Công trình trọng điểm tại ĐBSCL gặp nhiều trở ngại

Công trình trọng điểm tại ĐBSCL gặp nhiều trở ngại
TP - Đường cao tốc Sài Gòn-Trung Lương và cầu Cần Thơ là hai dự án giao thông trọng điểm quốc gia tại khu vực đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đang đứng trước nhiều khó khăn lớn.

Ông Nguyễn Đình Viễn- Phó TGĐ BQL Dự án Mỹ Thuận cho biết, hai công trình trọng điểm này cần một khối lượng cát, đá khổng lồ.

Chỉ riêng cát, đường cao tốc Sài Gòn- Trung Lương đã cần tới 8 triệu m3 và cầu Cần Thơ cần đến 17 triệu m3. Trong khi đó, tại khu vực ĐBSCL hiện có nhiều dự án lớn đồng loạt triển khai nên khả năng cung cấp tại chỗ rất hạn chế.

Nhiều đơn vị thi công đang phải tính đến phương án nhập khẩu cát từ Campuchia. Tuy nhiên, theo ông Lê Thanh Liêm-Trưởng phòng QLDA cầu Mỹ Thuận: trở ngại về thủ tục, chất lượng không ổn định và giá thành cao là 3 vấn đề các đơn vị thi công sẽ gặp phải khi tiến hành nhập cát.

Bên cạnh đó là tình trạng giá vật liệu đang leo thang dự báo sẽ còn tiếp tục tăng trong thời gian tới, nhất là khi phải mua cát tại Campuchia.

Tư vấn trưởng tại công trình cầu Cần Thơ, ông Nakajima nói: “Việc loay hoay đi tìm vật liệu cát sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến tiến độ thi công công trình. Hiện tại, công trình này đã chậm đáng kể so với tiến độ chung. Nguyên nhân cũng vì thiếu vật liệu”.

Chạy đua với… mặt bằng và độ lún

Theo ông Viễn, toàn bộ dự án đường cao tốc Sài Gòn- Trung Lương sẽ hoàn thành vào cuối tháng 6/2007. Nhưng đến nay (cuối tháng 3/2006) các đơn vị thi công mới hoàn thành 30-40% khối lượng công việc.

Một trong những lý do quan trọng làm ảnh hưởng tiến độ là việc giải phóng và bàn giao mặt bằng. Tại TP.HCM hiện còn tới 62% trong số tổng diện tích mặt bằng của dự án đi qua địa bàn chưa được giải tỏa. Phần lớn các công trình trong diện giải tỏa nhưng vẫn còn tồn tại là các khu dân cư, nhà máy xí nghiệp và các công trình công cộng…. Vì thành phố thiếu quỹ đất tái định cư.

Rải rác dọc tuyến, nhiều đơn vị thi công vẫn đang phải gác máy ngồi chờ mặt bằng. Ông Nguyễn Tất Sơn –Phó TGĐ CIENCO4, 1 đơn vị thi công bức xúc nói: “Khởi công từ cuối 2004 nhưng đến bây giờ chúng tôi vẫn chưa có mặt bằng để thi công nút giao Bến Lức (gói thầu 16). Và chưa biết đến khi nào chúng tôi được giao mặt bằng…”.

Việc chậm giao mặt bằng làm tăng thêm áp lực kỹ thuật đối với các đơn vị thi công. Vì rằng, theo ông Viễn, dự án đi qua khu vực có nền địa chất yếu, cần phải mất nhiều thời gian để gia tải. Nhưng thực tế thời gian đã bị mất khá nhiều vì phải chờ mặt bằng. Điều đó khiến không ít người lo ngại chất lượng công trình sẽ bị ảnh hưởng.  

 Bài, ảnh: Đại Dương

MỚI - NÓNG