Công nghiệp hóa, phụ nữ chưa hết khổ

Công nghiệp hóa, phụ nữ chưa hết khổ
TP - Ngày 28-1, tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh, diễn ra hội thảo trực tuyến thực hiện Luật Bình đẳng giới và Nghị quyết của Bộ Chính trị về công tác phụ nữ thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa.

Cùng ngày, tại Cần Thơ, hội nghị chuyên ngành của Bộ Y tế cho biết, 9 tháng đầu năm 2009 cả nước có 74 phụ nữ chết khi sinh, 2.198 phụ nữ bị tai biến sản khoa.

Năm 2009, còn có 18,9% trẻ dưới 5 tuổi suy dinh dưỡng, 25,5 phần nghìn trẻ dưới 5 tuổi bị chết. Những con số cho thấy, với thiên chức cao quý sinh nở duy trì giống nòi, phụ nữ nước ta ở thời hiện đại vẫn còn vô cùng vất vả.

Nhìn ra thế giới, một nghiên cứu về lãnh đạo của 2.000 công ty hàng đầu thế giới, chỉ thấy 29 CEO là phụ nữ (1,5%). Mà đấy cũng đã có sự tiến bộ, theo tạp chí Fortune, trong 500 công ty công cộng lớn tại Mỹ, một thập kỷ trước chỉ có 3 phụ nữ đứng đầu, nay đã có 15 người.

Phụ nữ làm lãnh đạo bị thị trường và truyền thông săm soi kỹ lưỡng hơn nam giới. Cổ phiếu của một công ty sẽ giảm khi công bố có CEO là nữ. Các phóng viên viết về những CEO mới được bổ nhiệm, cũng tập trung vào nữ nhiều hơn nam. Nói chung, phụ nữ gần như phải cố gắng gấp đôi nam giới để được bổ nhiệm chức vụ cao.

Ở nước ta, chắc chắn phụ nữ còn phải cố gắng nhiều hơn nữa, dù nước ta là một trong các quốc gia đầu tiên chuẩn thuận Công ước loại trừ tất cả các hình thức phân biệt phụ nữ. Trong đó, quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa gây nên nhiều bất bình đẳng mới mà phụ nữ và trẻ em phải hứng chịu đầu tiên.

Nơi có tốc độ công nghiệp hóa cao như miền Đông Nam Bộ, năm 2009, tỷ lệ tai biến sản khoa cao nhất nước, đến 3,6 phần nghìn, trong khi bình quân cả nước chỉ 2,2 phần nghìn.

Ở đây, số trường hợp phá thai so với số trẻ đẻ sống cũng cao nhất nước, đến 49%, trong khi bình quân cả nước là 28%; tỷ lệ phụ nữ được chăm sóc sau sinh là 86,9%, chỉ nhỉnh hơn vùng Tây Bắc và Tây Nguyên.

Những vùng nhiều yếu kém như vùng biển, nơi 20% trạm y tế xã chưa có bác sỹ, phụ nữ còn bị thiệt thòi nhiều hơn. Một khảo sát gần đây, phụ nữ trên đảo Cô Tô (Quảng Ninh) có 80-85% bị bệnh phụ khoa, chủ yếu là viêm nhiễm cơ quan sinh dục.

Còn ở hai huyện ven biển Thái Thụy và Tiền Hải của tỉnh Thái Bình, dân số chiếm 26% nhưng trẻ bị dị tật, thiểu năng trí tuệ chiếm đến 58,5% toàn tỉnh. Rõ ràng, phụ nữ đang cần có chính sách can thiệp, hỗ trợ, để đảm bảo sức khỏe.

Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết số 57/NQ-CP về Chương trình hành động của Chính phủ về Công tác phụ nữ thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước đến năm 2020. Mục tiêu, đến năm 2020, phụ nữ nước ta là một trong các quốc gia có thành tựu bình đẳng giới tiến bộ nhất của khu vực. Cần nỗ lực chung, song bản thân giới phụ nữ luôn giữ vai trò chủ động.

Hiện nay, nước ta đã có tỷ lệ nữ trong Quốc hội (nhiệm kỳ 2007 - 2012) cao nhất ASEAN, đến 25,8%. Hiển nhiên, sự có mặt với sự tham dự, cũng như sự tham dự với sự đại diện, luôn có khoảng cách phải vượt qua.

'Với thực tế và kỳ vọng đang đặt ra, các nữ đại biểu Quốc hội và nói chung là phụ nữ giữ vị trí lãnh đạo ở mọi lĩnh vực của nước ta, đang có trọng trách thật lớn.

MỚI - NÓNG