CSGT hoàn lại tiền, xin lỗi dân

CSGT hoàn lại tiền, xin lỗi dân
TP-  Sau khi Tiền Phong phản ánh CSGT Bắc Ninh hiểu nhầm biển báo, chiều 14/4, thượng tá Nguyễn Đức Tân-Phó trưởng phòng CSGT Bắc Ninh nói: “Ai còn lưu biên bản bị phạt oan, chúng tôi sẽ hoàn lại tiền và xin lỗi”.

Ông Tân cho biết: “Phòng CSGT Bắc Ninh xin cám ơn nhóm PV Tiền Phong phát hiện ra sai sót về việc hiểu nhầm biển báo tốc độ của các cán bộ chiến sỹ. Số lượng sai sót là không nhiều”.

Tuy nhiên, theo thượng tá Tân, Phòng CSGT Bắc Ninh cũng sẽ kiến nghị với ngành GTVT. Trên đoạn đường này, nếu xe siêu trường siêu trọng chạy với tốc độ cho phép đến 80 km/giờ thì quá nguy hiểm. 

CSGT hoàn lại tiền, xin lỗi dân ảnh 1

Thượng tá Nguyễn Đức Tân   Ảnh: Bảo Khánh

Tốc độ của xe máy giới hạn trong khoảng từ 60-80 km/giờ cũng thiếu an toàn. Trong trường hợp nếu đoạn đường này vẫn quy định tốc độ tối thiểu 60 km/giờ, tối đa 80 km/giờ thì hệ thống chiếu sáng và phản quang phải đảm bảo để cảnh báo an toàn cho các phương tiện tham gia giao thông.

Thượng tá tân dẫn chứng, từ năm 2006 đến nay, trên 20 km đoạn đường QL1A mới Hà Nội - Bắc Ninh xảy ra 34 vụ TNGT làm chết 38 người, 12 người bị thương. Đa số vụ TNGT là do xe mô tô đi tốc độ cao tự đâm vào dải phân cách.

Ngoài ra, theo ông Tân, cả đoạn đường chỉ treo biển giới hạn tốc độ tối đa và tối thiểu tại hai đầu Bắc Ninh, Hà Nội; trong khi đó, có 17 đường nhánh đổ vào đoạn đường này. Như vậy, những người tham gia giao thông bắt đầu từ những đường nhánh không thể biết được giới hạn tốc độ từ biển báo. Điều này cũng gây hiểu nhầm biển báo cho CSGT.

Từ bất cập này, Phòng CSGT Bắc Ninh kiến nghị ngành GTVT lắp thêm nhiều biển báo, lắp các biển phụ thuyết minh cụ thể để tránh hiểu nhầm.

Tuyến đường này cũng có quá ít biển quy định các điểm dừng, điểm đỗ nên người tham gia giao thông tự ý vi phạm khi tùy tiện dừng, đỗ nghỉ ăn cơm ngay trên đoạn đường giới hạn tốc độ tối thiểu 60 km/giờ.

Cũng theo thượng tá Tân, bên ngành GTVT không ai thông báo về các biển giới hạn tốc độ trên đoạn đường cho phía CSGT. Ngay cả tuyến QL 18 hiện nay dù đường chưa chính thức sử dụng nhưng đơn vị thi công đã lắp đặt biển đường cao tốc. Việc này vừa làm khó CSGT, vừa gây nguy hiểm cho người tham gia giao thông.

Có vụ người điều khiển phương tiện đội mũ bảo hiểm nhưng, do chạy với tốc độ cao, mất lái, đâm vào dải phân cách lề đường. Cú va chạm khiến người lái xe bị đứt đầu, văng xa 15 mét.

Đáng ngạc nhiên nhất, thượng tá Tân nói: “Dù đoạn đường Hà Nội-Bắc Ninh có biển giới hạn tốc độ tối thiểu với phương tiện cơ giới, nhưng trong Nghị định Xử phạt Vi phạm Hành chính Giao thông Đường bộ chưa có chế tài nào để xử lý”.

Chiều cùng ngày, trao đổi với PV Tiền Phong, ông Lê Văn Dũng- GĐ Cty Quản lý Sửa chữa Đường bộ 240 (Khu Quản lý Đường bộ 2 - Cục Đường bộ Việt Nam)-đơn vị trực tiếp cắm biển giới tốc độ trên đoạn đường này, trả lời rất dè dặt. Ông Dũng nói: Cty được Khu Quản lý Đường bộ 2 giao nhiệm vụ quản lý đoạn tuyến QL1 mới này từ năm 2005. Đoạn tuyến này được quản lý theo Quyết định số 1943 ngày 4/7/2003 của Bộ GTVT. Tại thời điểm thông xe trước đây đã có sẵn hệ thống biển báo hiệu”. 

Theo Quyết định số 1943, đoạn Bắc Ninh - Hà Nội khai thác với tốc độ cao vì vậy giữa hai dải phân cách bên là đường dành cho xe cơ giới có tốc độ thực tế cho phép từ 60km/giờ trở lên lưu hành. Nghiêm cấm người đi bộ, xe thô sơ, xe gắn máy có dung tích xi - lanh dưới 70cm3, xe lam, xe công nông và các xe tương tự khác lưu hành.

Các phương tiện giao thông khi ra hoặc vào đường Bắc Ninh - Hà Nội đều phải nhanh chóng đi vào làn đường tách, nhập dòng để giảm dần hoặc nâng cao tốc độ, đảm bảo an toàn chạy xe.

Ý kiến của bạn về vấn đề này ?

MỚI - NÓNG