Công trình kè chống lũ bóc bằng tay cũng vỡ

Chất lượng công trình của dự án đáng báo động, khi các mạch vữa bê tông dù mới làm nhưng dùng tay bóc cũng vỡ.
Chất lượng công trình của dự án đáng báo động, khi các mạch vữa bê tông dù mới làm nhưng dùng tay bóc cũng vỡ.
TP - Công trình đê bao ngăn lũ kết hợp giao thông Đông - Tây Hói Tôm trị giá đầu tư hàng chục tỷ đồng triển khai tại hai huyện Quảng Điền và Phong Điền (tỉnh TT-Huế) dù chưa một ngày đưa vào sử dụng phục vụ đi lại, giảm nhẹ thiên tai, bảo vệ mùa màng đã xuống cấp trầm trọng, hư hỏng nhanh, các mạch vữa bê tông dù mới làm nhưng dùng tay bóc cũng dễ dàng bong vỡ.

Tháng 4/2017, dự án nâng cấp đê kết hợp giao thông nội đồng Đông - Tây Hói Tôm, do Sở NN&PTNT tỉnh TT-Huế làm chủ đầu tư, chính thức khởi công. Công trình đi qua nhiều xã của hai huyện Phong Điền và Quảng Điền, chạy dọc theo hạ nguồn sông Ô Lâu dẫn ra phá Tam Giang. Dự án có tổng mức đầu tư 48 tỷ đồng, từ vốn vay Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), do Cty CP Xây dựng NN&PTNT 1 Thanh Hóa làm thầu chính, thi công trên chiều dài công trình 7km. Từ khi khởi công đến nay, công trình diễn ra với tiến độ “rùa” do ảnh hưởng thời tiết và có dấu hiệu làm dối, làm ẩu.

Tại công trình thi công theo kiểu cuốn chiếu này trước thời điểm mưa lũ, phóng viên phát hiện nhiều đoạn đê, kè bị bong, vỡ, sụt đan chống sạt lở, dù chưa một lần đưa vào sử dụng. Còn sau khi lũ rút, không còn ai nhận ra đây là một công trình thủy lợi, ngăn lũ tiểu mãn, kết hợp giao thông có giá trị đầu tư hàng chục tỷ đồng, do không trụ nổi nước xiết và lụt ngâm lâu ngày gây biến dạng nặng.

Đặc biệt, trước lũ, dù thời tiết đẹp, nhưng có một đoạn kè đá dài nằm gần cầu Hói Tôm (nối xã Phong Chương qua vùng Ngũ Điền, huyện Phong Điền) bị lún sụt, bong vỡ trầm trọng. Giữa các khối đá hộc vừa được xây lắp tạo thành bờ kè dài không thể kết dính với nhau, dù đã được trét, gắn vữa xi măng. Nối liền bờ kè đá hộc cỡ lớn bị gãy vỡ này là một đoạn đê đắp bằng đất, mái lát đan bê tông cũng vừa bị sụt, đứt chìm xuống hói. Chỉ cần dùng tay bóc nhẹ, các mảng đá hộc có gắn vữa bê tông trét mạch dễ dàng bị bong tách rời ra, vôi vữa vỡ vụn. Theo tìm hiểu của phóng viên, đoạn công trình này do một nhà thầu phụ nhận thực hiện lại từ Cty CP Xây dựng NN&PTNT 1 Thanh Hóa (thầu chính).

Theo ông Trịnh Văn Khoa, phụ trách kỹ thuật thi công thuộc nhà thầu chính, đoạn đê kè thủy lợi bị hư hỏng nêu trên do thi công vào thời điểm trời mưa, thời tiết xấu nên chưa đạt yêu cầu. “Nhà thầu chính, cùng với phía đơn vị tư vấn đã nhắc nhở thầu phụ nghiêm túc rút kinh nghiệm và phải sửa chữa, khắc phục. Tuy nhiên, do TT-Huế đang mùa mưa lũ, nên chưa xử lý ngay được. Riêng các tấm đan lát mái thân đê bị sụt lún là do chưa có khuôn dầm bao quanh để cố định lại”, ông Khoa cho biết.

Còn ông Lê Xuân Thanh, Chỉ huy trưởng công trình phía thầu chính, cho biết thêm, công trình làm khi trời mưa nên bê tông không kết dính, về mặt kỹ thuật như vậy là không thể chấp nhận. Do đó, nhà thầu phụ phải có trách nhiệm khắc phục, sửa chữa bảo đảm chất lượng công trình.

Trao đổi với phóng viên, ông Trương Văn Giang, Trưởng phòng Quản lý và Xây dựng công trình - Sở NN&PTNT tỉnh TT-Huế, cho biết, sau khi phát hiện sự việc, chủ đầu tư đã yêu cầu ngừng thi công, buộc nhà thầu chính kiểm tra, rà soát, chỉ đạo, đôn đốc thầu phụ khắc phục, xử lý. Ông Giang cho rằng, những sự cố kể trên không phải do nhà thầu “rút ruột” công trình, “ăn” bớt vật liệu xây dựng, mà đây là vấn đề kỹ thuật, và do yếu tố thời tiết.

Hiện tại, cơ quan chức năng huyện Phong Điền và người dân sở tại đề nghị, công trình có giá trị đầu hàng chục tỷ đồng với chức năng phục vụ sản xuất, giảm nhẹ thiên tai này cần được giám sát chặt chẽ, thi công bảo đảm chất lượng, nhằm tránh tình trạng chưa dùng đã hỏng, hay công trình có cũng bằng không, cũng như tạo “cục nợ” về sau cho địa phương khi tiếp nhận bàn giao, sử dụng.

MỚI - NÓNG