Công trình chống ngập 10.000 tỷ đồng: Nguy cơ “đắp chiếu”?

Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Thiện Nhân thị sát điểm ngập đường Nguyễn Hữu Cảnh. Ảnh: Văn Minh.
Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Thiện Nhân thị sát điểm ngập đường Nguyễn Hữu Cảnh. Ảnh: Văn Minh.
TP - Trong khi thành phố cứ mưa là ngập thì công trình chống ngập do triều cường có xét đến yếu tố biến đổi khí hậu (giai đoạn 1) ở TPHCM với tổng vốn đầu tư hơn 10.000 tỷ đồng dự kiến sẽ hoàn thành giữa năm 2018 đang có nguy cơ “đắp chiếu”. Lý do: Vì không có nước để bơm do nước không thoát kịp ra kênh rạch.

Dân kể khổ với Bí thư Thành Ủy

Chiều 29/5, Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân đã đội mưa đến thị sát cung đường Nguyễn Hữu Cảnh (phường 22, quận Bình Thạnh), một trong những điểm ngập nặng nhất TPHCM và trực tiếp gặp gỡ, trò chuyện với người dân địa phương.

Đưa Bí thư Thành ủy vào kiểm tra con hẻm thường xuyên bị ngập nặng bên hông tòa nhà The Manor, ông Nguyễn Văn Dũng (65 tuổi, ngụ khu phố 4, phường 22) cho biết mỗi khi trời mưa, nước từ đường Nguyễn Hữu Cảnh tràn vào hẻm, ngập sâu gần 1 mét khiến cuộc sống người dân gặp rất nhiều khó khăn.

“Mỗi năm, nước ngập khoảng 10 đến 12 lần. Cứ mưa lớn là ngập. Trong các cuộc họp khu phố, người dân đề nghị quận sớm có giải pháp khắc phục nhưng chờ mãi không thấy làm”, ông Dũng cho biết.

Bí thư Thành ủy yêu cầu lãnh đạo Trung tâm chống ngập trả lời người dân. Theo ông Nguyễn Thiện Nhân, qua khảo sát và nghe báo cáo từ các đơn vị liên quan, việc chống ngập cho tuyến đường Nguyễn Hữu Cảnh phải có sự tham gia của các cơ quan cấp thành phố vì quận làm không nổi. Thành phố đang nghiên cứu, triển khai xây dựng có lộ trình các cống thoát nước công suất lớn tại khu vực này để tránh xảy ra ngập úng khi mưa lớn.

Chiều cùng ngày, Bí thư Nguyễn Thiện Nhân đã đến thị sát công trường thi công dự án giải quyết ngập do triều có xét đến yếu tố biến đổi khí hậu (giai đoạn 1) có tổng vốn đầu tư gần 10.000 tỷ đồng.

Theo ông Nguyễn Tâm Tiến, tổng giám đốc Tập đoàn Trung Nam (chủ đầu tư), dự án đã đạt gần 37% khối lượng thi công, dự kiến hoàn thành vào cuối tháng 4/2018. Khối lượng xây lắp còn lại (trên 60%) dễ thi công và tiến độ sắp tới nhanh hơn vì làm trên mặt nước.

Dự án tập trung xây dựng các cống kiểm soát triều và nhiều tuyến đê. Các hạng mục ở quận 1, 4, 7, 8 và hai huyện Nhà Bè, Bình Chánh với diện tích ảnh hưởng khoảng 100 ha. Trở ngại lớn nhất là công tác giải phóng mặt bằng với trên 400 hộ dân và 16 doanh nghiệp, tổ chức bị ảnh hưởng.

Lạc hậu, thiếu kết nối…

Ông Tiến cho biết ngoài chức năng kiểm soát ngập do triều và lâu dài là ứng phó với biến đổi khí hậu cho vùng có diện tích 750 km2 với khoảng 6,5 triệu dân thuộc bờ hữu sông Sài Gòn và trung tâm thành phố, trước mắt, dự án còn điều tiết, hạ thấp mực nước ở các kênh rạch, cải thiện khả năng tiêu thoát nước đô thị.

“Chúng tôi lắp đặt các máy bơm công suất lớn để hút nước từ bên trong ra ngoài. Tuy nhiên, chống ngập phải đồng bộ. Quan trọng là có nước để bơm. Nước từ cống phải thoát kịp ra kênh rạch để bơm hút. Không có nước thì coi như công trình không hiệu quả”, ông Tiến nói.

Tuy nhiên, tại cuộc họp của UBND TPHCM về kinh tế xã hội 5 tháng đầu năm vào sáng 29/5, ông Sử Ngọc Anh, giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư cho biết hệ thống thoát nước đang bị lấn chiếm. Cụ thể: Trên địa bàn TPHCM có 7 vị trí ảnh hưởng do thi công dự án, sau gần nửa năm tập trung xử lý được 6/7 vị trí thì phát sinh mới 25 vị trí. Ngoài ra, trên địa bàn TPHCM còn 60 vị trí kênh rạch, 83 tuyến cống với chiều dài hơn 13 km (392 hầm ga), 85 hầm ga và 51 vị trí cửa xả bị lấn chiếm, làm hạn chế khả năng thoát nước.

Phó Chủ tịch UBND TPHCM Lê Văn Khoa cho biết việc giải quyết tình trạng lấn chiếm cửa xả, hệ thống thoát nước còn quá chậm. Đây là một trong những nguyên nhân TPHCM bị ngập nặng như vừa qua. “Dự án của Cty Trung Nam đến giữa 2018 hoàn thành, cần có hệ thống dẫn nước về để bơm. Vấn đề cấp bách bây giờ là phải xử lý thoát nước đồng bộ từ trong hẻm ra đường, đến các cửa xả, ra kênh, ra cống”, ông Khoa nói.

Theo Phó giám đốc Trung tâm điều hành chương trình trình chống ngập Nguyễn Hoàng Anh Dũng, TPHCM đã cập nhật tình hình ngập nước trên các tuyến đường trong và sau mỗi cơn mưa lên cổng thông tin điện tử để người dân chủ động chọn lộ trình phù hợp, tránh đi vào các khu vực đang bị ngập nặng.

Trao đổi với Tiền Phong, một số chuyên gia cho biết hơn 3.000 km cống TPHCM đã xây dựng theo quy hoạch tổng thể hệ thống thoát nước TPHCM đến năm 2020 được phê duyệt năm 2001 không còn phù hợp. Theo quy hoạch trên, tần suất thiết kế hệ thống thoát nước tương ứng với mưa có vũ lượng trong 3 giờ là 95,91mm (kênh rạch), 85,36mm (cống cấp 2) và 75,88mm (cống cấp 3), tương ứng với mực nước triều 1,32m.

Theo số liệu thống kê, trong vòng 40 năm (1962 - 2001), trên địa bàn thành phố xuất hiện 9 trận mưa trong 3 giờ, đạt vũ lượng trên 100mm, như vậy trung bình 4 năm mới xuất hiện 1 lần. Thế nhưng, hơn 10 năm trở lại đây đã xuất hiện 30 trận mưa (bình quân 3 lần/năm), đặc biệt, trong 2 năm 2013 và 2014 có đến 3 trận mưa mà chỉ trong 60 phút vũ lượng đã đạt tới 100 – 122 mm.

Ngoài ra, cao trình mực nước thiết kế của các tuyến cống theo quy hoạch 752 là +1,32 mét. Từ năm 2008 đến nay, đỉnh triều cường thường đạt mức rất cao (trên 1,5 m) và không ngừng phá kỷ lục, năm sau cao hơn năm trước.

Nhiệm vụ chưa hoàn thành chiếm 72%

Theo báo cáo kết quả kiểm tra của UBND TPHCM tại 4 đơn vị trong tháng 5, số nhiệm vụ chưa hoàn thành chiếm đến 72%. Cụ thể, Sở Lao động Thương binh và xã hội được giao 31 nhiệm vụ nhưng hoàn thành mới được 18. Số nhiệm vụ chưa hoàn thành là 9, trong đó 4 nhiệm vụ đã quá hạn. Sở Công thương được giao 35 nhiệm vụ, hoàn thành đúng hạn 15, trễ hạn 16, có 4 nhiệm vụ chưa hoàn thành. UBND quận 9 có 6 nhiệm vụ được giao nhưng chỉ hoàn thành 4, còn 2 nhiệm vụ quá hạn...

MỚI - NÓNG