Những dự án công viên ở Hà Nội: Lãng phí tiền tỷ

Công viên Đống Đa: Chậm 4 năm - đội giá cả trăm tỷ

Công viên Đống Đa: Chậm 4 năm - đội giá cả trăm tỷ
TP - Theo quyết định đầu tư, dự án công viên Văn hoá thể thao (VHTT)  Đống Đa phải hoàn thành vào năm 2004. Tuy  nhiên, đến nay dự án vẫn  nằm trên giấy.

Sự chậm trễ này khiến mức đầu tư của dự án đội lên nhiều lần, việc triển khai dự án gặp nhiều khó khăn.

Công viên Đống Đa: Chậm 4 năm - đội giá cả trăm tỷ ảnh 1
Sau 4 năm được giải tỏa trên 20.000m2 đất của Dự án công viên Đống Đa vẫn bị bỏ hoang

GPMB rồi... bỏ hoang!

4 năm trước, cơ quan chức năng đã huy động nhiều lực lượng giải toả mặt bằng để triển khai dự án công viên VHTT Đống Đa. Và nay chúng thành “vườn hoang”.

Hồ Thước Thợ, rộng gần 10.000 m2 - một cái tên được nhiều người biết đến,  nay cũng được rào kín. Những tán cây xanh bao phủ. Và tất nhiên chúng đã được những cư dân gần đó biến thành bãi rác.

Tại khu bãi bóng (6000m2) được giải toả từ năm 2002 đến nay cũng chưa thấy có sự hiện diện của bất cứ công trình nào “gắn” với công viên. Một toán thợ nề gấp rút xây một dãy nhà cấp bốn.

Họ giải thích: “Xây nhà tạm cho CA quận”.  Xung quanh những khu đất rộng hàng chục ngàn mét vuông, những hộ dân đã vây bủa chặt. Hàng trăm nóc nhà san sát tiếp tục mọc lên...

Bà Chu Thị Duyên - Phó GĐ Ban QLDA Đống Đa (chủ đầu tư) - cho biết: Thực hiện QĐ thu hồi 70.925 m2 tại phường Trung Liệt (quận Đống Đa) và phường Thành Công (Ba Đình), năm 2002 quận Đống Đa đã giải tỏa được 2,2 ha gồm: Đất của Cty Môi trường đô thị, Cty Công viên xây xanh và Cty Xây lắp Sở GTCC, đất khu ao Thước Thợ và đất khu bãi bóng.

Tuy nhiên, vì nhiều lý do, các khu đất được giải toả này chưa được đưa vào xây dựng công viên và bị bỏ hoang từ đó đến nay. Riêng khu đất bãi bóng đã được UBND quận cho CA quận Đống Đa mượn tạm...

Càng chậm, càng đội giá đầu tư

Theo quyết định phê duyệt dự án (tháng 4/2001), tổng mức đầu tư của dự án này là 46 tỷ đồng. Tất nhiên là sự quyết tâm của chính quyền đã giải toả được 2,2 trên 7,1ha.

Tuy nhiên, số lượng các hộ dân trong diện giải toả lên đến gần 1.000 hộ đang là “điểm mắc” nhất trong công tác đền bù GPMB dự án này. Vì lẽ đó, đã 4 năm qua, cho dù có nhiều văn bản chỉ đạo, điều chỉnh khung giá... nhưng Ban QLDA quận Đống Đa vẫn chưa thể di dời thêm được hộ dân nào.

Bà Duyên cho hay, trong số 1.000 hộ dân, đến nay Ban đã kiểm đếm được 130 hộ và đã có phương án đền bù được 63 hộ dân. “ Cơ chế đã rất được ưu ái, nhà tái định cư đã có sẵn 80 căn... chúng tôi quyết tâm nửa đầu năm 2006 sẽ di dời được 83 hộ. Và trong năm 2006 dự kiến sẽ di dời được 300 hộ (?)”- Bà Duyên khẳng định.

Theo dự án được phê duyệt, kinh phí đền bù GPMB là 3 tỷ đồng. Còn nay, mặc dù giá xây lắp không tăng nhiều nhưng kinh phí GPMB chắc hẳn sẽ gấp nhiều chục lần số tiền được duyệt!

Nguyên nhân: Sau bốn năm nhiều ngôi nhà đã được mọc lên và khi di dời, chủ của chúng sẽ được đền bù. Giá đất, cơ chế chính sách  tại thời  điểm này so với 4 năm trước cũng thay đổi nhiều.

Tổng mức đầu tư của dự án sẽ phải điều chỉnh. Theo tính toán sơ bộ, chỉ riêng tiền đền bù GPMB, dự án này cũng “ngốn” cả trăm tỷ đồng ngân sách thay vì 3 tỷ đồng như trong quyết định đầu tư.

Không chỉ chậm trễ trong triển khai GPMB, hiện dự án này còn gặp lúng túng trong phân định cơ chế thu hút đầu tư. Theo bà Duyên, chủ đầu tư chỉ thực hiện GPMB, đầu tư cơ sở hạ tầng như: điện, nước, đường, nhà điều hành...

Những hạng mục vui chơi, văn hóa... là do các nhà đầu tư thứ phát đảm nhiệm. Vậy nhưng các nhà đầu tư này chỉ khi nhận được những cam kết rõ ràng về cơ chế và mặt bằng sạch họ mới vào.

Vì lẽ đó, đến nay 2,2 ha đất được giải tỏa thì chưa xây dựng được hạ tầng, còn nhà đầu tư thì  cũng chưa có ai nhòm ngó.

Xây dựng công viên, nâng cao chất lượng cuộc sống cho nhân dân Thủ đô là chủ trương lớn của Hà Nội. Tuy nhiên, với cách làm như hiện nay của một số cơ quan chức năng của Hà Nội, không biết đến bao giờ chủ trương này mới thành hiện thực.

Nghiêm trọng hơn, sự thất thoát, lãng phí, tốn kém từ những dự án công viên nói trên là không nhỏ.

Bài 1 - Công viên Yên Sở: Nước hồ ô nhiễm... cả trăm tỷ đồng đầu tư “đắp chiếu”!

Bài 2: Cả chục tỷ đồng dựng đu quay, xây thuyền lắc... để phá!

MỚI - NÓNG