Công nhân quét rác kêu cứu Thành ủy

Bãi rác Khánh Sơn - một trong những tài sản của Cty TNHH MTV Môi trường đô thị Đà Nẵng. Ảnh: Nam Cường.
Bãi rác Khánh Sơn - một trong những tài sản của Cty TNHH MTV Môi trường đô thị Đà Nẵng. Ảnh: Nam Cường.
TP - Hàng chục công nhân quét rác vừa kéo lên trụ sở Thành ủy Đà Nẵng đòi gặp Bí thư Trần Thọ để tố cáo lãnh đạo Cty CP Môi trường đô thị không chịu tổ chức đại hội cổ đông, làm mất quyền lợi của các công nhân. Ngoài ra, các công nhân cũng khiếu nại chuyện lương thưởng, bổ nhiệm lãnh đạo không đúng quy định.

Chậm đại hội cổ đông

Chị H. (Xí nghiệp Môi trường đô thị quận Hải Châu) cho biết, chỉ được nhận lương cào bằng 120.000 đồng/người/ngày kể cả làm việc trong ngày Chủ nhật, lễ Tết, hợp đồng ngắn hạn hay không thời hạn, người mới làm hay người đã gắn bó vài chục năm.

Gần đây, công ty đã có chủ trương cổ phần hóa (CPH)  nên hối thúc người lao động đóng tiền mua cổ phiếu, hạn chót vào ngày 10/3. Nhiều công nhân sợ mất quyền lợi nên vay mượn để đóng nhưng đã 5 tháng rồi mà chưa thấy tổ chức đại hội cổ đông... “Chúng tôi đã vay lãi cao để đóng rồi, giờ mãi vẫn không tổ chức đại hội, ai chịu trách nhiệm, ai trả tiền lãi suất?”.

Ông Nguyễn Thanh Hùng - Phó TGĐ Cty TNHH MTV MTĐT Đà Nẵng cho hay, việc CPH, kết thúc bán cổ phiếu cho công nhân là ngày 10/3/2015, nhưng đến ngày 20/5/2015 mới kết thúc bán cho các cổ đông lớn. Công ty đã có văn bản gửi lãnh đạo thành phố yêu cầu tổ chức đại hội cổ đông sau ngày 20/6 theo quy định nhưng do còn một số vướng mắc nên thành phố đồng ý giãn tiến độ tổ chức để làm rõ những vấn đề cần thiết. Nếu sau ngày 20/8/2015 (tức là sau 3 tháng) vẫn chưa tổ chức đại hội cổ đông để cổ phần hóa thì công ty sẽ chịu trả chi phí lãi vay cho các cổ đông theo quy định.

Lo tư nhân thâu tóm?

Theo nguồn tin của Tiền Phong, khi tiến hành CPH, vốn nhà nước tại Cty vẫn là 51%, có nghĩa Cty MTĐT vẫn đặt dưới sự quản lý của thành phố Đà Nẵng. Tuy nhiên, trong thời gian bán cổ phiếu, một cổ đông chiến lược đã thu gom từ các CN, người lao động và đến nay CP của cổ đông chiến lược này lên đến hơn 25% (trong số 49% số CP tư nhân).

“Theo quy định, trong thời gian 30 ngày, kể từ khi hoàn tất mua bán cổ phần, Cty phải tiến hành đại hội cổ đông để đảm bảo quyền lợi. Tuy nhiên, một số ý kiến cho rằng, cần phải nâng vốn điều lệ của Cty lên để tránh bị tư nhân chi phối vào kế hoạch phát triển sau này. Vì thế, UBND thành phố quyết định lùi ngày đại hội cổ đông để tiếp tục nghiên cứu xử lý” - nguồn tin của chúng tôi cho biết.

Ông Nguyễn Điểu - GĐ Sở TN&MT cho hay, việc cần kíp bây giờ là nhanh chóng tổ chức đại hội cổ đông lần đầu, càng sớm càng tốt để tránh tâm lý tiêu cực cho các công nhân đã vay tiền mua cổ phiếu. Về thông tin lo ngại tư nhân thâu tóm, ông Điểu cho rằng, vốn nhà nước vẫn là 51%, tất nhiên Cty đặt dưới sự quản lý của thành phố. Cổ đông chiến lược chỉ là thành viên HĐQT, không có quyền lái sự phát triển theo hướng khác.

“Đại hội sớm cũng giúp tìm ra Ban Giám đốc, vì Tổng GĐ hiện nay sắp nghỉ hưu, một số thành phần khác không làm được việc. Cụ thể mấy năm nay kiện tụng nhau liên miên” - ông Điểu nói.

Theo kết luận của Chủ tịch UBND thành phố Huỳnh Đức Thơ, Ban chỉ đạo CPH, Ban giám đốc Cty Môi trường đô thị và các cổ đông chiến lược cần làm rõ 7 điểm vướng mắc trước khi đại hội. Trong đó, nêu rõ cổ đông chiến lược, cổ đông ngoài Cty cần thảo luận rõ về chi phí đặt hàng, giá dịch vụ, phí vệ sinh… để không tạo sự biến động quá lớn về chi phí thu gom, vận chuyển rác trước và sau khi CPH.

“Giao Sở Tài chính và Sở TN&MT chủ trì mời đại diện cổ đông chiến lược làm bản cam kết về giá dịch vụ và các mức phí theo lộ trình. Trên cơ sở đó, đại diện phần vốn nhà nước biểu quyết theo nội dung cam kết giữa các bên, trình UBND thành phố trước khi ký vào” – kết luận của ông Thơ nêu rõ.

Cũng kết luận trên về phần tài sản sau CPH, ông Huỳnh Đức Thơ chỉ đạo: Cơ sở hạ tầng dùng chung về môi trường của thành phố không giao Cty, chỉ giao quản lý. Những tài sản nào có thể gây nên tình trạng độc quyền không đưa vào xác định giá trị doanh nghiệp.

Theo LS Lê Cao (Hãng luật Hợp danh HDVN), một cổ đông chiến lược chiếm giữ khoảng 25 – 30% Cổ phần (CP) thực ra họ sẽ có rất nhiều quyền hạn sau khi DN CPH. Tùy theo phương án CPH, cổ đông này có thể mua luôn số CP 51% vốn nhà nước (theo luật mới, DN 100% vốn nhà nước mới được gọi là DN nhà nước). Phương án thứ hai, nếu nhà nước vẫn giữ 51% CP để nắm giữ quyền kinh doanh, lúc đó luật không cấm cổ đông chiến lược tăng vốn điều lệ hoặc sáp nhập tài sản (cùng kinh doanh chung ngành nghề với Cty đang CPH). Lúc đó, bắt buộc nhà nước phải bỏ tiền đối ứng để đảm bảo giữ 51% số CP. 

MỚI - NÓNG