Công viên nước “giãy chết” ở thành phố biển

Công viên nước “giãy chết” ở thành phố biển
TP - Được đầu tư xây dựng với số vốn ban đầu gần 65 tỷ đồng và ở vị trí có thể nói là đẹp nhất nhì TP Đà Nẵng, sau 5 năm đi vào hoạt động Công viên nước vẫn trong cảnh đìu hiu chợ chiều.
Công viên nước “giãy chết” ở thành phố biển ảnh 1
CVN Đà Nẵng đìu hiu vắng vẻ

Công viên nước (CVN) Đà Nẵng một ngày thứ Bảy, đáng ra, trong những dịp cuối tuần như thế này, đây sẽ là điểm vui chơi, tấp nập của trẻ em, nhưng không khí vắng vẻ, đìu hiu không khác gì một... ngôi chùa.

Tại cổng ra vào, vài cô bán vé cùng mấy anh bảo vệ vừa tán chuyện, vừa ngáp vặt. Ông Ngô Trường Thọ – Giám đốc CVN giải thích: “Trời lạnh quá, tháng Giêng là tháng ăn chơi nhưng chẳng có ai vào đây chơi cả”. 

CVN được xây dựng năm 2002, là đơn vị hành chính sự nghiệp thuộc Sở Du lịch TP. Đà Nẵng. Số vốn đầu tư xây dựng là trên 64,7 tỷ đồng, trong đó phí xây lắp là 37,5 tỷ, phí thiết bị trên 19 tỷ (chưa kể quỹ đất khoảng 6ha, giai đoạn 1), trung bình mỗi tháng thu khoảng 150 triệu, tháng cao điểm thu trên 200 triệu đồng, chủ yếu từ tiền vé vào cổng và các dịch vụ ăn uống, nhà hàng trong khuôn viên CVN.

Trong bảng tổng hợp doanh thu hàng năm, vé vào cổng năm sau thấp hơn năm trước, trong khi đó, doanh thu từ nhà hàng, quán nhậu và các dịch vụ ăn uống trong CVN lại tăng cao.

Điều đó cho thấy, với điều kiện ăn nhậu khá lý tưởng, người dân TP Đà Nẵng đang dần coi đây là điểm gặp mặt, ăn uống, cưới hỏi, tiệc tùng, lễ lạt... còn phần vui chơi của các em đang từng ngày “đánh mất ưu thế” trước các dịch vụ khác.

Ông Ngô Trường Thọ cho biết: “Tiền bảo dưỡng các thiết bị, tiền điện nước và các chi phí khác đã mất gần trăm triệu mỗi tháng, số còn lại phải trả lương cho 70 cán bộ, nhân viên, còn lại nộp 10% cho ngân sách Nhà nước. Cố gắng để không bù lỗ là mừng lắm rồi”.

Theo ông Thọ, nếu không có sự thay đổi mô hình hoạt động thì cũng khó biết tương lai của CVN thế nào.Trong năm qua, cũng đã có một số doanh nghiệp như Honda, Yamaha, Lipton... tổ chức quảng cáo sản phẩm tại đây, nếu không chẳng biết lấy đâu mà bù lỗ.

CVN khó “sống” gần biển!

Có 2 nguyên nhân khiến CVN ngày càng vắng vẻ, theo ông Thọ, đó là do “đóng đô” ngay giữa thành phố biển, người dân không dại gì bỏ ra một khoản tiền mua vé cho con em vào vui chơi tại CVN trong khi chỉ tốn 2.000đ gửi xe là có thể ra biển chơi thoải mái.

Nguyên nhân còn lại là do điều kiện kinh tế của người dân còn thấp, hoặc tâm lý thưởng thức văn hóa của họ chưa cao nên CVN ít khi là sự lựa chọn tối ưu cho chỗ vui chơi của trẻ em.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, hiện nay, những trò chơi ở CVN vẫn không có gì mới so với khi bắt đầu đưa vào hoạt động. Một số thiết bị vui chơi đã quá cũ kỹ, luôn nằm trong tình trạng cần được bảo dưỡng, lau chùi, nếu không sẽ dẫn tới nguy hiểm cho khách hàng.

Hiện nay, CVN đang hoạt động theo phương thức thời vụ, một số trò chơi có thể ngừng hoạt động nếu không hiệu quả. Ông Thọ cho biết: “Hướng hoạt động chủ yếu của chúng tôi hiện nay là kinh doanh nhà hàng, dịch vụ ăn uống, cưới hỏi bởi không gian ở đây khá lý tưởng.

Vì thế, một số trò chơi trẻ em có thể ngừng hoạt động vì không hiệu quả. Lúc nào đến mùa, sẽ mở trở lại, làm thế vừa đảm bảo doanh thu, vừa khỏi tốn tiền điện, nước và bảo trì máy móc”.

“Như vậy là điểm vui chơi bổ ích của trẻ em ở CVN dần dần sẽ biến thành trung tâm nhà hàng, ăn nhậu?”. Ông Thọ trả lời: “Về cơ bản thì bọn trẻ vẫn vui chơi đấy chứ, nhưng chúng tôi còn phải tính đến chuyện doanh thu”. Khi được hỏi, nếu bây giờ là một đơn vị kinh doanh độc lập, liệu CVN có “sống” nổi không?

Thay vì trả lời, ông Thọ hào hứng đưa ra một tập tài liệu dày cộp về dự án liên kết đầu tư giữa CVN Đà Nẵng với CVN Hanover (Đức). Cụ thể, với dự án mở rộng thêm 6 ha về phía cầu Tuyên Sơn, nhiều hạng mục mới như khách sạn, nhà hàng... sẽ được xây dựng, nhiều trò chơi mới cũng được hoàn thiện trong CVN. Lúc đó, tên của CVN cũng sẽ thay đổi, bởi nước không còn là đặc thù nữa.

Ông Thọ cho biết: “Không thể so sánh với TP.HCM, nhưng lúc đó, sẽ có dáng dấp một Đầm Sen giữa thành phố biển. Dự án còn phải chờ phê duyệt, chưa biết khi nào, giờ cứ tạm thời như thế đã...”  

MỚI - NÓNG