Cử tri kiến nghị rất chính đáng, ý kiến rất hay

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân trả lời cử tri TP Cần Thơ
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân trả lời cử tri TP Cần Thơ
TP - Đó là đánh giá của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân về các kiến nghị của người dân tại buổi tiếp xúc cử tri xã Trường Long, huyện Phong Điền, TP Cần Thơ. 

Tại buổi tiếp xúc, cử tri Phạm Văn Tư nêu vấn đề nông dân hiện nay chưa được tiếp cận chính sách hỗ trợ của Chính phủ về liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị, việc sản xuất còn nhỏ lẻ, chỉ chạy theo thị trường, doanh nghiệp và người dân chưa có tiếng nói chung. Nông dân rất mong muốn được hỗ trợ về việc này để sản xuất hiệu quả, ổn định.  

Chủ tịch Quốc hội cho rằng đây là kiến nghị rất chính đáng và mong muốn Luật Hợp tác xã được nghiên cứu cụ thể hơn, đem ra dân thảo luận, bàn bạc, xem các chính sách trong luật đã đủ chưa, người dân được hưởng những gì trong đó. “Tôi sẽ chỉ đạo và sẽ có báo cáo về việc này” - Chủ tịch Quốc hội nói.

Cử tri Cao Thành Công kiến nghị nên phân trách nhiệm cho địa phương quản lý các tuyến đường giao thông đi qua địa bàn, như quốc lộ đi qua tỉnh nào thì giao cho tỉnh đó quản lý, tỉnh lộ qua huyện nào thì giao cho huyện đó trực tiếp quản lý. Như vậy vừa giải quyết, khắc phục kịp thời các trường hợp như đường hư hỏng, xuống cấp..., vừa giảm bớt gánh nặng cho cấp trên. “Đây là ý kiến rất hay, tuy nhiên nếu phân cấp thì đồng nghĩa phải cấp kinh phí, vì có tiền mới làm được. Tôi sẽ đề nghị Bộ GTVT nghiên cứu vấn đề này”, bà Ngân nói.

Trước đó, sáng cùng ngày, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đã tiếp xúc cử tri phường An Phú, quận Ninh Kiều, TP Cần Thơ.

Phát triển điện, đường, trường, trạm

Trong  hai ngày 25 và 26/11, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Trần Quốc Vượng tiếp xúc đồng bào, cử tri nhiều xã vùng miền tây tỉnh Yên Bái. Tại các huyện Trạm Tấu và Văn Chấn, nhiều cử tri kiến nghị nâng cấp cơ sở hạ tầng giao thông nông thôn, lưới điện, chấn chỉnh khai thác khoáng sản, bảo vệ môi trường, cơ cấu về nông nghiệp, bổ sung trang thiết bị cho các nhà văn hóa tại một số xã đặc biệt khó khăn. Cử tri cũng đề nghị Đảng, Nhà nước và Quốc hội quan tâm hỗ trợ nguồn vốn bảo vệ rừng theo Chương trình 30a của Chính phủ và Chương trình phát triển lâm nghiệp bền vững; hỗ trợ nguồn vốn xây dựng các mô hình phát triển kinh tế giúp đồng bào vùng cao xóa đói, giảm nghèo.

 Thường trực Ban Bí thư Trần Quốc Vượng khẳng định Đảng, Nhà nước vẫn tiếp tục quan tâm đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng điện, đường, trường, trạm cho đồng bào vùng cao, luôn dành các chính sách ưu tiên cho đồng bào các dân tộc thiểu số, vùng đặc biệt khó khăn phát triển kinh tế, vươn lên xóa đói, giảm nghèo. Ông Vượng đề nghị cán bộ, đảng viên, giáo viên, cán bộ thôn bản nêu cao gương mẫu, thể hiện trách nhiệm trước nhân dân, hăng hái đi đầu trong xây dựng nông thôn mới, giúp đỡ đồng bào đưa các giống cây, vật nuôi và ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, xây dựng đời sống mới, tích cực trồng rừng, bảo vệ rừng…

Coi trọng vai trò giám sát của người dân

Ngày 26/11, ông Võ Văn Thưởng, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương tiếp xúc cử tri tại huyện Vĩnh Cửu và thành phố Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai.

Cử tri kiến nghị rất chính đáng, ý kiến rất hay ảnh 1 Ông Võ Văn Thưởng trao đổi với bà con tại buổi tiếp xúc cử tri ở huyện Vĩnh Cửu ngày 26/11

Cử tri bày tỏ phấn khởi trước những thành tựu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước thời gian qua. Đồng thời, kiến nghị một số nội dung về tình trạng xây dựng trái phép diễn ra tràn lan; bất cập trong thực hiện chính sách đối với người có công ở địa phương.

 Về công tác phòng chống tham nhũng, xử lý cán bộ sai phạm, cử tri cho rằng, ở cấp Trung ương, việc này rất được quan tâm, xử lý nhiều vụ việc, qua đó góp phần củng cố lòng tin của nhân dân đối với sự lãnh đạo của Đảng. Tuy nhiên, ở địa phương, vấn đề phòng chống tham nhũng chưa có chuyển biến rõ nét cần đẩy mạnh chống tham nhũng mạnh ở địa phương, góp phần làm trong sạch bộ máy.

Đối với vấn đề thuộc thẩm quyền của địa phương, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương đề nghị các cơ quan liên quan của tỉnh Đồng Nai rà soát, xem xét từng trường hợp cụ thể, giải quyết thấu đáo cho người dân. “Những việc chính quyền làm đúng pháp luật nhưng người dân chưa hiểu thì cần giải thích đầy đủ, trường hợp cơ quan chức năng làm sai thì không được né tránh, phải kịp thời sửa chữa. Thời gian tới, Đồng Nai cần quan tâm hơn nữa đến công tác tiếp công dân”, ông Thưởng nói. Trong công tác đấu tranh phòng, chống tiêu cực, tham nhũng, Đảng, Nhà nước rất quan tâm, thực hiện một cách quyết liệt; phát hiện đến đâu, xử lý tới đó, không có vùng cấm. Người đứng đầu Ban Tuyên giáo Trung ương khẳng định “không có khái niệm hạ cánh an toàn, không có chuyện khi đương chức làm sai về hưu thì hòa cả làng”.

Ông Thưởng dẫn chứng: “Từ đầu nhiệm kì đến nay đã xử lý rất nghiêm khắc, xử lý từ Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên T.Ư Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, đến Bộ trưởng, Thứ trưởng. Xử lý từ đương chức đến về hưu, về hưu rồi phát hiện ra sai phạm cũng bị xử lý, không có khái niệm hạ cánh an toàn. Trong quân đội, trong công an, những lĩnh vực trước tới giờ ít thấy xử lý thì bây giờ xử lý”.

Tại 2 điểm tiếp xúc cử tri, ông Thưởng cho rằng, công tác phòng chống tham nhũng cần vai trò giám sát của người dân. Bởi người dân chính là những người nắm rõ cán bộ, đảng viên trên địa bàn mình; biết được ai có biểu hiện tiêu cực, tham nhũng. Khi người dân tăng cường giám sát thì công việc này sẽ đạt hiệu quả tốt hơn, cao hơn.

MỚI - NÓNG
Tiền công đức: Đã dần minh bạch thu, chi
Tiền công đức: Đã dần minh bạch thu, chi
TP - Thông tin từ Bộ Tài chính cho hay, đến nay có khoảng 40 địa phương gửi báo cáo thu chi tiền công đức. Theo đó, điểm nhấn là nhiều địa phương có số thu tiền công đức rất cao, lên tới 200-400 tỷ đồng/năm. Tuy nhiên, việc chi tiền công đức cũng đang cho thấy có khá nhiều bất cập khi mỗi nơi làm theo một kiểu. Trong khi có nơi xin giữ lại để tu bổ di tích, có chỗ nguồn thu lại được để dùng cho từ thiện.