Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam Vũ Trọng Kim:

Công tác chuẩn bị nhân sự dân chủ rất cao

Ông Vũ Trọng Kim.
Ông Vũ Trọng Kim.
TPO - Trao đổi với báo chí bên lề Đại hội XII của Đảng sáng 24/1, ông Vũ Trọng Kim - Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam khẳng định, công các chuẩn bị nhân sự Ban Chấp hành khóa XII được Trung ương khóa XI thực hiện dân chủ rất cao, ông Kim là người trực tiếp tham gia rất nhiều lần kiểm phiếu cho các chức danh đó.

Ông Vũ Trọng Kim nói: Nhân sự của Ban Chấp hành Trung ương khóa XII được chuẩn bị kỹ ở 3 Hội nghị Trung ương khóa XI. Đặc biệt Hội nghị Trung ương 14 khóa XI chuẩn bị cho 4 vị trí chủ chốt. Trong Bộ Chính trị thảo luận rất kỹ theo báo cáo là thảo luận từng trường hợp một. Đồng chí Nguyễn Phú Trọng được Bộ Chính trị tín nhiệm hoàn toàn. Có một số đồng chí khác được giới thiệu thì tự rút để dồn sự tín nhiệm cho Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.

Tôi có phát biểu tại Hội nghị Trung ương 14 là tôi hoan nghênh đồng chí Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và các đồng chí khác trong Bộ Chính trị đã tự nguyện xin thôi làm ứng cử viên để dồn sự tín nhiệm cho đồng chí Nguyễn Phú Trọng, đó là trách nhiệm, tâm huyết và chia sẻ trách nhiệm lớn lao với Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương và toàn Đảng trong giai đoạn hiện nay.

Nội bộ trong Bộ Chính trị tôi thấy rất đoàn kết, điều đó được thể hiện công khai ra Ban Chấp hành Trung ương.

Ra Hội nghị Trung ương 14, có một số đồng chí ủy viên Trung ương giới thiệu thêm 4 đồng chí, gồm cả nhân sự Bộ Chính trị giới thiệu là có 5 đồng chí vào vị trí Tổng Bí thư.

Riêng việc giới thiệu vị trí Tổng bí thư đã cân nhắc, quyết định qua ba lần bỏ phiếu.

Thứ nhất là chọn phương án nào: 1) Giữ một vị trí Tổng Bí thư. 2) Giữ lại vị trí Tổng Bí thư và Chủ tịch nước. Phương án 3 là cả 3 vị trí giữ lại là Tổng Bí thư, Chủ tịch nước và Thủ tướng. Trung ương bỏ phiếu chọn phương án 1.

Tiếp đó, các đồng chí được đề cử chức danh đó thì đưa ra Trung ương cho ý kiến đồng chí nào nên ở lại. Trung ương đồng ý là tất cả các đồng chí được giới thiệu thêm tại Hội nghị Trung ương 14 không ở lại.

Sau đó là biểu quyết bằng phiếu kín về đồng chí Nguyễn Phú Trọng và ý kiến đa số Trung ương đồng ý giới thiệu ra Đại hội XII để Đại hội bầu vào Ban Chấp hành Trung ương nhiệm kỳ khóa XII và Ban Chấp hành Trung ương XII bầu làm Tổng Bí thư.

Theo tôi về nhân sự chủ chốt làm như thế là rất kỹ, không còn ý kiến gì khác nữa và cách nào thể hiện thái độ nghiêm túc, dân chủ, trách nhiệm của Trung ương. Như thế là dân chủ rất cao.

Tôi tham gia 14 lần kiểm phiếu cho các chức danh đó. Đầu tiên thống nhất phương án đã, sau đó đi vào nhân sự và đề cử xong rồi bớt ra rồi đưa vào chủ chốt thì các đồng chí chủ chốt đều cao.

Ban Chấp hành Trung ương là cơ quan lãnh đạo giữa hai kỳ Đại hội đã làm hết trách nhiệm của mình đối với Đại hội về chuẩn bị nhân sự.

Trong phát biểu bế mạc Hội nghị của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định Hội nghị 14 rất thành công và sự tín nhiệm rất tập trung. Đó là thông điệp tốt đẹp tới toàn dân, toàn quân về chuẩn bị nhân sự.

Đại hội lần này tôi tin tưởng các đại biểu ủng hộ sự chuẩn bị kỹ đó, đề cao nguyên tắc tập trung dân chủ. Khi dân chủ, cởi mở, thoải mái bằng lá phiếu quyết định rồi thì sự thống nhất và đoàn kết trong Đảng rất cao. Bên ngoài có nói thế này thế kia thì đó là luận điệu của kẻ xấu hoặc những người không có đủ thông tin chính thống. Còn vào tổ chức Đảng, tôi rất tin tưởng các đại biểu – là những người người mà cán bộ, đảng viên và nhân dân tin tưởng gửi gắm.

Ông có cho rằng có phương án có đại biểu ngoài Trung ương có thể giới thiệu lại 4 đồng chí đã xin rút?

Tôi nghĩ rằng có thể có hoặc không vì đó là quyền của đại biểu. Nhưng cá nhân đồng chí được đề cử phải tự xin rút, vì Ban Chấp hành là tổ chức chặt chẽ, giới thiệu ra ai thì quyết định bằng đa số phiếu. Anh phải chấp hành và tự nguyện, chủ động xin rút.

Đó là khâu chuẩn bị kỹ lưỡng, chu đáo, dân chủ nên ai nói mất quyền dân chủ là không đúng. Ở nước nào cũng thế thôi, đảng này đảng kia đều phải chuẩn bị, họp để cử đại diện ứng cử và chọn phương án tốt nhất.

Nguyên tắc là các đồng chí đó phải rút. Nhưng việc cho rút hay không là do Đại hội hay do Đoàn Chủ tịch, thưa ông?

Quy chế thông qua rồi, Đại hội sẽ quyết định cuối cùng. Nhưng ý kiến cá nhân của đồng chí được đề cử (nhưng đã chủ động xin rút trong Hội nghị Trung ương) rất quan trọng, rằng không sẵn sàng tham gia hay tự nguyện không tham gia sẽ không nhận đề cử. Các đại biểu cũng phải quan tâm ý kiến và quyết định của đồng chí đó. Như thế mới là trao đổi thống nhất, đoàn kết hành động và tôi mong muốn Đảng đưa ai ra thì phiếu phải cao, đảm bảo dân chủ, tập trung, thể hiện sức mạnh thống nhất ý chí.   

Chiều nay đại biểu dự Đại hội có đề cử, ứng cử. Những người này có đảm bảo công bằng với nhân sự Trung ương khóa XI giới thiệu?

Khi đưa danh sách của Trung ương giới thiệu với danh sách được giới thiệu tại Đại hội cho đủ danh sách dự kiến với số dư không 30%. Tất cả đều như nhau. Đại biểu có quyền lựa chọn trong số đó, cuối cùng người trúng cử là người có số phiếu cao hơn. Nên không có phân biệt, quy chế bầu cử đã nói rõ.

Trường hợp con số đề cử vượt quá 30% số dư thì giải quyết như thế nào, thưa ông?

Khi đó sẽ hỏi ý kiến Đại hội cho rút dần. Sẽ có tín nhiệm trong số giới thiệu thêm, sẽ lấy từ trên xuống dưới. Việc này sẽ được làm bằng cách bỏ phiếu kín đảm bảo dân chủ tuyệt đối.

Danh sách giới thiệu ủy viên của Trung ương khóa XI ra Đại hội XII hiện là 221 lấy 200, đã có số dư. Đại hội sẽ giới thiệu thêm để có số dư không quá 30%. Như vậy tối đa giới thiệu tại đại hội là 39 người, dựa trên phiếu tín nhiệm nếu số giới thiệu nhiều hơn.

Trong danh sách Trung ương khóa XI giới thiệu vào Ban Chấp hành Trung ương khóa XII có kèm theo vị trí dự kiến không, thưa ông?

Trong cơ cấu đã nói rõ. Ví dụ Mặt trận Tổ quốc có 2 ứng cử viên của Mặt trận. Hoặc Quân đội có bao nhiêu người, tức là cơ cấu đã rõ. Sau khi trúng cử sẽ điều chuyển phân công vị trí cho phù hợp. Những người đánh dấu sao (*) là sẽ được luân chuyển đến vị trí khác.

Ngoài nhân sự Tổng Bí thư, những nhân sự giới thiệu cương vị chủ chốt có số dư không, thưa ông?

Số dư này do Hội nghị lần thứ nhất Ban Chấp hành Trung ương khóa XII sẽ làm. Hiện nay Trung ương khóa XI giới thiệu 4 vị trí chủ chốt có 4 ứng viên. Hiện nay chúng ta quan tâm người đứng đầu Đảng. Các chức danh khác còn phụ thuộc Quốc hội chứ không phải Đảng cử vào những vị trí đó. Cho nên tất cả các vị trí chủ chốt hiện nay sẽ ổn định cho đến khoảng tháng 7/2016. Khi có kỳ họp đầu tiên của Quốc hội khóa mới thì các chức danh của Nhà nước, Chính phủ, Quốc hội mới có.

Trên mạng đã đưa rõ những người được giới thiệu vào các chức danh ngoài Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thì nhân sự dự kiến giới thiệu Chủ tịch nước là ông Trần Đại Quang, Thủ tướng là ông Nguyễn Xuân Phúc, Chủ tịch Quốc hội là bà Nguyễn Thị Kim Ngân?

Hội nghị Trung ương 14 khóa XI đã chuẩn bị theo hướng đó. Tôi xác nhận là có.

Sáng nay đoàn của ông đã có ai ứng cử, đề cử thêm ngoài danh sách Trung ương khóa XI chuẩn bị chưa?

Bây giờ mỗi người ghi phiếu, đưa cho đoàn trưởng, không cho ai biết. Hiện nay là có nhưng tôi không biết cụ thể là ứng cử, đề cử thêm những ai.

Cảm ơn ông!

XEM THÊM

>>Các ứng viên vị trí Chủ tịch nước, Thủ tướng và Chủ tịch Quốc hội

>>Xác nhận 3 ứng viên Chủ tịch nước, Thủ tướng, Chủ tịch Quốc hội

MỚI - NÓNG
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
TPO - Chiều 23/4, Đại tướng Phan Văn Giang - Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng cùng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên, đã tiếp xúc cử tri chuyên đề lấy ý kiến vào dự thảo Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên trước Kỳ họp thứ bảy, Quốc hội khóa XV.