Công khai, minh bạch để kiểm soát quyền lực

Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng.
Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng.
TP - Theo Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng, việc Chính phủ thành lập tổ công tác, mở kênh tương tác với doanh nghiệp và người dân chính là cách thức hướng đến sự công khai, minh bạch, giám sát quyền lực. Bởi suy cho cùng thì không có gì kiểm soát quyền lực hữu hiệu bằng cách minh bạch thông tin trước báo chí và người dân.

Xây dựng lòng tin bền vững

Từ đầu nhiệm kỳ đến nay, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã quyết tâm, nỗ lực xây dựng một Chính phủ phục vụ người dân và doanh nghiệp. Tuy nhiên, sự chuyển động hướng đến mục tiêu đó dường như vẫn còn ở trạng thái“trên nóng, dưới lạnh”. Ông nghĩ sao về vấn đề này?

Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng: Đúng là vừa qua, có nhiều người đặt vấn đề là không khí chuyển động, cải cách vẫn còn kiểu “trên nóng, dưới lạnh”, “trên chuyển, dưới chưa chuyển”. Đây đúng là một thực tế nhưng để giải quyết được thì cần phải có thời gian, giải pháp. Cụ thể, tới đây, chúng tôi sẽ tổ chức hội nghị sơ kết để phân tích, đánh giá một năm hoạt động của tổ công tác để đúc rút kinh nghiệm. Dự kiến, tới đây, tổ công tác sẽ tập trung tiến hành kiểm tra mang tính sâu hơn, chuyên đề hơn, trong đó tăng cường kiểm tra ở tuyến dưới, đặc biệt là ở huyện, xã, phường, xem xem sự chuyển động như thế nào; xem cấp cơ sở phục vụ người dân, doanh nghiệp như thế nào…

Nếu giờ chỉ có một đầu tàu kéo tất cả các toa thì chưa chắc đã kéo nổi. Do đó phải vận hành cả lực đẩy, các toa tàu phải cũng có động cơ để kéo, để đẩy, tức là cần có sự chuyển động của cả hệ thống. Qua đó nâng cao ý thức cũng như trách nhiệm thực thi công vụ của cán bộ, công chức trong việc phục vụ người dân và doanh nghiệp.

Trong khi Chính phủ đang quyết tâm cải cách hành chính, cải cách cách thức phục vụ, thì ở bên dưới vẫn có một bộ phận cán bộ công chức ứng xử thiếu chuẩn mực, gây khó cho người dân. Ông nhìn nhận thế nào về vấn đề này?

Rõ ràng những việc làm trên đã ảnh hưởng không tốt tới hình ảnh của các cơ quan hành chính. Nhưng qua đó chúng ta cũng nhìn nhận được thực tế cung cách phục vụ của đội ngũ cán bộ cấp cơ sở đối với người dân và doanh nghiệp như thế nào. Từ đó có biện pháp chấn chỉnh, xử lý, lấy lại niềm tin đối với người dân.

Điều quan trọng nhất là khi xảy ra các vụ việc gây bức xúc đối với người dân, doanh nghiệp thì các cấp chính quyền phải nhanh chóng vào cuộc, giải quyết một cách công khai, minh bạch, rõ đúng, sai. Phải làm thật, không vo tròn che giấu khuyết điểm. Có thế thì lòng tin của người dân vào bộ máy mới được xây dựng một cách bền vững.

Chính phủ sẽ có giải pháp cụ thể gì để khắc phục tình trạng “trên nóng, dưới lạnh” đang tồn tại, cộng với lợi ích cục bộ làm cho “tắc nghẽn” định hướng cải cách?

Ngoài việc kiểm tra ở cấp cơ sở thì giải pháp căn cơ là phải rà soát, xây dựng thể chế, có quy định trách nhiệm của người đứng đầu. Bên cạnh đó là xử lý nghiêm túc, khách quan các vi phạm, nếu tốt thì khen, không tốt thì nhắc nhở, sai phạm đến mức xử lý kỷ luật thì phải xử lý kỷ luật. Đi kèm theo đó là tăng cường hơn nữa sự minh bạch và không có vùng cấm trong xử lý
cán bộ.

Doanh nghiệp, người dân chấm điểm cơ quan hành chính

Vừa qua, Chính phủ đã mở kênh để “kết nối” với người dân và doanh nghiệp. Việc kết nối này đến nay đã thực hiện được như thế nào, thưa ông?

Tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng là hoạt động cần công khai, minh bạch, vì không có gì kiểm soát quyền lực tốt bằng cách minh bạch thông tin cho báo chí và người dân giám sát. Từ đó, Thủ tướng có ý kiến thành lập website để kết nối Chính phủ với doanh nghiệp, kết nối Chính phủ với người dân.

Vì thế, từ ngày 1/10/2016, Chính phủ đã quyết định mở kênh tương tác giữa Chính phủ với doanh nghiệp. Tiếp đến ngày 3/4/2017 thì mở kênh kết nối với người dân. Qua mấy tháng hoạt động bước đầu cũng đã phát huy được rất nhiều hiệu quả. Nhiều vụ việc người dân, doanh nghiệp phản ánh đã được các cơ quan, đơn vị giải quyết kịp thời, thấu đáo.

Bản thân cá nhân tôi, khi tiếp nhận những phản ánh của người dân, doanh nghiệp cũng có nhiều cảm xúc, trăn trở, băn khoăn, lẽ ra việc này ở cơ quan địa phương ấy làm tốt thì người dân đã không phải chờ đợi, không phải phản ánh lên Chính phủ.

Điều quan trọng nữa trong phần mềm “kết nối” này, người dân có thể chấm điểm, thể hiện sự hài lòng hay không hài lòng đối với các cơ quan đơn vị, rất công khai, minh bạch. Qua đó để mỗi cơ quan cùng lắng nghe, nhìn nhận sự đánh giá của người dân và doanh nghiệp về cung cách phục vụ của đơn vị, địa phương mình.

Là người trực tiếp xử lý ý kiến của người dân gửi đến, ông cảm nhận thế nào về tiếng kêu của dân với thủ tục và bộ máy hành chính hiện nay?

Điều khiến tôi băn khoăn nhất là có những việc, nếu chính quyền địa phương quan tâm, thì kiến nghị của người dân đã không bị đẩy từ xã lên huyện, từ huyện đẩy lên tỉnh, từ tỉnh lên trung ương. Do đó vấn đề chính là cần phải nâng cao kỷ luật, kỷ cương, ý thức trách nhiệm của đội ngũ cán bộ công chức trong việc phục vụ người dân và doanh nghiệp. Bên cạnh đó, hoàn thiện các quy định của pháp luật để xử lý nghiêm minh những cán bộ nhũng nhiễu, gây phiền hà, giải quyết không kịp thời, thỏa đáng các kiến nghị của người dân và doanh nghiệp.

Xin cảm ơn ông!

MỚI - NÓNG