'Cột' công chức bằng trách nhiệm

Người dân sẽ không còn mất nhiều thời gian đi lại làm TTHC tại “một cửa” Ảnh: Nam Cường
Người dân sẽ không còn mất nhiều thời gian đi lại làm TTHC tại “một cửa” Ảnh: Nam Cường
TP - “Mức độ hài lòng của người dân đối với công chức ở các cấp ở Đà Nẵng đã cao, nhưng không phải không còn vấn đề, vì thế, quy định xin lỗi dân bằng văn bản nâng cao trách nhiệm", ông Chế Viết Sơn - Phó GĐ Sở Nội vụ Đà Nẵng nhận xét

> Quy định xin lỗi dân phải bằng văn bản

"Ai biết ngượng, xấu hổ, sợ ảnh hưởng trách nhiệm thì lo mà giải quyết sớm cho dân” - ông Chế Viết Sơn nói.

Người dân sẽ không còn mất nhiều thời gian đi lại làm TTHC tại “một cửa” Ảnh: Nam Cường
Người dân sẽ không còn mất nhiều thời gian đi lại làm TTHC tại “một cửa”.  Ảnh: Nam Cường.

Đó là bằng chứng

Ông Nguyễn Văn Tr. - chủ một tàu đánh bắt xa bờ ở phường Xuân Hà (Thanh Khê) khi được nghe quy định mới của UBND TP Đà Nẵng bắt buộc các công chức phải xin lỗi dân bằng văn bản, tỏ ra hoan nghênh: Rất đúng, cần phải như vậy mới rõ ràng.

Ông Tr. năm qua đã mấy lần lên cơ quan chức năng để bổ sung hồ sơ nhận hỗ trợ xăng dầu theo NĐ 48 của Chính phủ, cho đến nay, vẫn chưa biết hồ sơ bao giờ có kết quả. Câu trả lời là: Hãy đợi đấy.

Anh Nguyễn Văn N. (tổ 16 Hòa An - Cẩm Lệ - Đà Nẵng), người vừa mất khá nhiều thời gian bổ sung hồ sơ xin làm sổ hồng mảnh đất cha anh để lại, nói: Thú thật là vào gặp công chức, cầm giấy hẹn trả hồ sơ lần 1, rồi lần 2, đến lần thứ 3 mà vẫn phải bổ sung giấy tờ thì buồn thúi ruột.

Tôi không hiểu sao khi nhận hồ sơ, họ không xem xét một lần, thiếu cái gì để bổ sung mà cứ hẹn rồi hẹn, mất thời gian.

Nay có quy định mới, khi người dân cầm trong tay giấy xin lỗi, có mực đen dấu đỏ thì đó là bằng chứng để dân phản ánh. Theo số liệu của Sở Nội vụ, có tới 133 thủ tục hành chính được niêm yết tại phòng “một cửa” cấp quận trong năm 2011, con số này của năm 2010 là 116.

Con số tại quận Liên Chiểu cho thấy, có tới 84.788 số hồ sơ được tiếp nhận qua “một cửa” năm 2011 con số hồ sơ giải quyết đúng lên tới 81.314. Con số của năm 2010 là 185.989 hồ sơ qua một cửa, trong đó chỉ có 179.058 hồ sơ giải quyết đúng.

Điều này giải thích sự tiến bộ rõ rệt của công chức cấp quận. Tuy nhiên, con số hồ sơ giải quyết đúng so với hồ sơ nộp vào “một cửa” ở cấp huyện, xã phường lại thấp hơn thậm chí là rất nhiêu và đó là thông số phản ánh rõ ràng nhất sự không hài lòng của người dân.

Văn hóa xin lỗi và trách nhiệm công chức

 Ai cũng có lòng tự trọng, chẳng ai muốn xin lỗi bằng văn bản nhiều lần, vì nó thể hiện năng lực kém. Nếu ngượng, xấu hổ và sợ trách nhiệm thì phải giải quyết sớm cho dân 

Ông Lê Anh - Chủ tịch UBND quận Hải Châu cho hay, quy định mới, bắt buộc công chức phải xin lỗi dân bằng văn bản là rất phù hợp, tuy nhiên, đó chỉ là biện pháp tăng trách nhiệm của công chức.

“Ở quận Hải Châu, chúng tôi giám sát chặt chẽ, thưởng phạt phân mình. Không có lý do gì giam hồ sơ của dân”.

Theo ông Lê Anh, lĩnh vực đất đai dễ nảy sinh nhũng nhiễu, tiêu cực, vì thế, lãnh đạo quận thường soi kỹ công chức bộ phận này.

“Mỗi ngày tôi ký giải quyết khoảng 200 - 300 hồ sơ, các phó Chủ tịch cũng thế. Làm xong chuyển ngay xuống phòng một cửa, gọi dân đến nhận. Nhận được khiếu nại của dân người nào khó dễ, nhũng nhiễu, tôi đuổi việc liền. Lãnh đạo quận thống nhất với nhau rồi, dù là người thân, con cháu gì cũng không thể thông cảm. Tôi đã quán triệt trước, đừng ai xin xỏ gì, để cho tôi phân minh thưởng phạt, khỏi mất lòng. Mấy năm rồi, độ hài lòng của người dân đối với phòng “một cửa” ở Hải Châu rất cao”.

Theo ông Chế Viết Sơn - Phó GĐ Sở Nội vụ, Đà Nẵng đã thực hiện chính quyền điện tử, và thủ tục cải cách hành chính (CCHC) thông qua “một cửa” được áp dụng tất cả bằng phần mềm.

Người dân, DN chỉ cần vào web hoặc truy cập qua điện thoại là có thể biết ngay hồ sơ của mình đang ở giai đoạn nào. Đó đã là một bước tiến dài trong CCHC.

Nay với việc công chức phải xin lỗi dân, DN bằng văn bản cụ thể nếu trễ, sai sót hồ sơ tới 2 lần sẽ nâng cao trách nhiệm, thái độ làm việc của công chức.

Mức độ hài lòng của người dân theo khảo sát năm 2010 là 81,8%, năm 2011 lên đến 98,2%. Nhưng vẫn còn nhiều nhược điểm cần khắc phục. Đó là văn hóa xin lỗi người dân.

“Lâu nay, công chức chỉ hứa với dân bằng một giấy hẹn, không đúng hạn cũng hạn hữu nói lời xin lỗi, thậm chí giải thích qua loa đại khái. Sai sót, trễ 1 lần còn thông cảm, nhất là lĩnh vực đất đai. Nhưng nếu đến lần 2 thì không thể chấp nhận. Anh phải xin lỗi dân, đó mới là văn hóa, cái này cột công chức bằng trách nhiệm” - ông Sơn nói.

Theo Sở Nội vụ, văn bản xin lỗi người dân phải được người có trách nhiệm quyền hạn ký, đóng dấu và lưu lại trên phần mềm.

Đến cuối năm, trong danh mục thi đua CCHC các cơ quan, số lần xin lỗi sẽ phản ánh năng lực, thái độ và cung cách làm việc của công chức, qua đó cũng phản ánh luôn chỉ số cạnh tranh của cơ quan đó.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG