứu cho thấy, tại những nền kinh tế dựa vào tiền mặt, từ tham nhũng dạng nhỏ đến rửa tiền quy mô lớn đều phổ biến và mang tính đối phó hơn” - bà Foote cảnh báo.

Nhóm nghiên cứu về Quản trị và minh bạch của VBF cũng dẫn bảng  xếp hạng Minh bạch quốc tế, Việt Nam đứng thứ 116/175 quốc gia về chỉ số tham nhũng. Còn trong báo cáo mới đây về “Môi trường kinh doanh” của Ngân hàng Thế giới, Việt Nam xếp thứ 78/189 nền kinh tế, trong khi những “hàng xóm” như Malaysia xếp thứ 18, còn Thái Lan là 26.

Những chỉ số quan trọng phản ánh mức độ thuận lợi trong thành lập DN, cấp phép xây dựng, kết nối điện lưới, đăng ký tài sản, đóng thuế và thương mại tiểu ngạch… Việt Nam đều xếp ở mức thấp. Số lượng thủ tục, thời gian gấp 3-4 lần so với các nước đối tác thương mại, trong khi các cơ chế hiện hành đang có sự chậm trễ, có nhiều lỗ hổng cho tham nhũng.

“Một số đơn vị có thể nói còn “sống” nhờ vào những khoản chi không chính thức này và cả một quy trình nhận tiền hối lộ, tham nhũng ngầm. Nếu đã “không chính thức” thì cũng có nghĩa là phi pháp, và khi đó, cả hai bên đã có hành vi phạm pháp, và việc này còn hủy hoại tiền đồ của chính DN”. 

Bà VIRGINIA Foote, đồng chủ tịch VBF

Theo bà Foote, gần đây Chính phủ đã có những biện pháp nhằm tăng cường xóa bỏ nạn hối lộ, tham nhũng trong một số lĩnh vực như hải quan, cấp phép, xử lý vi phạm. Tuy nhiên, nhóm nghiên cứu cũng “rất quan ngại”, khi các đơn vị trung gian phải chịu những áp lực trực tiếp hay gián tiếp buộc phải nộp những khoản “phí bôi trơn” một cách có hệ thống. Thậm chí, đấy được coi là hành vi “bình thường” để được thông quan hàng hóa, xin giấy phép, làm thủ tục mà không hề công khai hay có biên lai.

Quyết tâm cải cách, chống tham nhũng

Ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho rằng, Việt Nam cần “5 mũi giáp công về thể chế”: cải cách pháp luật, thủ tục hành chính; DNNN; chuyển giao dịch vụ công cho xã hội và thị trường; tư pháp để tạo đột phá về môi trường kinh doanh. Ông Lộc kể lại lời tâm sự của Thủ tướng tại cuộc gặp cộng đồng DN hồi tháng Tư. “Thủ tướng cảm thấy nóng ruột, nhưng càng đi xuống dưới bộ máy công quyền thì càng nguội đi. Tới nhiều công chức cơ sở thì dường như không có việc gì xảy ra. Sự vô cảm của các công bộc của dân làm cho những người đứng đầu Chính phủ cảm thấy sốt ruột” - ông Lôc.

Phát biểu tại diễn đàn, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho biết, sẽ tiếp thu, sửa đổi, bổ sung để cải thiện về thể chế pháp luật, chính sách để sát với thực tế hơn, với tinh thần tạo mọi điều kiện thuận lợi cho DN phát triển, giúp kinh tế Việt Nam phát triển bền vững. Theo Thủ tướng, năm 2015, Việt Nam sẽ tập trung vào ba khâu đột phá. Theo đó, sẽ đưa mức tăng trưởng GDP từ 5,9% (năm 2014) lên 6,2% vào 2015. Huy động các nguồn lực xã hội, tư nhân, nước ngoài đầu tư cho kết cấu hạ tầng, nhất là hợp tác công - tư (ppp).

Theo Thủ tướng, năm 2015, sẽ tiếp tục cải cách hệ thống ngân hàng, giảm nợ xấu còn 3%. Đẩy mạnh cổ phần hóa 432 tập đoàn, tổng Cty nhà nước, trong đó sẽ giảm tỷ lệ vốn nhà nước nắm giữ trong các DNNN được cổ phần hóa, tạo sự bình đẳng theo cơ chế thị trường với DN khác, nhất trong phân bổ nguồn lực đất đai, vốn liếng.

Ngoài ra, Thủ tướng cho biết, sẽ xử lý nghiêm những hành vi tham nhũng. Đồng thời, hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường, thực hiện công khai, minh bạch trong quản lý tài sản, tài chính, ngân sách, khoáng sản, DNNN. Theo Thủ tướng, Việt Nam cũng sẽ cải cách mạnh trong thủ tục hành chính, liên quan đến quyền lợi người dân, DN và tất cả đều phải làm công khai, minh bạch.

Hút vốn ngoại cổ phần hóa DNNN

Ông Dominic Scrisven, Trưởng nhóm Công tác thị trường vốn của VBF cho biết, vốn hóa thị trường chứng khoán của Việt Nam rất nhỏ so với các nước ASEAN, chỉ bằng 1/5 so với Philippines, bằng 1/10 so với Malaysia. Do vậy, Việt Nam cần “nới” thêm các quy định, để thu hút dòng tiền lớn và dài hạn từ nhà đầu tư nước ngoài, nhất là trong quá trình đẩy mạnh cổ phần hóa DNNN. Theo nhóm nghiên cứu, thị trường chứng khoán cần một lượng vốn rất lớn, có thể 5-10 tỷ USD (phụ thuộc vào cổ phần hóa bao nhiêu %).

MỚI - NÓNG