Công lý sẽ được thực thi

Ảnh: Internet
Ảnh: Internet
TP - 10 năm trước anh Lê Anh Hào, kỹ sư công nghệ đến nước Nhật lao động. Vợ chồng anh đặt tên cho con gái lớn là Nhật Linh có lẽ cũng vì yêu mến nước Nhật. Thế rồi bi kịch xảy đến và theo như họ nói, cuộc sống của cả gia đình đã sụp đổ hoàn toàn, đảo lộn hoàn toàn từ đây.

Ngày 4/6/2018 khi phiên tòa ở Nhật xử vụ bắt cóc dâm ô và giết bé Nhật Linh, người cha bất hạnh đã xin được hơn 1 triệu chữ ký trong nước và gần 7 vạn chữ ký ở Nhật - thỉnh nguyện tòa xử kẻ thủ ác tội cao nhất - tử hình. Mấy tháng trước, một luồng ý kiến phản biện dấy lên khi anh Hào đi xin chữ ký. Bên cạnh những người đồng cảm, sẵn lòng ký thì một số người cho rằng việc này có thể khiến người Nhật hiểu sai về người Việt, hoặc nó biểu hiện sự không tin tưởng vào luật pháp Nhật. Thậm chí có người còn cho rằng mình đã bị nạn thì không nên gieo “nghiệp” bằng cách đòi lấy mạng người khác, rằng nên để kẻ thủ ác sống mà suy ngẫm về tội ác của mình thì hơn...

Về việc sợ bị hiểu sai, e rằng lo bò trắng răng, và có vẻ xuất phát từ mặc cảm, vọng ngoại. Sự căm phẫn kẻ thủ ác và đồng cảm với người cha mất con là bình thường. Ta thấy dân chúng ở các nước tiên tiến đôi lúc vẫn biểu tình, tuần hành để đòi công lý cho một nạn nhân nào đó.

Cho đến giờ phút này, không hề có phương án 2, nghi can nào khác trong vụ án Nhật Linh. Còn nghi phạm duy nhất - Yasumasa Shibuya đã sử dụng quyền im lặng suốt hơn một năm qua và cũng chả phản bác được gì. Vừa qua ra tòa y cũng không trưng được bằng chứng ngoại phạm nào, sự biện hộ mảy may có lý nào mà chỉ khăng khăng phủ nhận tội lỗi. Như vậy, khó mà chờ đợi sự hối hận sau song sắt của y. Mà kể cả hối đi nữa cũng muộn quá rồi.

Aleksandr Kron, tác giả tiểu thuyết nổi tiếng “Thao thức” viết: “Chúng ta rất thích nói “ở địa vị anh, tôi sẽ...”  nhưng lại kém cỏi đến đáng sợ trong việc đặt mình vào chỗ người khác”. Ở địa vị bố mẹ bé Nhật Linh, dám tin nhiều vị còn muốn tự tay trả thù kẻ đã gây hại cho đứa con thân yêu bé bỏng của mình ấy chứ. Không tội ác nào đáng ghê tởm bằng tội dâm ô trẻ em xong còn ra tay sát hại nạn nhân. Đòi hỏi sự nhân đạo, tha thứ trong trường hợp này là một việc quá sức, và vô nghĩa. Có thể từ chối một chữ ký cho anh Hào nhưng lại cho rằng nếu ký vào là chưa đốn ngộ chưa hiểu đời, kém nhân văn?

Một người cha bình thường như anh Lê Anh Hào, suốt một năm qua từ khi con bị hại, đã không thể tiếp tục công việc, phải nghỉ làm. Anh bây giờ chỉ còn biết cầu đến thần Phật - “mong bé đầu thai, tiếp tục làm con của tôi”. Một gia đình tan nát, đau thương nhưng họ đã chọn lên tiếng chứ không im lặng, nhất là trên phương tiện truyền thông Nhật, để đòi công lý cho con gái mình. Đó là một việc chính đáng. Mong công lý sẽ được thực thi ở phiên tòa tháng 6 này.             

MỚI - NÓNG