Cửa Búng - Búng ra... lửa

Cửa Búng - Búng ra... lửa
TP - Rất vất vả chúng tôi mới tìm được tuyến đường mòn để vào xã Thạch Ngàn, một trong những vùng núi xa nhất của huyện Con Cuông, Nghệ An. Mới mười một giờ trưa mà bản làng nhà nhà cửa đóng then cài, vắng tanh không một bóng người để hỏi đường đi.

>> Về nơi nóng nhất Đông Dương

Cửa Búng - Búng ra... lửa ảnh 1
Ra bất cứ chỗ nào có nước chỉ để mong hạ nhiệt Ảnh: Tiến Dũng

Tôi, một mình chạy trên con đường mòn dài đầy bụi cuốn theo gió phơn tây nam (gió Lào) bay mù mịt. Hơn mười hai giờ trưa mới có mặt ở bản Cửa Búng, thuộc xã Thạch Ngàn. Suốt tuyến đường dài hàng chục cây số đường rừng này mới xuất hiện một quán nước ven đường để vào nghỉ ngơi chốc lát.

Những tưởng, vào đây để tránh được chút  nắng gay gắt, nào ngờ túp lều của gia chủ giống như một lò thiêu. “Ở đây chưa có điện phải không bác?”, tôi hỏi.

Ông chủ nhà có tên là Vi Viết Lượng đang đánh trần nằm trên lán ngồi dậy cười và nói: “Bản làng ta ở nơi khỉ ho cò gáy này làm gì có điện. Mấy hôm nay cả nhà tôi cùng con cháu phải dắt nhau đi vào khe ở trong rừng trú nóng”.

 Bản Cửa Búng được tách ra từ bản Kẽ Gia, có tất cả 15 hộ dân đều là người dân tộc Thái sinh sống.

Cách bản Cửa Búng không xa, vài ba dãy nhà sàn nhỏ của bản Tân Sơn cũng nằm chơ vơ giữa đồi núi trọc lóc. Được biết, đây là bản mới của người Đan Lai mới được nhà nước di dời từ trong khe Khặng, thuộc xã Môn Sơn - Lục Dạ ra tái định cư ở đây.

Ông La Giang Sơn, người dân tộc Đan Lai chặc lưỡi, lắc đầu khiếp đảm vì nắng nóng. Ngày trước còn ở bản cũ, mỗi khi mùa nóng đến bà con rủ nhau xuống khe Khặng và sông Giăng. Nơi đó thật nhiều hốc đá và bóng mát, vừa trú nắng vừa mò tôm, bắt cá có thức ăn.

Bây giờ ra Thạch Ngàn nắng nóng không biết trốn đi đâu, bà con chỉ  còn cách đóng cửa ngồi trong nhà sàn, nhưng nhà được dựng lên giữa đồi núi trọc lóc này thì nóng thật là kinh hoàng.

Khoảng bốn giờ chiều, nắng nóng vẫn táp vào mặt người như lửa đốt. Khi đó dân bản Tân Sơn mới bắt đầu ra khỏi nhà, người lớn vào rừng phát nương làm rẫy, trẻ con ra khe suối tìm con ốc, con sên về dùng bữa trong gia đình.

Cách thị trấn Hòa Bình chưa đầy hai cây số ngược về phía tây là đến địa phận Cửa Rào, đây chính là thượng nguồn sông Lam (sông Cả) bắt nguồn bởi hai con sông Nậm Nơn và Nậm Mộ đổ về. Trưa đứng trên cầu Cửa Rào không có một bóng người. Dọc QL7 từ thị trấn Hòa Bình đến đây cũng vắng tanh.

Chị Nguyễn Thị Thủy, dân Thạch Giám cho biết, mấy năm gần đây, ngã ba Cửa Rào thường nhộn nhịp, nhất là từ khi xây dựng công trình thủy điện Bản Vẽ và Khe Bố, hơn nữa đây là điểm dừng chân nghỉ ngơi cho các tuyến xe đường dài như Hà Nội, Vinh hoặc Lào.

Nhưng về mùa nắng nóng này không ai  dừng chân lại đây mà chạy tuột về hoặc dừng lại ở Vườn Quốc gia Pù Mát thuộc huyện Con Cuông để trú nắng.

Từ xưa tới nay, hầu hết bà con dùng nước sông Lam để sinh hoạt. Nhưng mấy năm gần đây, nước sông luôn đục ngầu vì nạn khai thác vàng sa khoáng từ trên thượng nguồn đổ về. Để có được nước sạch sinh hoạt, nay bà con phải đi bộ vào tận rừng sâu để tìm nước khe.

Tuy nhiên, vì nắng nóng kéo dài nên nhiều khe suối ở vùng núi Tương Dương cũng đang dần khô cạn.  Dọc bờ sông Lam theo tuyến QL7, chiều đến, khúc sông giống như một bãi biển du lịch rất đông người ngâm mình dưới nước, dẫu nước sông đục ngầu cuồn cuộn chảy.

MỚI - NÓNG