Công nhân tiếp tục đình công

Công nhân tiếp tục đình công
TP - Nhiều doanh nghiệp FDI chưa thực hiện Nghị định 03/2006, cũng như cắt giảm tiền phụ cấp khác làm công nhân tại các KCX ở TPHCM tiếp tục đình công.
Công nhân tiếp tục đình công ảnh 1
Công nhân Cty Giầy Gia Định đình công

Theo Nghị định 03/2006 của Chính phủ thì bắt đầu từ tháng 2/2006 điều chỉnh mức lương tối thiểu đối với lao động Việt Nam làm việc trong doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, cơ quan, tổ chức nước ngoài, tổ chức quốc tế và cá nhân người nước ngoài tại Việt Nam (gọi tắt là doanh nghiệp FDI).

Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp FDI vẫn dây dưa, chưa thực hiện hay cắt giảm tiền phụ cấp khác làm công nhân tại các KCX ở TP Hồ Chí Minh tiếp tục đình công.

Tính đến ngày 14/2, trên địa bàn TPHCM đồng loạt xảy ra 11 vụ đình công tại các Cty Giày Gia Định (quận Thủ Đức), Theodore Alexander VN (Khu Chế xuất Linh Trung I), Công ty Hiro, DNTN Minh Phát (huyện Hóc Môn), Công ty Perfect (Khu Công nghiệp Vĩnh Lộc) và Cty Giày da Huê Phong...

Từ đầu tháng 2/2006 đến nay, sau khi NĐ 03 có hiệu lực, nhưng trên địa bàn TPHCM vẫn tiếp tục xảy ra 8 vụ đình công.

Cắt giảm chế độ, chậm áp dụng lương mới là nguyên nhân chính của đình công.

Anh Trần Minh Ngọc - Công nhân Cty TNHH Perfect VN (100% vốn Đài Loan) – nơi cuộc đình công kéo dài mấy ngày nay cho biết: Chúng tôi hiện chỉ được Cty ký hợp đồng lao động với mức lương 626.000 đồng/người/tháng và tính tiền lương tăng ca trên mức lương tối thiểu.

Hằng tháng CN còn bị trừ một phần tiền cơm trưa nên chỉ còn chưa đến 500.000 đồng/người/tháng. Để có mức lương 700.000 - 800.000 đồng/tháng, ai cũng phải tăng ca 40 giờ/tuần.

Công nhân Cty Theodore Alexander cho biết: Đến nay doanh nghiệp vẫn chưa thực hiện NĐ 03 và hiện vẫn còn 102 công nhân chỉ được ký hợp đồng lao động với mức lương 830.000 đồng.

Để đối phó với tình trạng đình công xấu, một số Cty đã “chữa cháy” bằng cách thực hiện lương theo NĐ 03, nhưng lại cắt giảm một số khoản phụ cấp. Cty Perfect VN ra thông báo tăng lương, nhưng lại cắt tất cả những khoản phụ cấp trước đây của CN như: tiền cơm trưa, chuyên cần, trách nhiệm...

Ngoài các doanh nghiệp FDI, một số công nhân các doanh nghiệp trong nước thấy “thua thiệt” nên cũng đứng lên đình công như công nhân của 300 công nhân Cty Giày Gia Định (quận Thủ Đức), gần 6.000 CN Cty Giày da Huê Phong (quận Gò Vấp, TPHCM).

Tuy nhiên, một số công nhân ở Cty Giày Gia Định cho rằng mình bị ngược đãi “vì thu nhập đã thấp thua công nhân tư bản” mà phải tăng ca liên tục 6 ngày/tuần, 4,5 - 5 giờ/ngày, song thu nhập của CN chưa đến 900.000 đồng/người/tháng.

Không những thế, Cty còn đề ra các quy định trừ tiền trái luật như: nghỉ không phép bị trừ 30.000 đồng/lần; đi vệ sinh không thẻ trừ 5.000 đồng/lần.

Cùng ngày, Văn phòng Chính phủ vừa có công văn 648, truyền đạt ý kiến của Thủ tướng, yêu cầu Bộ Kế hoạch Đầu tư, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội phối hợp với các bộ, ngành liên quan và UBND TP HCM, Bình Dương, Đồng Nai tổng hợp báo cáo về tình hình đình công vừa qua. Đồng thời phân tích nguyên nhân và đề xuất các biện pháp giải quyết, ngăn chặn tình trạng tương tự xảy ra.

MỚI - NÓNG