Cử tri Hà Nội: Muốn đóng tàu lớn ủng hộ ngư dân

Cử tri Hà Nội kiến nghị đóng nhiều tàu lớn đối phó với Trung Quốc. Ảnh Dân trí
Cử tri Hà Nội kiến nghị đóng nhiều tàu lớn đối phó với Trung Quốc. Ảnh Dân trí
TP - Tại hội nghị tiếp xúc cử tri sáng 1/7, cử tri Hà Nội kiến nghị với Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) Thành phố Hà Nội, cần tiếp tục có chính sách hỗ trợ ngư dân đóng tàu lớn để sản xuất, bảo vệ chủ quyền biển đảo.

Cử tri Đoàn Xuân Nghĩa (quận Hai Bà Trưng) nói rằng, Việt Nam đang ở gần một nước mà từ thời xa xưa đến nay luôn gây ra rất nhiều khó khăn cho chúng ta. Bảo vệ biên giới, biển, đảo không chỉ đời chúng ta mà con cháu sau này cũng phải gìn giữ. Đề nghị Quốc hội có chủ trương để Chính phủ, Mặt trận Tổ quốc vận động xã hội hóa kêu gọi nhân dân, các tổ chức đóng góp, hỗ trợ ngư dân có tàu lớn để vừa đánh bắt hải sản vừa bảo vệ chủ quyền biển đảo” - cử tri Nghĩa kiến nghị.

Theo cử tri Nghĩa, tàu của ta quá nhỏ nên bị họ đâm va, chèn ép, cần kêu gọi xã hội hóa để đóng tàu lớn. Số tiền 16 nghìn tỷ đồng Quốc hội vừa duyệt chi cho ngư dân, cảnh sát biển và kiểm ngư là chưa đủ.

Đánh giá cao tinh thần, trách nhiệm của cử tri trong việc bảo vệ chủ quyền biển Đông, ông Nghị khẳng định: Chủ trương của ta là sử dụng các biện pháp hòa bình để bảo vệ chủ quyền, trường hợp thấy cần thiết mới phải đưa vấn đề ra tòa án quốc tế, cố gắng không để xảy ra xung đột vũ trang. Đối với vấn đề xã hội hóa đóng tàu thuyền, hỗ trợ ngư dân, Chính phủ đang chỉ đạo tích cực.

“Thành phố Hà Nội cũng ủng hộ cho quỹ nghĩa tình biên giới hải đảo và có nhiều hoạt động đóng góp khác nữa. Vừa qua, thành phố đã ủng hộ Trường Sa một con tàu để đi lại quanh các đảo với số tiền hơn 30 tỷ đồng” - ông Nghị cho biết.

Bí thư Thành ủy Hà Nội hoan nghênh sáng kiến của cử tri và mong muốn người dân tiếp tục đóng góp, ủng hộ cho quỹ nghĩa tình biên giới hải đảo để hỗ trợ ngư dân.

Hà Nội từng muốn lấy hai mức tín nhiệm

Tại hội nghị, cử tri quận Hai Bà Trưng kiến nghị việc lấy phiếu tín nhiệm chỉ nên quy định 2 mức là tín nhiệm và không tín nhiệm, thay vì 3 mức hiện nay. “Vì không làm tốt phê và tự phê nên mới phải tiến hành lấy phiếu tín nhiệm. Việc lấy phiếu chỉ nên quy định 2 mức (tín nhiệm và không tín nhiệm)” – cử tri Nghĩa kiến nghị.

Ông Nghị nhấn mạnh, lấy phiếu là việc làm mới, các nước không làm như mình. Họ chỉ bỏ phiếu cá nhân như thủ tướng, bộ trưởng nào đó khi có vi phạm khuyết điểm ví như vụ chìm phà ở Hàn Quốc, bộ trưởng bị kỷ luật, còn thủ tướng phải xin từ chức.

Hà Nội là nơi đầu tiên thực hiện chủ trương lấy phiếu và đối tượng lấy phiếu cũng rộng hơn của Quốc hội, ngoài đối tượng quy định, thành phố còn lấy phiếu với 5 giám đốc sở, ngành hay phải tiếp xúc nhiều với người dân.

“Hà Nội lúc đầu còn định chỉ lấy phiếu với 2 mức tín nhiệm. Nhưng thấy đây là lần đầu, vẫn còn nhiều ý kiến khác nhau nên phải chờ xin thêm ý kiến, tổng kết. Cuối năm nay Quốc hội sẽ vẫn lấy phiếu theo nghị quyết 35, đồng thời tiến hành xem xét, sửa nghị quyết cho phù hợp, cân nhắc xem lấy đối tượng nào, quy định mấy mức và lấy mấy lần trong mỗi nhiệm kỳ” - ông Nghị giải đáp.

MỚI - NÓNG