Cửa biển nuốt tàu

Cửa biển nuốt tàu
TP - 30 con tàu đã tan xác, hàng trăm con tàu bị hư hỏng tại cửa biển Sa Huỳnh (Đức Phổ, Quảng Ngãi). Ngư dân chán ngán gọi bằng cái tên “ông cửa biển bẫy tàu”.
Nỗ lực cứu tàu khỏi bờ kè quá nguy hiểm Ảnh: L.V.C
Nỗ lực cứu tàu khỏi bờ kè quá nguy hiểm Ảnh: L.V.C.

Bờ kè ghè tàu cá

Mờ sáng ngày 29-10, con tàu QNg 44342 TS của ngư dân Nguyễn Ngọc Minh (37 tuổi) chở 3 ngư dân ra biển đánh cá. Cửa biển thì rộng, nhưng đường ra chỉ có mỗi con lạch nhỏ nằm sát chân kè đá. Chỉ một sơ suất, tàu sẽ bị sóng hất đập vào kè vỡ tan.

Mỗi con tàu thường chỉ một người lái, còn ở Sa Huỳnh cần hai người vì sợ “ông cửa biển bẫy tàu”. Ông Minh cầm bánh lái, ông Hoàng ra sau ôm cần lái sẵn sàng hỗ trợ bẻ lái, nếu tàu bị ép sát kè đá. Nhưng rồi một cơn sóng lớn đã ập con tàu vào kè, ông Sáu, một ngư dân bị văng ra khỏi tàu rơi tõm xuống nước. Ông vùng vẫy hồi lâu mới thoát chết và bò lên kè đá. Hai ngư dân vội nhảy khỏi tàu bơi nhanh vào bờ. “Chỉ trong vòng 10 phút, tàu bị đập vào kè đá nát như tương”- ông Minh xót xa rơi nước mắt kể lại.

Chiếc tàu và tài sản trị giá 160 triệu đồng tan vào sóng dữ. Con tàu này ông Minh vừa vay tiền mua về làm ăn được 8 tháng thì phải trả lại biển. Đối với ông Minh, chờ biển ngớt sóng thì tháo máy mang về. Bà Xấu, vợ ông Minh lăn lộn khóc lóc, bởi nợ chưa hoàn, giờ đã lâm cảnh trắng tay. Vậy mà tài sản là một đống gỗ vụn tại cửa biển.

Trong cơn mưa dày đặc, những người đàn bà là mẹ, vợ con các ngư dân lầm lũi đi nhặt từng mảnh xác tàu. Nước mắt của họ hòa với nước mưa và sóng biển mặn chát tạt vào bờ.

Thuyền trưởng Nguyễn Ngọc Minh bên xác con thuyền bị bờ kè đánh nát vụn
Thuyền trưởng Nguyễn Ngọc Minh bên xác con thuyền bị bờ kè đánh nát vụn.

Trên bờ, một cán bộ đồn biên phòng Sa Huỳnh cho biết: “Bình quân mỗi năm cửa biển Sa Huỳnh đập nát 3 tàu. Những tàu cá may mắn thoát nạn nhưng bị hư hỏng thì kể đến hàng trăm”. Một cán bộ trạm kiểm soát biên phòng Sa Huỳnh đưa ra danh sách tàu bị nạn. Danh sách dài ra từng ngày. Những con tàu bị nạn đều ghi chú thích: “Bị đánh vỡ hoàn toàn, không có khả năng phục hồi”.

Quẫn trí vì mất tàu

Nghe tin lại có tàu cá bị đập nát, ngư dân Lê Min (56 tuổi), hớt hải chạy ra bãi biển. Cách đây vài năm, ông Min là thuyền trưởng của một con tàu giã cào. Trắng tay vì tàu va vào kè vỡ tan, ông giải nghiệp sớm.

Mất tàu, ông Min trở thành người quẫn trí. Hàng ngày, nguồn sống của gia đình ông chỉ chờ vào sự tần tảo của người vợ. Thỉnh thoảng, ông Min chỉ tay bâng quơ ra cửa biển la to: “Tàu mình, tàu mình về đó bà!”. Đứa con lớn phải bỏ học, đi biển. Vợ ông Min lam lũ quần quật tối ngày nuôi ông chồng đãng trí.

Trung tá Lê Văn Đình, đồn trưởng đồn biên phòng Sa Huỳnh cho biết, gần 1.000 tàu cá của ngư dân Sa Huỳnh đã ly hương. Không ai dám về quê làm ăn vì cửa lạch quá nguy hiểm.

Bà Nguyễn Thị Sáu, vợ một ngư dân bị mất tàu ở cửa biển, kể: “Hôm đó chồng tôi đi biển về nói: Tàu đập vô kè tiêu rồi bà ơi. Tôi chạy ra kè thì chỉ lôi được vài tấm ván”. Bà Sáu ngã dúi xuống bãi cát. Quần áo, mặt mày của bà toàn cát. Gần cả đời, hai vợ chồng sắm được con tàu. Nợ dầu mỡ, lưới chài chưa trả. Nay tàu mất thì trở thành con nợ.

Đó là hai trong rất nhiều gia đình bị khánh kiệt vì “ông cửa biển bẫy tàu”. Không chỉ bẫy tàu, cửa biển này còn bẫy người. Có một ngư dân bỏ mạng vì tàu chìm, không bơi kịp vào bờ trong cơn sóng dữ.

Ngày trước cửa lạch Sa Huỳnh có gần 1.000 tàu thuyền. Hàng ngày, những con tàu tấp nập vào bến. Giờ đây, cửa lạch Sa Huỳnh đã thành cửa biển chết. Ngư dân thắc mắc: Cửa biển đã đầu tư nhiều tỷ đồng, sửa chữa nhiều lần nhưng vẫn gây tai nạn cho tàu cá. Nếu quy trách nhiệm thì ai chịu?

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG