Cty Trung Hữu tiếp tục các hợp đồng môi giới lao động?

Cty Trung Hữu tiếp tục các hợp đồng môi giới lao động?
Hoạt động môi giới của Cty Trung Hữu suốt hơn ba tháng, từ khi vụ án hãm hiếp nữ lao động Việt Nam bị điều tra tháng 4/2005 cho đến 1/7/2005 như thế nào vẫn còn là một vấn đề để ngỏ!

Sau khi báo Tiền Phong đưa thông tin về việc phía Đài Loan đã khởi tố vụ án “Xâm hại nhân phẩm” lao động nữ Việt Nam của hai cha con Hồng Minh Dụ, Hồng Khánh Chương, giám đốc Công ty Trung Hữu (Đài Nam), ngày 14/7/2005, Kiểm sát viên thụ lý vụ án thuộc Viện Kiểm sát Đài Nam đã cho biết đầy đủ thông tin chi tiết.

Theo đó, cụ thể có 18 nạn nhân Việt Nam bị cha con Giám đốc Công ty Trung Hữu xâm hại tình dục. Trong đó, bao gồm 18 người bị Hồng Minh Dụ xâm hại và 4 người bị Hồng Khánh Chương lạm dụng, song tổng số chỉ là 18 người, không phải lên đến 22 người như báo đã đưa tin ngày 14/7/2005.

Tuy nhiên, kiểm sát viên khẳng định, số người bị hại có khả năng sẽ tăng lên trong thời gian tới khi việc điều tra vẫn còn đang tiếp tục.

Theo lịch trình làm việc, Tòa án Đài Nam (Đài Loan) dự kiến sẽ họp phiên trù bị vào ngày 11/8 tới để đưa vụ việc ra xét xử. Trong quyết định khởi tố vụ án “Xâm hại nhân phẩm lao động nữ” đề ngày 8/7/2005 của Viện kiểm sát gửi Toà án Đài Nam có nêu rõ:

“Hồng Minh Dụ và Hồng Khánh Chương có quan hệ cha con, Hồng Minh Dụ trước đây đã vi phạm Quy định về quan hệ công dân giữa khu vực Đài Loan và khu vực Đại lục. Ngày 14/2/2005, Hồng Minh Dụ đã bị Toà án Đài Nam (Đài Loan) tuyên phạt 5 tháng tù giam, ngày 8/5/2005 đã thực hiện xong hình phạt.

Hồng Minh Dụ là Giám đốc Công ty Trung Hữu, nghiệp vụ kinh doanh chính của Công ty là tiếp nhận lao động nữ nước ngoài vào Đài Loan làm công việc chăm sóc người bệnh.

Sau khi lao động nhập cảnh Đài Loan, ông Hồng Minh Dụ đưa toàn bộ lao động đến ở tạm thời tại địa chỉ Công ty là số 3 - ngõ 147 - phố Quảng Hưng - thị trấn Vĩnh Khang - huyện Đài Nam. Đây đồng thời cũng là chỗ ở của ông Hồng Minh Dụ.

Từ tháng 4/2003 đến tháng 5/2005, lợi dụng lao động nữ nước ngoài lần đầu đến Đài Loan, lạ nước lạ cái hoặc tạm thời cư trú trong thời gian chuyển chủ, ông Hồng Minh Dụ đã quấy rối hoặc cưỡng bức xâm hại tình dục tổng cộng 18 lao động.

Sau khi xảy ra sự việc, Hồng Minh Dụ lại nhiều lần dùng tiền hòa giải hoặc dùng biện pháp đưa về nước để uy hiếp người bị hại ký kết Giấy hòa giải hoặc Giấy tự nguyện để trốn tránh trách nhiệm.

Từ tháng 6/2003 đến tháng 2/2005, lợi dụng việc lao động nước ngoài do Hồng Minh Dụ tiếp nhận chờ đợi chuyển chủ phải tạm thời cư trú tại ký túc xá, ông Hồng Khánh Chương yêu cầu đưa lao động nữ đang chờ việc đến nơi ở của mình là Số 8 - Thủy Khuất Bình - thôn Long Tuyền - xã Long Kỳ - huyện Đài Nam làm công việc nghề nông. Ông Hồng Khánh Chương đã quấy rối hoặc cưỡng bức xâm hại tình dục 4 người”.

Về khung pháp lý xét xử hành vi thú tính của hai cha con họ Hồng, Kiểm sát viên cho biết: “Hai bị cáo đã vi phạm Khoản 1 Điều 221 Luật Hình sự của Đài Loan về tội cưỡng bức tình dục, và Điều 224 về tội quấy rối tình dục.

 Hai bị cáo Hồng Minh Dụ, Hồng Khánh Chương lợi dụng lao động nữ nước ngoài của Công ty Trung Hữu lần đầu đến Đài Loan, lạ nước lạ cái, không biết cầu cứu nơi nào, đã nhiều lần cưỡng bức tình dục và quấy rối tình dục thành công, không chỉ làm tổn hại lớn đến tinh thần, thể xác của lao động, mà còn ảnh hưởng đến hình tượng Đài Loan trên trường quốc tế, gây ảnh hưởng tiêu cực về ngoại giao.

Ngoài ra, hai bị cáo sau khi phạm tội đều không hối hận, mà còn nhiều lần dùng tiền bạc hoặc lợi dụng chức năng của công ty môi giới nhân lực để đưa nhiều lao động bị hại về nước với ý đồ trốn tránh trách nhiệm hình sự”.

Nội dung trên phù hợp với các thông tin của báo Tiền Phong đã thông tin tới bạn đọc trong thời gian qua, về hiện tượng tên Hồng Minh Dụ trong quá trình bị điều tra vụ án xâm hại tình dục lao động nữ, cũng như trong khi bị quản chế đã ngấm ngầm tìm cách hòng “tống” các nhân chứng về nước.

Tên Hồng ngoài hành vi dọa nạt, ép buộc còn thông qua các bạn bè, công ty môi giới quen biết để tìm biện pháp đuổi các nạn nhân về. Vì vậy, trong quyết định khởi tố vụ án của Viện kiểm sát Đài Nam, có ghi rõ kiến nghị cụ thể: “Do người bị hại của vụ việc này đều là lao động nữ nước ngoài, thời gian cư trú tại Đài Loan có hạn, một số người đang được thu dung tại Trung tâm thu dung, để tránh việc thời gian cư trú của người bị hại quá dài hoặc cư trú quá hạn dẫn đến việc phải về nước, đề nghị Tòa án nhanh chóng xét xử, kết luận vụ việc.

Đồng thời đề nghị khi triệu tập người bị hại cần liên lạc với Quỹ Hỗ trợ pháp luật, chủ sử dụng, Cục Xã hội hoặc cảnh sát địa phương để thuận lợi cho việc triệu tập, hoặc tiến hành chăm sóc y tế đối với chủ nhà đang được người bị hại chăm sóc trong thời gian người bị hại ra tòa”.

Về hướng xử phạt hành vi của các bị cáo, Viện Kiểm sát Đài Nam đã đề nghị “Hồng Minh Dụ 20 năm tù giam, Hồng Khánh Chương 15 năm tù giam. Bị cáo Hồng Minh Dụ và Hồng Khánh Chương là thủ phạm đã quen thói xâm hại tình dục (xâm hại tình dục có hệ thống), có khả năng tiếp tục phạm tội này”.

Đặc biệt Viện kiểm sát nhận định bị cáo họ Hồng “hiện nay đang chuẩn bị tiếp tục kinh doanh dưới hình thức công ty khác và chuẩn bị tiếp nhận nghiệp vụ môi giới lao động nước ngoài của Công ty Trung Hữu cũ,… Nếu thả hai bị cáo ra, họ có thể dùng tiền bạc hoặc quyền hạn của công ty môi giới để đưa người bị hại về nước, từ đó ảnh hưởng đến việc tuyên án”.

Ông Liêu Vi Nhân, Trưởng ban tác nghiệp lao động nước ngoài thuộc Cục Huấn luyện nghề cho rằng, con số người bị hại của Viện kiểm sát là đáng tin cậy. Số lao động bị hại mà ủy ban lao động có được hiện nay ít hơn và chậm hơn so với Viện kiểm sát.

Chiều tối ngày 14/7/2005, tại Đài Bắc, phóng viên Tiền Phong đã trực tiếp trao đổi với Ban quản lý lao động Việt Nam tại Đài Loan và ông Nguyễn Bá Hải, Trưởng ban QLLĐ về các diễn biến mới của vụ án trên.

Ban Quản lý lao động Việt Nam tại Đài Loan khẳng định, Ban đã trực tiếp liên hệ với ủy ban lao động thuộc Viện Hành chính ĐL, Cục Lao công Đài Nam, Viện Kiểm sát Đài Nam để tiến hành phối hợp trao đổi thông tin và theo dõi tiến trình vụ việc sát sao nhất, với mục đích đảm bảo quyền lợi cao nhất cho người lao động VN.

Về việc Công ty Trung Hữu vẫn tiếp tục kinh doanh các đơn hàng cũ đã ký kết với phía nước ngoài dưới hình thức ủy thác cho công ty khác hoặc bạn bè đảm nhận trong thời gian bị xử phạt tạm dừng nghiệp vụ, theo các quy định hiện hành của Đài Loan, nếu Công ty ủy thác là công ty môi giới hợp pháp thì được tiếp tục thực hiện, đồng thời công ty môi giới mới có ký hợp đồng phục vụ với chủ sử dụng thì việc ủy thác trên phù hợp mới với pháp luật của Đài Loan.

Ngoài ra, ủy ban lao động ĐL đã xử phạt tạm dừng hoạt động của Trung Hữu trong thời gian từ 1/7/2005 đến 30/9/2005 về việc đưa lao động đến làm việc tại chủ sử dụng không có giấy phép. Như vậy, hoạt động môi giới của Trung Hữu suốt hơn ba tháng, từ khi vụ án bị điều tra tháng 4/2005 cho đến 1/7/2005 như thế nào, liệu các cơ quan chức năng của Đài Loan có quản lý chặt chẽ được các hoạt động của Trung Hữu trong thời gian này hay không vẫn còn là một vấn đề để ngỏ!

MỚI - NÓNG