Công tác quy hoạch cán bộ phải dân chủ và có tranh cử

Công tác quy hoạch cán bộ phải dân chủ và có tranh cử
TP - Trao đổi với Tiền Phong, ông Vũ Mão, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng khóa V,VI,VII,VIII, IX, nguyên Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội cho rằng, muốn làm tốt công tác quy hoạch cán bộ thì phải thực hành dân chủ và tranh cử.

> Quy hoạch các chức danh lãnh đạo chủ chốt của Đảng, Nhà nước

Ông Vũ Mão, nguyên Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội
Ông Vũ Mão, nguyên Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội. Ảnh: VTC

Tranh cử sẽ chọn được cán bộ tốt

Ông Vũ Mão nói: Sự thành công của cách mạng nước ta qua các thời kỳ có nguyên nhân quan trọng là công tác cán bộ tốt. Cán bộ cách mạng là những người trong sáng, thực sự là những chiến sỹ tiên phong, công bộc của dân.

Người lãnh đạo đất nước, đặc biệt là Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khơi dậy, phát huy để tìm ra những cán bộ chủ chốt. Bác đặt niềm tin vào lớp trẻ, sử dụng những cán bộ rất trẻ tham gia cách mạng.

Tôi bắt đầu tham gia Trung ương từ năm 1982 (khóa V) và nhận thấy, từ khi đất nước thống nhất và đổi mới, thì bài học đổi mới từ khóa V, khóa VI hết sức sâu sắc. Với một tấm lòng trong sáng, các đồng chí lãnh đạo đã dám nhìn thẳng vào sự thật, vào những tồn tại để chúng ta xử lý vấn đề.

Đó là những con người đổi mới thực sự. Từ cơ chế cũ, bảo thủ, trói buộc ghê gớm mà chúng ta đã mở ra, giải phóng chính mình. Đó là tư duy rất mới. Nếu so sánh với hiện nay, rõ ràng, tư duy đổi mới của chúng ta không bằng thời kỳ Đại hội VI.

Tuy nhiên, trong các nhiệm kỳ trước chúng ta chưa có quy hoạch cán bộ cấp chiến lược, thưa ông?

Đúng là trước đây chúng ta chưa có quy hoạch cán bộ cấp chiến lược một cách bài bản, chính thức. Còn những dự kiến, dự định nằm trong suy nghĩ của các đồng chí lãnh đạo về công tác cán bộ là có. Từ đó, dẫn đến tình trạng như Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh đã nói là làm công tác cán bộ như “soi đuốc đi bắt ếch”. Lâu nay công tác cán bộ vẫn có phần áp đặt, phụ thuộc vào những người có trách nhiệm đứng đầu. Không có cọ xát, tranh cử, phản biện. Cơ chế nhân sự vẫn xuôi chiều, người trước chọn người sau.

Lần này Trung ương xây dựng quy hoạch cán bộ cấp chiến lược, ông nhận định ra sao về công tác này?

Quy hoạch là định hướng mà định hướng thì không thể hẹp được. Quy hoạch phải mở và chuẩn bị từ cơ sở, chứ không nên chỉ quy hoạch theo 3 độ tuổi. Cơ sở ở đây không phải chỉ là ở nông thôn, địa phương mà là các trường đại học, doanh nghiệp.

Quan điểm của tôi về công tác cán bộ là phải dân chủ. Nếu chỉ giới thiệu một người, không có tranh cử, cọ xát thì khó tìm cán bộ tốt. Đây là điểm yếu của chúng ta. Nói quy hoạch, định hướng hay gì đi nữa thì cái chốt nhất là phải dân chủ. Đó là dân chủ và tranh cử trong công tác quy hoạch, lựa chọn cán bộ cấp chiến lược. Nếu thiếu dân chủ thì quy hoạch sẽ không đạt hiệu quả cao.

Vậy chúng ta đã có lần nào thực hiện việc tranh cử trong công tác cán bộ chưa, thưa ông?

Quan điểm của tôi về công tác cán bộ là phải dân chủ. Nếu chỉ giới thiệu một người, không có tranh cử, cọ xát thì khó tìm cán bộ tốt

Ông Vũ Mão

Có chứ! Đó là lần tranh cử giữa đồng chí Đỗ Mười và đồng chí Võ Văn Kiệt để Quốc hội khoá VIII vào kỳ họp giữa năm 1988 bầu Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng (nay là Thủ tướng). Đó là điều tuyệt vời, nhưng cũng có hạn chế là không có sự chuẩn bị trước mà chỉ là giải quyết tình huống đặt ra. Nếu muốn thực hiện tranh cử một cách bài bản thì phải chuẩn bị trước. Ở các nước tranh cử là rất bình thường, các ứng viên có thể đối thoại trực tiếp trên truyền hình để nhân dân, cử tri theo dõi, có cơ sở bỏ phiếu bầu.

Hiệu quả phải là thước đo

Phải tạo điều kiện cọ xát, tin tưởng vào thế hệ trẻ trong công tác cán bộ, ông có thể nói cụ thể hơn về yêu cầu này?

Chúng ta phải thay đổi cách làm. Hiện nay, trong quy hoạch vẫn còn nặng về tiêu chuẩn, dẫn đến bó hẹp. Không nên quá coi nặng bằng cấp mà phải kết hợp hài hòa giữa bằng cấp và thực tiễn. Thực tiễn và hiệu quả phải là thước đo quan trọng nhất.

Hiện nay có những cán bộ thiếu thực tiễn, thiếu hẳn cái tâm cái hồn, họ còn vô cảm. Ta chủ trương luân chuyển, có lúc như khoá IX còn coi là mũi đột phá. Tuy nhiên, cách làm chưa chu đáo, đôi khi luân chuyển theo kiểu “chuồn chuồn đạp nước”.

Đặc biệt là động cơ luân chuyển nhiều ý kiến cho là không ổn. Vì sao? Thực tế cán bộ đó không dành hết tâm sức, gắn bó và chịu trách nhiệm trước công việc của mình tại địa phương, cơ sở.

Cán bộ luân chuyển thường được giao một việc nhẹ nhàng, “hợp lý” không ảnh hưởng đến việc điều hành ở địa phương. Không ít cán bộ luân chuyển mong ngày mong tháng để “hoàn thành nhiệm vụ” với tâm thế chuẩn bị về Trung ương.

Thời của chúng tôi chưa gọi là luân chuyển, việc đi về công tác ở địa phương hồn nhiên lắm. Không phải cấp trên nói là ông đi luân chuyển rồi 2- 3 năm về, mà đi là xác định gắn bó với cơ sở lâu dài.

Từ một cán bộ giảng dạy ở trường Đại học Thủy lợi tôi về công tác tại Quảng Ninh 10 năm và dự định sẽ gắn bó cả cuộc đời ở đây. Sau đó tôi về công tác ở Trung ương Đoàn cũng rất vô tình và còn hồn nhiên nữa. Bản thân tôi không chuẩn bị gì cho mình để về Trung ương.

Một số ý kiến cũng cho rằng, không nên cứ là Ủy viên Trung ương thì việc gì cũng làm được trong bố trí cán bộ?

Tôi quan niệm Ủy viên Trung ương Đảng là chính khách. Đã là chính khách thì không nên quá khắt khe trong việc bố trí. Quan trọng là người đó thích hợp, đủ tầm chính trị. Do vậy, phải gắn chuyên môn với tư duy chính trị vĩ mô. Chứ không thể không hiểu gì lĩnh vực đó, cứ vào Trung ương rồi về làm bộ trưởng. Tôi nhấn mạnh lại là phải phát huy cơ chế dân chủ trong công tác cán bộ.

Tôi tin tưởng rằng, ở Hội nghị Trung ương lần này, chủ trương quy hoạch cán bộ cấp chiến lược sẽ mở ra một cách làm mới, đồng thời với việc tổ chức thực hiện tốt, chúng ta sẽ có một lực lượng đông đảo cán bộ trẻ và nhiều đồng chí trong số đó sẽ được tham gia vào những vị trí cán bộ cấp
chiến lược.

Cám ơn ông!

Hà Nhân

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG