Công trình điện ở Gia Lai: Trên giấy và xí phần

Công trình điện ở Gia Lai: Trên giấy và xí phần
TP - Theo quy hoạch, hàng loạt công trình đường dây và trạm biến áp 110KV ở Gia Lai sẽ được Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đầu tư  xây  dựng trong giai đoạn 2005-2010. Thế nhưng, đến nay, hầu hết các công trình này đều nằm trên giấy.

Kèm theo đó là hàng chục công trình thủy điện vừa và nhỏ được tư nhân đầu tư xí phần.

Trên bảo dưới không nghe

Ngày 31/3/2005, Bộ trưởng Bộ Công nghiệp (nay là Bộ Công Thương)  phê duyệt “Quy hoạch phát triển điện lực tỉnh Gia Lai giai đoạn 2004 đến 2010 có  xét đến 2015”. Quyết định này dựa trên tờ trình số 596 ngày 3/2/2005 của EVN và Công văn số 2237 ngày 2/12/2004 của UBND Tỉnh Gia Lai.

Theo bản quy hoạch để đáp ứng nhu cầu điện phục vụ mục tiêu phát triển kinh tế xã hội của Gia Lai tăng trưởng kinh tế (GDP)12 phần trăm (thực tế thời gian qua Gia Lai tăng trưởng GDP hơn 13 phần trăm) nhu cầu phát triển lưới điện phải tăng theo. Theo đó, Bộ Công Thương đưa ra kế hoạch chỉ đạo EVN xây dựng các trạm biến áp và đường dây  110KV.

Cụ thể, năm 2006 xây trạm 110KV Mang Yang, xây mới đường dây 110KV từ trạm 500KV Pleiku đi trạm 110 KV Ia Grai dài 30km; đường dây mạch đơn 110KV An Khê - Kbang dài 22km; đường dây 110KV Biển Hồ-Mang Yang 37km. Năm 2007, xây trạm biến áp 110KV Chư Prông- H’Mun công suất 25MVA-6/110KV; xây dựng đường dây 110KV An Khê - Đăk Srông dài 36Km; đường dây 110KV Chư Prông-Chư Sê dài 28km…

Tuy nhiên, đến tháng 4/2009, theo Sở Công thương Gia Lai, EVN chỉ mới xây dựng đường dây 110KV An Khê-Ka Nak chủ yếu phục vụ cho công trình thuỷ điện An Khê-Ka Nak mà EVN đầu tư dự kiến đưa vào vận hành cuối năm 2009, còn lại các công trình khác đều không được xây dựng theo kế hoạch.

Nhiều năm qua tỉnh Gia Lai liên tục có hơn mười cuộc làm việc với Bộ Công Thương và EVN. Gần đây nhất, ngày 17/2, UBND tỉnh Gia Lai tiếp tục có buổi làm việc với Bộ Công Thương về vấn đề này, song vẫn chưa có kết luận cụ thể.

Đầu tư thủy điện xí phần

Vấn đề khác cũng khá bức xúc ở Gia Lai là trình trạng các doanh nghiệp đăng ký xây dựng dự án thủy điện vừa và nhỏ, song quá thời hạn vẫn không khởi công. Theo báo cáo ngày 9/3 của Sở Công Thương, trong số 113 thủy điện vừa và nhỏ tổng công suất 549,7MW mới chỉ có 21 thủy điện đưa vào sử dụng; 45 dự án đã quy hoạch và có chủ trương đầu tư (của 22 chủ đầu tư) mới chỉ có 13 dự án khởi công.

Trong số dự án đã khởi công này, có hai dự án bị vướng mắc phải tạm dừng thi công, 32 dự án chưa khởi công tổng công suất 237,3MW. Theo Sở Công Thương, trong số này có đến 21 dự án chậm tiến độ gồm hai dự án đã phê duyệt nhưng chưa khởi công, 19 dự án thủy điện còn đang lập dự án.

Nhiều chủ đầu tư xí phần 2 đến 3 dự án sau nhiều năm liền vẫn không khởi công xây dựng được. Sở Công Thương Gia Lai đề nghị UBND tỉnh Gia Lai thu hồi 19 dự án của một số chủ đầu tư chậm tiến độ như Thủy điện Đăk Pô Kei xã Hà Tây - Chư Pah của Cty CP Công nghiệp và Thủy điện Bảo Long  đến 30/6 không triển khai thi công sẽ thu hồi.

Cty CP CN và thủy điện Bảo Long còn hai dự án khác là: Ia Grăng 1 (xã Ia H’Rung-Ia Grai) và Ia Krel 2 (xã Ia Kla-Đức Cơ) đều chậm tiến độ gần một năm, bị đề nghị thu hồi nếu không sớm thi công.

Nhiều doanh nghiệp khác như doanh nghiệp tư nhân Đức Tài đăng ký hai dự án đến nay đều chậm tiến độ là thuỷ điện Ea Dip xã Chư Răng-Krông Pa, thủy điện Krông Ja Taun xã Đăk Trôi-Mang Yang. Nếu trong năm 2009 này không thi công, các dự án trên sẽ bị thu hồi; thủy  điện Smlá 1 của DN tư nhân Trường Thịnh, thủy điện Ia Blan của Cty TNHH Bình An cũng trong tình trạng tương tự…

Nếu chủ đầu tư không có thực lực mà vẫn đăng ký xí phần các dự án thủy điện thì không loại trừ khả năng họ sang nhượng kiếm lời hoặc dùng nó huy động vốn của cổ đông và vốn vay từ ngân hàng. Thực tế có chủ đầu tư chưa khởi công đã phát hành trái phiếu, cổ phiếu huy động vốn. Tuy nhiên thời vàng son của cách huy động vốn này đã qua, đến nay không ít công trình thủy điện chết cứng do chủ đầu tư không thể “tay không bắt giặc”.

MỚI - NÓNG
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi nhận thêm nhiệm vụ
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi nhận thêm nhiệm vụ
TPO - Ông Phan Văn Mãi giữ nhiệm vụ Chủ tịch Hội đồng đánh giá Đề án thí điểm chính sách khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung thực hiện Kết luận 14 của Bộ Chính trị.