Công nhân sống thử

Công nhân sống thử
TP - Mỗi tháng, các bệnh viện phụ sản tại TPHCM, Bình Dương và Đồng Nai tiếp nhận hơn 100 nữ công nhân đến “giải quyết” hậu quả từ tình yêu vội vàng. Không ai mong muốn bỏ đi giọt máu của mình nhưng tình trạng “góp gạo thổi cơm chung” đã đẩy không ít nữ công nhân trẻ rơi vào bi kịch.

Làm gì khi được đề nghị làm 'chuyện ấy'

Sống vội

Bà Tô Thị Kim Hoa - Phó giám đốc Sở Y tế TPHCM cho biết, hiện ở các khu chế xuất, công nghiệp trên địa bàn TP có hơn 200.000 công nhân đang làm việc. Trước tình trạng công nhân thiếu kiến thức sức khỏe sinh sản, năm 2010 Sở đã tổ chức truyền thông tư vấn về chuyên đề này cho 12.000 công nhân, đưa các bác sĩ có chuyên môn đến nói chuyện về sức khỏe sinh sản cho công nhân.

Thiếu thốn tình cảm nên mỗi khi có bạn bè giới thiệu bạn trai là Nguyễn H. M. 24 tuổi, công nhân Cty Copal (ở khu chế xuất Tân Thuận, quận 5, TPHCM) liền nắm bắt cơ hội làm quen.

Mới đây sau khi được bạn giới thiệu một chàng trai làm ở Cty điện tử S. cũng tại khu chế xuất này, M. đã lao ngay vào mối tình sét đánh. Hơn hai tháng qua lại tìm hiểu, ngày 26-4, M. phải nghỉ làm để đi phá thai.

Tại Bệnh viện Từ Dũ, M. cho biết sau khi M. mang thai, người yêu mới lộ rõ một chàng họ Sở và quất ngựa truy phong. Lương không đủ sống, cộng thêm cái bầu đang ngày càng lớn lên, M. quyết định đến bệnh viện Từ Dũ.

Khác với M. nữ công nhân Hoài Thị Th. (22 tuổi, ngụ đường Bùi Văn Ba, quận 7), công nhân Cty may H.N “góp gạo thổi cơm chung” với chàng trai đồng hương người Quảng Bình từ hơn 1 năm nay. N. tâm sự “Do chi tiêu thiếu thốn, đồng lương chật vật nên sau khi quen biết với anh H. cả hai đã cùng góp gạo thổi cơm để giảm chi phí sinh hoạt”.

Sau một năm sống chung, Th. sinh một bé gái. Sau khi cô con gái đầu lòng ra đời, H. bắt đầu lơ là mối tình không ràng buộc và tìm cách thoát thân. Giữa tháng 4 vừa qua H. đã bỏ nơi trọ ra đi.

Mới đây nhất, ngày 2-5, trước cổng bệnh viện Hùng Vương, một anh xe ôm phát hiện một bé gái bị bỏ rơi. Sau khi tiếp nhận cháu bé, bệnh viện phát hiện giọt máu bị bỏ rơi là của một nữ công nhân đã hạ sinh ở bệnh viện của mình trước đó.

Thiếu sân chơi, đời sống công nhân thiếu thốn, tình trạng góp gạo nấu cơm chung diễn ra tràn khắp các khu trọ nơi có các khu chế xuất, khu công nghiệp ở TPHCM và Bình Dương. Khi chúng tôi đến khu trọ ở 347 đường Kênh 23/6, khu phố 9, phường Bình Hưng Hòa A, quận Bình Tân) nơi đây có 22 phòng trọ, nhưng theo những công nhân ở đây có đến 9 phòng trọ những cặp “vợ chồng” công nhân không hôn thú. “Họ thấy thích là về ở với nhau. Một phần giảm tiền phòng, tiền sinh hoạt”- một người trọ ở đây nói.

Mù mờ kiến thức

Bác sĩ Nguyễn Mai Hải làm ở Phòng khám Dĩ An, Bình Dương cho biết, nạn nạo phá thai trong công nhân ở các khu công nghiệp Sóng Thần diễn ra thường xuyên. Theo bác sĩ Hải, đa số công nhân nơi đây khi được hỏi về phòng ngừa thai đều mù mờ như từ trên trời rơi xuống, đó cũng là một nguyên nhân khiến tình trạng phá thai gia tăng.

Bác sĩ Trương Thế Dũng - Đoàn Y bác sỹ tình nguyện Niềm Tin, nơi từng tham gia hỗ trợ kiến thức sinh sản cho nữ công nhân, cho biết, không chỉ TP HCM, khi đến khám bệnh - tư vấn sức khỏe cho nữ công nhân ở các tỉnh Bình Dương và Đồng Nai, rất nhiều nữ công nhân sau một thời gian sống thử với bạn đồng nghiệp đã phải ôm hậu quả. Nhiều người khi phát hiện người yêu có thai đã chối bỏ trách nhiệm. “Có nhiều công nhân khi phát hiện thì thai đã lớn nên sau khi sinh con xong liền đưa con “gửi” vào chùa, bệnh viện hoặc vứt bỏ”- bác sĩ Dũng nói.

Trong khi đó, bác sĩ Nguyễn Ngọc Thông- Giám đốc Trung tâm Sức khỏe sinh sản TPHCM cho biết, mặc dù thường xuyên tổ chức tuyên truyền về sức khỏe sinh sản cho công nhân nhưng vẫn chưa “phủ sóng” hết hàng trăm nghìn công nhân ở 13 khu chế xuất, công nghiệp trên địa bàn. Bác sĩ Thông cho rằng, do phải vật lộn với cuộc mưu sinh, phần lớn công nhân lại tăng ca, thiếu sân chơi, nơi tìm hiểu sách báo… nên nhiều người mù tịt về chăm sóc sức khỏe sinh sản. “Có công nhân nạo thai đến lần thứ 3, có em không còn khả năng sinh con do nạo thai nhưng đến khi đi khám sản khoa mới biết mình mất thiên chức làm mẹ”- bác sĩ Thông nói.

Tại Phòng khám đa khoa, nhà bảo sanh Bình An (Dĩ An, Bình Dương), các nhân viên cho biết mỗi tháng trung bình có khoảng 60 nữ công nhân tìm đến phá thai. “Có người phá thai đến 3-4 lần là chuyện thường. Nhưng ít khi các nữ công nhân có chồng hoặc người yêu đi cùng” - người quản lý phòng khám cho biết.

Mỗi năm tại Bệnh viện Từ Dũ, TPHCM cũng tiếp nhận cả nghìn ca công nhân nạo phá thai, cả trăm ca tai biến do nạo phá thai từ các nơi khác chuyển đến. Tại Bệnh viện đa khoa Đồng Nai và bệnh viện đa khoa Bình Dương mỗi năm cũng tiếp nhận gần nghìn ca phá thai, trong đó công nhân chiếm khoảng 60%.

Theo bác sĩ Lê Thị Kim Phượng - Trung tâm Truyền thông giáo dục sức khỏe TPHCM, nguyên nhân sâu xa khiến nữ công nhân phải gánh chịu những sự cố đau lòng này do cuộc sống xa nhà, không có sự quản lý của gia đình, thêm vào đó là đồng lương quá thấp, môi trường sống nghèo nàn nên dễ sống buông thả.

5 vạn công nhân tại TPHCM được học về sức khỏe sinh sản

Trước tình trạng công nhân còn hạn chế về chăm sóc sức khỏe sinh sản, trong năm 2010 Liên đoàn lao động TPHCM đã phối hợp với Chi cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình TP tổ chức 31 cuộc tuyên truyền cho hàng nghìn công nhân ở các khu chế xuất- công nghiệp về chính sách dân số - kế hoạch hóa gia đình; biện pháp phòng tránh thai, đề phòng bệnh lây qua đường tình dục, chăm sóc sức khỏe sinh sản…

Tiếp tục nâng cao sức khỏe sinh sản (SKSS) cho công nhân trên địa bàn, mới đây khoảng 50.000 công nhân ở địa bàn TPHCM cũng được truyền thông những kiến thức về sức khỏe sinh sản và HIV/AIDS và tiếp thị xã hội đối với các vật phẩm phục vụ cho sức khỏe sinh sản.

Theo bà Phạm Thị Hoa- Trưởng Ban nữ công Liên đoàn lao động TPHCM, hiện toàn thành phố đã có gần 4.000 cơ sở xây dựng chương trình công tác nữ công. Tất cả nữ công nhân trong các cơ sở được khám sức khỏe định kỳ, bệnh phụ khoa và tuyên truyền sức khỏe sinh sản.

Theo bà Hoa, tại các ban quản lý khu chế xuất, khu công nghiệp trên địa bàn TP cũng thường xuyên tổ chức tư vấn cho nữ công nhân các vấn đề liên quan sức khỏe sinh sản.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG