Công trình lộ thiên phát thải ở Hà Nội: Không để một Sở chịu trách nhiệm!

Đào đường làm lại hệ thống thoát nước ở Hà Nội không được quây che, phát thải bụiẢnh: P.V
Đào đường làm lại hệ thống thoát nước ở Hà Nội không được quây che, phát thải bụiẢnh: P.V
TP - Trao đổi với PV Tiền Phong, PGS.TS Bùi Thị An, Đại biểu Quốc hội khóa XIII cho rằng, ô nhiễm không khí là vấn đề không chỉ riêng ở Hà Nội và cũng không ai tránh được do phải hít thở thường xuyên. Khói bụi gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe người dân, đặc biệt là người già, trẻ em. 

Để giải quyết tình trạng ô nhiễm không khí, cần làm từng phần, theo lộ trình. Hà Nội vừa qua đã thực hiện nhiều biện pháp để giảm ô nhiễm nhưng chưa triệt để. “Tại sao cứ đến cuối năm các đơn vị lại ồ ạt thi công công trình, chưa nói đến gây ô nhiễm thời điểm, cục bộ mà thi công như vậy, chất lượng công trình có đảm bảo? Vấn đề này tôi đề nghị phải làm rõ ai chịu trách nhiệm?”, bà Bùi Thị An nói.

Bà An đề xuất: “Cần có những chế tài nghiêm ngặt hơn để xử lý các cơ sở sản xuất, công trường gây ô nhiễm. Muốn xử lý triệt để cần phải đo đạc chi tiết mức độ ô nhiễm, mức độ nào để có hình thức xử lý. Phải gắn trách nhiệm với chính quyền địa phương, người đứng đầu chính quyền địa phương phải coi đây là trách nhiệm, nghĩa vụ góp phần làm giảm ô nhiễm”.

Công trình lộ thiên phát thải ở Hà Nội: Không để một Sở chịu trách nhiệm! ảnh 1  “Tại sao cứ đến cuối năm các đơn vị lại ồ ạt thi công công trình, chưa nói đến gây ô nhiễm thời điểm, cục bộ mà thi công như vậy, chất lượng công trình có đảm bảo? Vấn đề này tôi đề nghị phải làm rõ ai chịu trách nhiệm?”, PGS.TS Bùi Thị An.

TS.KTS Nguyễn Tất Thắng, Viện Kiến trúc quốc gia nhận định, cơ quan chức năng, đơn vị thi công không tuân thủ các yêu cầu về mật độ xây dựng, mật độ dân số… sẽ dẫn đến gia tăng dân số, hạ tầng, hệ quả tất yếu là hủy hoại môi trường, không khí. Cùng với đó là hoạt động thi công xây dựng, vận chuyển nguyên vật liệu, phế thải xây dựng diễn ra ồ ạt, manh mún với nhiều biện pháp thi công lạc hậu, không che chắn… đã tạo một khối lượng lớn bụi, khói vào môi trường đô thị.

Đại diện Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội (TN&MT) cho biết, mặc dù đã cùng các cấp, các ngành vào cuộc quyết liệt nhưng trong những năm qua, chất lượng không khí trên địa bàn thành phố đang có dấu hiệu suy thoái. Nguyên nhân có phần do tốc độ đô thị hóa diễn ra nhanh chóng với hàng nghìn công trường xây dựng, phá dỡ hằng ngày phát sinh lượng lớn bụi vào môi trường. Các đơn vị thi công sửa chữa, duy tu mặt đường thực hiện quy trình thổi bụi khi thi công, cải tạo trải thảm Asphalt đường, làm phát tán bụi vào môi trường.

Đối với việc tưới nước rửa đường, một trong những biện pháp chống bụi, UBND thành phố đã cho phép thực hiện nhưng hoạt động này chỉ diễn ra khi nhiệt độ vượt 40 độ C hoặc cơ quan chức năng các quận, huyện có yêu cầu. Đây chưa phải hoạt động vệ sinh môi trường thường xuyên. Bên cạnh đó, việc thực hiện tưới nước của các đơn vị vệ sinh môi trường chưa đạt hiệu quả cao, quy trình kỹ thuật xịt tưới nước chưa được cải tiến để đảm bảo tiết kiệm nước.

Ngoài ra, chế tài xử lý các hành vi vi phạm pháp luật, gây ô nhiễm môi trường còn chưa đủ tính răn đe, dẫn tới tình trạng các cơ sở vì lợi nhuận sẵn sàng xả thải trực tiếp.

Sở TN&MT Hà Nội cho biết, đã đề nghị Sở Xây dựng, Sở Tài chính khẩn trương nghiên cứu, đề xuất, báo cáo UBND thành phố trình HĐND thành phố ban hành nghị quyết về “Chế tài xử lý hành vi gây ô nhiễm môi trường của các tổ chức, cá nhân”, mạnh đủ sức răn đe, quy định cụ thể chi tiết đối với từng hành vi gây ô nhiễm môi trường của tổ chức, cá nhân trên địa bàn thành phố.

Theo các chuyên gia, không chỉ riêng Hà Nội mà cả nước đều đang đối diện với ô nhiễm không khí. Càng về cuối năm, số lượng công trình thi công càng lớn, lượng phương tiện cũng tăng cao… Việc kiểm soát chất lượng môi trường không chỉ để cho một sở, ngành làm mà phải là quy định trách nhiệm của mỗi người dân và từng cơ quan quản lý cấp cơ sở. Chính quyền địa phương cần kiểm soát tốt địa bàn, giám sát chặt các công trình xây dựng, nhằm kiểm soát phát tán bụi, kiểm soát các phương tiện chuyển vật liệu ra vào, tăng mật độ cây xanh…     

MỚI - NÓNG
Thông tin mới về tình hình Ngân hàng SCB
Thông tin mới về tình hình Ngân hàng SCB
TPO - Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú cho biết: "SCB là một trong các ngân hàng có quy mô lớn, tổng tài sản lớn nên giải pháp để thực hiện và xử lý cũng đòi hỏi phải đủ vốn. Chúng tôi vẫn đang tiếp tục xây dựng một lộ trình để tái cơ cấu ngân hàng này từng bước và nghiên cứu khẩn trương giải pháp, cơ chế tạo điều kiện cho ngân hàng này từng bước ổn định, phục hồi hoạt động".