Container - hung thần xa lộ, vì đâu?

Tai nạn thảm khốc làm 5 người chết do tài xế lái xe đầu kéo “đạp nhầm chân ga. Ảnh: Ngô Bình.
Tai nạn thảm khốc làm 5 người chết do tài xế lái xe đầu kéo “đạp nhầm chân ga. Ảnh: Ngô Bình.
TP - Vụ xe container gây tai nạn thảm khốc làm 5 người chết sáng 31/5 tại TPHCM một lần nữa báo động về những “hung thần xa lộ” và công tác quản lý lái xe và phương tiện. Vì đâu có lỗ hổng quản lý chết người này và ai sẽ phải chịu trách nhiệm?

Bài 1: Nhiều lái xe container dùng bằng giả

Hiện nay, nhiều doanh nghiệp (DN) vận tải có xe đầu kéo trên địa bàn TPHCM đang trong tình trạng khan hiếm tài xế có GPLX hạng FC. Một số DN buộc phải nhận những tài xế chỉ mới có GPLX hạng C hoặc sử dụng GPLX giả FC vào làm.

Ông Đỗ Xuân Phú (Hội trưởng Hội Tương trợ đồng nghiệp vận tải container TPHCM, thuộc Hiệp hội Vận tải hàng hóa TPHCM) thừa nhận tình trạng này đang tồn tại ở nhiều DN vận tải TPHCM. “Thậm chí có đến gần 90% doanh nghiệp vận tải sử dụng tài xế chỉ mới có GPLX hạng C hoặc sử dụng GPLX hạng FC giả”, ông Phú nói.

Thiếu tài xế có GPLX hạng FC

Lý giải về thực trạng trên, ông Phú dẫn ra nhiều lý do. Nhiều DN vận tải chuyển đổi từ xe tải thùng có tải trọng thấp sang xe đầu kéo để chở container, đáp ứng nhu cầu vận tải hàng hóa, cạnh tranh sau khi cơ quan chức năng tăng cường kiểm tra tải trọng xe. Điều này kéo theo việc những tài xế lái xe tải thùng mới chỉ có GPLX hạng C phải đôn lên lái xe đầu kéo vì DN không tìm đủ tài xế có GPLX hạng FC (cho phép lái xe đầu kéo container).

Một nguyên nhân nữa là nhiều tài xế có GPLX hạng FC nhưng do sức khỏe, tuổi tác không đủ để lái xe đầu kéo đã chuyển sang lái xe tải nhỏ hoặc chuyển công việc khác. “Như trong công ty tôi cũng có một số tài xế có GPLX hạng FC nhưng giờ không lái xe mà làm ở bộ phận khác dẫn đến thiếu tài xế”, ông Phú cho biết.

Chính vì thiếu tài xế có GPLX hạng FC nên nhiều DN dễ dãi trong việc tuyển dụng. Thậm chí biết tài xế sử dụng GPLX hạng FC giả nhưng vẫn “làm ngơ” với điều kiện ký cam kết chịu mọi trách nhiệm về bằng cấp mình sử dụng. Theo ông Phú, sở dĩ DN chấp nhận tài xế yếu tay nghề, non kinh nghiệm là bởi một chiếc xe đầu kéo phải đầu tư hàng tỷ đồng mà để nằm không hàng tháng, tốn tiền kho bãi, phí bảo trì, kiểm định…

“Hiện nay nhiều DN giao xe cho tài xế chỉ quan tâm đến việc lên xe nổ máy và chạy được chứ không quan tâm đến đạo đức lái xe, tay nghề hay việc tài xế có biết cách bảo trì, bảo dưỡng xe hay không. Việc này làm tăng rủi ro tai nạn mỗi khi ra đường”, ông Phú nói.

Là lái xe đầu kéo lâu năm, anh N.V.H (38 tuổi, ngụ quận Thủ Đức, TPHCM) cho biết, hiện nay nhiều tài xế phải sử dụng GPLX hạng FC giả để lái xe đầu kéo cho các DN và nhiều DN chấp nhận tài xế GPLX hạng C. “Hiện quy định để tài xế thi lấy GPLX hạng FC rất khó khăn, nhiều tài xế có GPLX hạng C nhưng mới được một, hai năm, chưa đủ điều kiện đổi GPLX hạng FC nên phải làm giả. Hơn nữa, nếu tài xế có GPLX hạng C nhưng có kinh nghiệm lái xe nhiều năm thì dư sức lái xe đầu kéo. Nếu phải đợi đủ 3 năm mới được thi GPLX hạng FC thì làm gì sống”, anh H. nói.

Anh H. cho biết thêm, việc làm GPLX hạng FC giả còn dễ hơn làm GPLX hạng B2 và nếu đi thi hoặc chuyển đổi từ GPLX hạng C lên FC tốn tiền gấp 3- 4 lần mua một tấm GPLX giả, tốn thời gian. “Một tấm GPLX hạng FC giả giờ mua chỉ vài ba triệu đồng, còn đi thi phải tốn gần chục triệu”, tài xế H. nói.

Container - hung thần xa lộ, vì đâu? ảnh 1

Nhiều DN vận tải có xe đầu kéo thừa nhận tình trạng khan hiếm tài xế có GPLX hạng FC. Ảnh: Ngô Bình.

Nới lỏng điều kiện cấp GPLX?

Ngày 2/6, Hiệp hội Vận tải hàng hóa TPHCM (HHVT) đã có văn bản kiến nghị Bộ GTVT và Tổng cục Đường bộ Việt Nam thay đổi một số điều kiện chuyển đổi giấy phép lái xe (GPLX) từ hạng C, D, E sang hạng FC do các DN vận tải đang thiếu trầm trọng lái xe đầu kéo container.

Ông Đinh Nam Dinh, Phó chủ tịch HHVT cho biết sau khi Bộ GTVT siết chặt kiểm tra tải trọng xe, các loại xe tải thùng nói trên không thể cạnh tranh với xe đầu kéo chở container, buộc nhiều DN phải chuyển đổi sang xe đầu kéo.

Số lượng xe tải chuyển đổi này rất lớn nên dẫn đến tình trạng thừa lái xe có GPLX hạng C nhưng thiếu lái xe có GPLX hạng FC. Hậu quả của tình trạng thiếu lái xe hạng FC này dẫn đến tình trạng nhiều đối tượng lợi dụng để tổ chức sản xuất, mua bán sử dụng GPLX giả để hành nghề.

“Nhiều DN chỉ biết được GPLX của tài xe là giả khi được cơ quan điều tra thông báo” - ông Dinh cho biết.

Đại diện Cty TNHH giao nhận vận tải Minh Thành cho biết DN có 60 đầu xe nhưng do không tuyển được tài xế có GPLX hạng FC nên 7 xe phải ngưng hoạt động. Một số DN vận tải cho Tiền Phong biết đã đưa ra những ưu đãi như nâng lương, đóng đầy đủ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế cho lái xe. Có DN còn thưởng hậu các lái xe làm việc hiệu quả, lái xe an toàn… nhưng vẫn không tuyển đủ lái xe có GPLX hạng FC.

Theo kiến nghị của HHVT, những người đủ 24 tuổi đã được cấp GPLX hạng C, D, E có tối thiểu 1 năm kinh nghiệm được quyền đăng ký học và sát hạch để nâng hạng GPLX lên FC (thay cho thời gian hành nghề 3 năm trở lên và 50.000 km lái xe an toàn trở lên theo quy định của Bộ GTVT). Ngoài ra, cho phép các cơ sở đào tạo đủ điều kiện được đào tạo thẳng lái xe điều khiển xe đầu kéo. Nếu đạt yêu cầu sát hạch, những người đủ 24 tuổi trở lên được cấp GPLX hạng FC và được hành nghề ngay. Những người chưa đủ 24 tuổi được cấp GPLX hạng tương đương và khi đủ 24 tuổi được đổi GPLX hạng FC.

Một số chuyên gia giao thông cho rằng lái xe đầu kéo đòi hỏi phải có kỹ năng và kinh nghiệm. Việc nới lỏng điều kiện cấp phép, đặc biệt là kinh nghiệm, chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến chất lượng lái xe hạng FC.

TS Phạm Sanh, chuyên gia giao thông cho biết, nhiều nước đào tạo lái xe đầu kéo container rất kỹ. Việc sát hạch cấp GPLX đầu kéo container rất khắt khe. Lái xe phải có sức khỏe, tuổi tác phù hợp và không vi phạm, không gây tai nạn trong một khoảng thời gian nhất định mới được cấp GPLX đầu kéo container. 

MỚI - NÓNG
Trung ương Đoàn trao tặng công trình số hoá khu di tích lịch sử tại Điện Biên
Trung ương Đoàn trao tặng công trình số hoá khu di tích lịch sử tại Điện Biên
TPO - Trung ương Đoàn thực hiện 3 công trình số hóa các di tích lịch sử, địa chỉ đỏ cho tỉnh Điện Biên nhân dịp kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, gồm: Điểm Di tích Sở Chỉ huy Chiến dịch Điện Biên Phủ ở Mường Phăng, Điểm Di tích Đồi A1 và Điểm Di tích Trung tâm đề kháng Him Lam (Đồi Him Lam), với tổng trị giá 300 triệu đồng.