Công khai tài sản trước cử tri

ĐB Lê Quốc Dung (Thái Bình). Ảnh: Hồng Vĩnh
ĐB Lê Quốc Dung (Thái Bình). Ảnh: Hồng Vĩnh
TP - Sáng 8-11, Quốc hội (QH) thảo luận ở hội trường về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội (ĐBQH) và Luật Bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân (HĐND) và dự thảo Nghị quyết về chính sách thuế sử dụng đất nông nghiệp.
ĐB Lê Quốc Dung (Thái Bình). Ảnh: Hồng Vĩnh
ĐB Lê Quốc Dung (Thái Bình). Ảnh: Hồng Vĩnh.

Các đại biểu (ĐB) thống nhất phạm vi sửa đổi, bổ sung của dự án luật lần này là chỉ tập trung sửa một số vấn đề thực sự cần thiết trong công tác tổ chức bầu cử khi tiến hành bầu cử ĐBQH khóa XIII và bầu ĐBHĐND các cấp nhiệm kỳ 2011 - 2016 trong cùng một ngày. Bởi vì để sửa đổi căn bản, toàn diện cơ chế, phương thức tổ chức bầu cử đòi hỏi phải sửa đổi Hiến pháp và các luật liên quan; hơn nữa, thời gian tổ chức bầu cử ĐBQH và ĐB HĐND các cấp vào tháng 5 không còn dài, khó có thể sửa đổi toàn diện và đồng bộ được.

Tránh quân xanh, quân đỏ

Băn khoăn việc thí điểm bỏ HĐND quận, huyện, phường, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Lê Quốc Dung đề nghị cần nghiên cứu kỹ hơn nữa, bởi nếu thí điểm bỏ ở những nơi này để tăng quyền của người dân hơn nữa thì ông rất đồng tình. Nhưng nếu bỏ mà không tăng được quyền của người dân thì không ổn.

ĐB Dung cho rằng, vấn đề tiêu chuẩn đại biểu, công khai, danh sách ứng cử, cơ cấu ứng cử, số dư, quyền tranh cử cần phải được sửa đổi tốt hơn. Thực tiễn ở các địa phương cho thấy: Có việc bố trí quân xanh, quân đỏ để làm cho thuận, cho nhanh, dễ cho sự lãnh đạo cũng như chỉ đạo là một điều không nên và không được để tái diễn trong thời gian tới. Ví dụ, có đơn vị bầu cử bố trí hai đại biểu cùng một nhà máy, bảo đảm như thế thì cử tri sẽ chỉ chọn một. Cử tri phản ứng, người ta bầu luôn cả 2 người đó thành đại biểu HĐND. Cuối cùng chất lượng HĐND kỳ đó rất kém.

“Lần này phải sửa tiêu chuẩn như thế nào, công khai như thế nào từ tài sản đến tiểu sử, đến bằng cấp để nhân dân kiểm tra. Phải bố trí làm sao để những người ứng cử, tự ứng cử phải tương quan, nghĩa là người dân có thể chọn một chín, một mười, chứ không thể là một mười, một năm”- Ông Dung đề nghị.

ĐB Sùng Thị Chư (Yên Bái) đề nghị, kê khai tài sản của ứng cử viên ĐBQH, HĐND các cấp phải thực hiện công khai tại Hội nghị cử tri nơi cư trú và nơi công tác.

Mỗi người chỉ được bầu một phiếu

ĐB Nguyễn Đình Xuân (Tây Ninh) nhận xét, quyết định về quyền ứng cử hiện nay tương đối lỏng, gần như mọi công dân đủ tuổi và có một số tiêu chuẩn đều có quyền tự ứng cử. Kỳ trước có quá đông người tự ứng cử, nhưng khi chọn thì không thể chọn được.

“Người tự ứng cử, ngoài những tiêu chuẩn quy định, thật ra tiêu chuẩn đó rất nhiều người đạt được, phải quy định thêm, ví như có được chữ ký ủng hộ của bao nhiêu người hoặc bao nhiêu tổ chức”- ĐB Xuân nói.

Cũng theo ĐB này, một quyền hết sức quan trọng trong luật pháp từ năm 1946 đến nay là quyền phổ thông đầu phiếu. Mặc dù quy định rất rõ là mỗi người chỉ được bỏ một phiếu, nhưng hiện tượng một người bỏ nhiều phiếu khá phổ biến. “Vấn đề ở chỗ chúng ta chưa có chế tài cho việc này” - ĐB Xuân nói.

MỚI - NÓNG
Ngừng phiên tòa tranh chấp liên quan đến Hoa hậu Lê Hoàng Phương
Ngừng phiên tòa tranh chấp liên quan đến Hoa hậu Lê Hoàng Phương
TPO - Sau khi xuất hiện bằng chứng mới, Hội đồng xét xử quyết định tạm dừng phiên tòa  tranh chấp Hợp đồng quảng bá thương hiệu giữa Ban tổ chức cuộc thi Miss Grand Vietnam 2023 (BTC) và Công ty Cổ phần Bệnh viện Phẫu thuật thẩm mỹ Nam An (Bệnh viện Nam An), trong đó Hoa hậu Lê Hoàng Phương tham gia tố tụng với tư cách người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan.