Cứ luật mà làm

Cứ luật mà làm
TP - Vụ án Sầm Đức Xương ở Hà Giang chưa thể kết thúc. Hội đồng xét xử phiên tòa phúc thẩm tuyên huỷ bản án sơ thẩm, yêu cầu các cơ quan tiến hành tố tụng huyện Vị Xuyên điều tra và xét xử lại.

Phán quyết này đáp ứng sự chờ đợi của đông đảo người dân Hà Giang và người dân cả nước đang dõi theo vụ án.

Vụ án này có quá nhiều chuyện để bàn. Chẳng hạn, nguyên hiệu trưởng Sầm Đức Xương có lẽ không chỉ “mua dâm người chưa thành niên”, ông ta còn có dấu hiệu “môi giới mãi dâm”.

Rồi chuyện hai nữ bị cáo công bố bản danh sách khách làng chơi quá hoành tráng. Có người đổ cho họ định “hạ bệ” người này người kia, nhưng chuyện đó chắc hồi sau sẽ rõ. Công luận thắc mắc, hai bị cáo đang bị cách ly với xã hội và cách ly với nhau, họ bị mớm cung, thông cung cách nào mà có những tố cáo trùng khớp vậy?

Chuyện chưa hết, vụ án còn một điều nữa không thể không nói. Đó là cấp sơ thẩm đã để xảy ra những sai phạm nghiêm trọng về mặt tố tụng trong quá trình điều tra, truy tố và xét xử. Điển hình là việc nhiều bản cung của hai nữ bị cáo thiếu chữ ký của luật sư và người giám hộ.

Theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự, hai bị cáo Thúy và Hằng đều thuộc diện bắt buộc phải có người giám hộ và luật sư, do khi bị khởi tố, bắt giam, họ đang ở độ tuổi vị thành niên. Thiếu vắng người giám hộ và luật sư bào chữa cho họ là sự vi phạm tố tụng nghiêm trọng, chỉ riêng điều này thôi, cũng đủ hủy án sơ thẩm để điều tra và xét xử lại.

Nói như vậy là hoàn toàn có căn cứ. Xin được trích dẫn một cách cụ thể. Tuy Bộ luật Tố tụng hình sự vẫn còn nhiều bất cập và thiếu nhiều văn bản hướng dẫn, song trước thực trạng quyền được bào chữa của bị can, bị cáo thường xuyên bị xâm hại, Cơ quan CSĐT Bộ Công an đã có công văn đề ngày 26-1-2007, TAND Tối cao cũng có công văn đề ngày 28-02-2007, để chấn chỉnh việc này một cách quyết liệt.

Như vậy, trong việc đảm bảo quyền được bào chữa của bị can, bị cáo, chúng ta không chỉ có luật, mà còn có cả các văn bản dưới luật. Trong những vụ án luật quy định bắt buộc phải có người bào chữa cho bị can, bị cáo, việc có mặt người bào chữa không chỉ thể hiện tính nhân đạo của pháp luật Nhà nước ta, mà còn để tránh việc làm oan hoặc để lọt tội.

Vụ án Sầm Đức Xương một lần nữa chứng minh: Không làm đúng tố tụng, không tôn trọng sự có mặt của các luật sư, điều này chỉ gây bất lợi cho các cơ quan tiến hành tố tụng.

Dễ nhận thấy, nếu các luật sư sớm được vào cuộc, nhiều tình tiết “nhạy cảm” trong lời khai của các bị cáo Thúy và Hằng chắc chắn sẽ không bị các cơ quan tiến hành tố tụng cấp sơ thẩm “cất” khỏi hồ sơ, các nghi can trong vụ án sẽ không tránh khỏi được triệu tập lấy lời khai và cho các bị hại nhận dạng... Khi đó, bản án sơ thẩm sẽ không bị hủy để điều tra và xét xử lại.

Những biện pháp nghiệp vụ vừa được nhắc đến trên đây không có gì quá độc đáo, chúng đều đã được quy định trong Bộ luật Tố tụng hình sự. Cứ luật mà làm, đó chính là mong mỏi của đông đảo những người theo dõi vụ án, đặt vào các điều tra viên, công tố viên, thẩm phán được giao quyền điều tra và xét xử lại vụ án. 

MỚI - NÓNG