Công tác cán bộ vẫn chưa thoát cách làm cũ

Công tác cán bộ vẫn chưa thoát cách làm cũ
Có quan niệm cho rằng công tác cán bộ là việc bí mật, chỉ một số ít người làm, không thể công khai hóa, hỏi ý kiến rộng rãi được vì dễ sinh ra phức tạp.

Thế nhưng nếu bí mật để lúc công bố công khai mới nhận được hàng ngàn, hàng vạn ý kiến không tán thành của đa số những người dưới quyền thì người được đề bạt, tín nhiệm cũng chẳng còn uy tín.

Hai mươi năm đổi mới, công tác tổ chức cán bộ vẫn chưa thoát cách làm cũ, vẫn khép kín, thiếu hẳn ý kiến đóng góp của nhân dân nên nhiều người có thực tài cấp trên chưa nắm được.

Lãnh đạo chính quyền các cấp từ ủy ban nhân dân xã, phường, huyện quận lên đến ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trên cả nước đều do đảng viên nắm giữ, rất hiếm thấy nơi nào có người ngoài Đảng tham gia. Chỉ riêng việc này thôi cũng thấy nhiều người tài đức đã đứng ngoài các cơ quan lãnh đạo nhà nước chỉ vì chưa là đảng viên.

Một bộ máy nhà nước rất đông, cồng kềnh, chồng chéo, người làm có năng suất, chất lượng chiếm số ít, người chơi hoặc làm phất phơ chiếm số nhiều chỉ vì trong cơ quan lãnh đạo ở trung ương và địa phương còn thiếu những người có thực tài.

Về lãng phí nhân tài trong công tác tổ chức cán bộ, ngày 20-6-2006, Thủ tướng Phan Văn Khải đã nói tại kỳ họp thứ 9 Quốc hội khóa XI, khi lần cuối cùng ông phát biểu trước Quốc hội với cương vị người đứng đầu Chính phủ: “Khuyết điểm bao trùm trong công tác cán bộ là không có cơ chế và không đủ đức độ phát hiện, bồi dưỡng, trọng dụng nhân tài mặc dù dân tộc Việt Nam ta không thiếu những con người giàu tài năng và tâm huyết với dân, ở trong Đảng và ngoài Đảng, trong nước và ngoài nước”.

Đại hội Đảng lần thứ X rất quan tâm đến trọng dụng nhân tài không phân biệt trong và ngoài Đảng. Tại Quốc hội khóa XI, kỳ họp thứ 10, ngày 17-10-2006, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng trình bày báo cáo của Chính phủ đã nói: “Đánh giá cán bộ, công chức phải lấy phẩm chất và hiệu quả thật của công việc để làm thước đo”.

Từ lâu đông đảo nhân dân vẫn rất mong như vậy, đánh giá đề bạt cán bộ, công chức chỉ căn cứ trên phẩm chất năng lực, trên hiệu quả thật của công việc thì nhân tài mới có thể lọt vào các cơ quan lãnh đạo chính quyền và cải cách hành chính mới thật sự là khâu đột phá.

Lực cản hiện nay vẫn còn một số cán bộ lãnh đạo cho rằng đã là đảng viên thì đều đã có thử thách, có chọn lọc, nên chính quyền các cấp đều do đảng viên lãnh đạo là hợp lý, nơi nào thiếu đảng viên thì người ngoài Đảng mới tham gia. Đây là tư tưởng hẹp hòi, chưa thấy đảng viên có người tốt, người xấu.

Theo Thái Duy
Tuổi trẻ

Chúng ta thường được báo cáo rằng chất lượng tổ chức của Đảng và đảng viên là trong sạch chiếm đến 70-80%. Nhưng thật sự đâu có vậy, đảng viên một phần không nhỏ không có phẩm chất chính trị, tư tưởng và tác phong của người cộng sản. Tôi muốn đặc biệt nêu bật ba điểm rất quan trọng.

Về quan hệ của Đảng với công nhân, thành phần công nhân trong Đảng không nhiều. Về quan hệ của Đảng với tầng lớp trẻ, là số đông của cư dân nước ta, lớp trẻ không tha thiết vào Đảng.

Về quan hệ của Đảng với trí thức, hiện nay trí thức cũng không quan tâm lắm đến việc gia nhập Đảng. Ba lớp người này không muốn vào Đảng bởi vì họ thấy nhiều tổ chức Đảng và đảng viên chưa xứng đáng là đảng viên cộng sản, chưa xứng đáng với Đảng của Hồ Chí Minh”.

Cố vấn PHẠM VĂN ĐỒNG

(Trích trong bài: “Nêu cao danh hiệu Đảng Cộng sản Việt Nam, đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam”, đăng trên trang nhất báo Nhân Dân số ra ngày 19-5-1999)

MỚI - NÓNG