Của ngon miền đất

Gà Hồ. Ảnh: facebook Gà Hồ
Gà Hồ. Ảnh: facebook Gà Hồ
TP - Việt Nam được đánh giá là một trong những cái nôi thuần hóa gia súc, gia cầm của loài người. Thế nhưng, nhiều sản vật quý đã mất đi.

Trong khi, nguồn gen bản địa là tài sản quý, như lời ông Keith Hammond- chuyên gia của tổ chức Nông lương quốc tế (FAO): “Sự đa dạng vật nuôi là duy nhất và không thể thay thế, ngành công nghệ sinh học mới mẻ cải tiến giống đến đâu chăng nữa thì vẫn không thể thay thế được sự đa dạng đã mất”.

Những giống, những nguồn gen này năng suất thấp nhưng mang những đặc điểm quý: thịt thơm ngon, chịu đựng kham khổ, thích nghi với điều kiện sinh thái nơi nó sinh ra… Bảo tồn, lưu giữ nguồn gen vật nuôi là vấn đề cấp bách toàn cầu. Sự tuyệt chủng nhiều giống vậy nuôi đã được báo động khẩn cấp.

Từ năm 2011 - 2013, có 74 nguồn gen được đưa vào danh sách cần bảo tồn lưu giữ, trong đó,một số nguồn gen đã được đưa ra nhân rộng như gà Mông, vịt cỏ, Cừu Phan Rang, Lợn Móng Cái

Từ những năm 1990, Bộ Khoa học - Công nghệ đã giao cho Viện Chăn nuôi thực hiện chương trình bảo tồn nguồn gen vật nuôi. Gần đây, Bộ NN- PTNT trong chương trình giống vật nuôi, cây trồng đã coi việc bảo tồn nguồn gen là một bộ phận quan trọng nhằm thúc đẩy sản xuất, góp phần đảm bảo một nền nông nghiệp bền vững.

Từ năm 2001 - 2013, có 74 nguồn gen được đưa vào danh sách cần bảo tồn lưu giữ, trong đó, một số nguồn gen đã được đưa ra nhân rộng như gà Mông, vịt cỏ, cừu Phan Rang, lợn Móng Cái... Nhiều nguồn gen được cứu khỏi tình trạng tuyệt chủng: lợn ỉ, lợn Ba Xuyên, gà tè, vịt Bầu Bến, vịt Kỳ Lừa…

Viện Chăn nuôi cũng đã bổ sung 20 nguồn gen vật nuôi mới phát hiện, đưa vào khai thác, và phát triển 23 nguồn gen, cho lai tạo 17 nguồn gen bản địa với các nguồn gen nhập nội.

Theo các nhà chăn nuôi, nguồn gen đặc trưng của VN là gà Ri, gà Đông Tảo, gà Mía, gà Chọi, gà Mông, gà Hồ, lợn Móng Cái, bò Mông, ngựa Bạch.

Của ngon miền đất ảnh 1

Bò Mông trong hội thi bò Cao Bằng. Ảnh: dbrbcaobang.com

Từ năm 2001 – 2013, có 74 nguồn gen được đưa vào danh sách cần bảo tồn lưu giữ, trong đó, một số nguồn gen đã được đưa ra nhân rộng như gà Mông, vịt cỏ, cừu Phan Rang, lợn Móng Cái...

Cách lợn Mẹo 500m mà bó tay

Các kỹ sư ở Viện Chăn nuôi nhớ mãi chuyến đi kiểm tra bảo tồn nguồn gen lợn Mẹo tại Kỳ Sơn, Nghệ An. Kỳ Sơn là một huyện miền núi vùng cao, địa hình chia cắt phức tạp. Chuyến đi thực hiện vào tháng 8/2012, đoàn đi gồm TS Phạm Công Thiếu-chủ nhiệm nhiệm vụ Bảo tồn, lưu giữ nguồn gen vật nuôi, TS Hoàng Thanh Hải - thư ký và KS Lê Thị Bình.

Của ngon miền đất ảnh 2

Lợn Mẹo.

Tháng 7, tháng 8 hằng năm ở miền Trung thường mưa bão và lũ lụt. Chuyến công tác đúng vào thời điểm hậu lũ. Vào đến thị trấn Mường Xén của huyện Kỳ Sơn thì chị Mai - Trưởng trạm Thú y huyện thông báo đường vào xã Tây Sơn không đi được ô tô vì đường bị sạt lở. Chị Mai giúp đoàn thuê xe ôm. Những chiếc xe Minsk chồm lên chồm xuống 12km, đưa cán bộ chăn nuôi vào xã Tây Sơn. Nhưng đến được UBND xã cũng là con đường nhựa cuối cùng của cung đường. Đành đẩy xe, đi bộ vào bản.

Được khoảng 5km đường đất, cả đoàn bỏ xe lại ven đường, và khoảng 4km tiếp theo vừa leo núi, vừa trèo đèo lội suối để đến trại nuôi bảo tồn lợn Mẹo trên đỉnh núi. Một người trong đoàn quá mệt nên chỉ còn khoảng cách 400-500m là đến trại nuôi lợn mà không thể nào leo được nữa, đành đứng dưới chân núi đợi đồng nghiệp xuống để đi sang trại khác.

Của ngon miền đất ảnh 3

Lợn Mẹo được đem bán ở chợ Cao Bằng. Ảnh: Bruno Barbey

Lợn Mẹo được người Mông nuôi, có tầm vóc khá lớn, trường mình, phát triển cân đối. Lông da màu đen, da dày, lông dài và cứng, thường có 6 điểm trắng ở 4 chân, trán và đuôi, một số có loang trắng ở bụng. Phần hông rộng và phẳng, mông rộng và mông thường cao hơn vai. Chân lợn cao, thẳng, đi đứng trên hai ngón trước. Tầm vóc to, thể hình cứng cáp, bốn chân đứng thẳng là đặc điểm nổi bật của giống lợn này, và rất hiếm thấy trong các giống lợn nước ta. Lợn Mẹo đã được bảo tồn thành công ở Nghệ An.

Đi tìm gà không phao câu

Cách đây gần chục năm, cán bộ Viện Chăn nuôi có nghe rằng ở Cao Bằng có giống gà không phao câu rất lạ, chuẩn bị đưa vào bảo tồn thì điều kiện thời tiết khắc nghiệt và dịch bệnh đã hủy diệt giống gà này. Tưởng đã mất nó vĩnh viễn, nhưng đầu năm 2013, lại có thông tin cho biết ở vùng sâu của tỉnh Cao Bằng vẫn còn giống gà không phao câu. Đoàn lên đường. Vượt qua nhiều rừng núi, nhiều ngày mới đến huyện Hòa An. Từ trụ sở UBND xã Đức Xuân đi bộ vào các hộ gia đình nuôi gà mất hơn 1 tiếng đồng hồ. Cả xã có 95 hộ dân (15 hộ dân tộc Nùng, 80 hộ dân tộc Mông), thì chỉ còn 60 con gà không phao câu, mà người dân bản địa gọi là gà Cúp hay gà cáy củm.

Của ngon miền đất ảnh 4

Gà cáy củm. Ảnh: T.Hải

Gà cáy củm đã được nuôi từ lâu đời tại xã Đức Xuân và Ngũ Lão (huyện Hòa An) và xã Lưu Ngọc (huyện Trà Lĩnh, Cao Bằng), và rải rác tại một số xã thuộc huyện Hoàng Su Phì (Hà Giang), từng được dùng cúng lễ cầu may mắn và là vật linh thiêng trong nhà người Mông. Hiện, giống gà này giảm số lượng và chỉ được nuôi xen kẽ ít ỏi ở các hộ người Mông, vì theo quan niệm của người địa phương, những ngày giỗ, tết phải ăn và biếu bố mẹ, khách quý gà trống thiến to béo. Gà cáy củm không đạt yếu tố thẩm mỹ.

Các nhà chăn nuôi tìm hiểu ban đầu thì hóa ra gà Cúp có phao câu, nhưng là phao câu chìm, vẫn có khả năng sinh sản và phát triển tốt, mỗi lứa đẻ 10 - 12 quả, tỷ lệ phôi và kết quả ấp nở giống như các giống gà nội khác của địa phương.

Đặc biệt, ở xã Lộc Thành, TX Bảo Lộc, tỉnh Lâm Đồng cũng có gà cáy củm. Hóa ra, trong quá trình di cư làm kinh tế mới, người Nùng Cao Bằng mang gà theo. Gà có màu lông đa dạng: nâu, xám, trắng có sọc đen, ánh xanh cánh sả, mào dâu, chân vàng và đặc biệt lông đuôi cúp xuống (vì phao câu không lồi ra). Gà cáy củm trống nặng 2 - 2,5kg, mái nặng 1,5 - 2kg khi trưởng thành.

Khi biết Viện Chăn nuôi có kế hoạch bảo tồn gà cáy củm, người dân rất vui. Giống gà này cũng đã được nuôi tại trung tâm giống của tỉnh Cao Bằng. “Tôi chưa ăn thử, nên không biết thịt gà cáy củm ngon đến mức nào. Nhưng chắc chắn là ngon hơn gà nuôi theo phương thức công nghiệp” - TS Hoàng Thanh Hải, trưởng bộ môn đa dạng sinh học Viện Chăn nuôi, nói.

Tiếc cho lợn Mường Tè và bò Bảy Núi

Từ năm 2005 đến nay, đã có hai dự án, một đề tài của Việt Nam, Pháp và UNDP nhằm điều tra tìm kiếm thu thập nguồn gen vật nuôi của VN còn tiềm ẩn tại lòng hồ thủy điện Sơn La, tại tỉnh Hà Giang và trên phạm vi cả nước. 

Của ngon miền đất ảnh 5

Bò Bảy Núi vẫn chưa được nghiên cứu về nguồn gen. Ảnh: Quốc Phương

“Nhiều nguồn gen, rất tiếc, không được bảo tồn vì điều kiện địa lý cách trở và nguồn kinh phí eo hẹp”.

TS Hoàng Thanh Hải - Trưởng bộ môn Đa dạng sinh học Viện Chăn nuôi

Những cuộc điều tra này đã tìm ra giống gà lông xước ở vùng cao Hà Giang (lông toàn thân luôn xù lên), gà lông mượt (toàn thân gà từ lúc nhỏ đến khi trưởng thành đều phủ lông tơ mịn như gà con mới nở), lợn hung (Hà Giang), gà mán (Mường Nhé, Điện Biên) chân to đùi dài, vịt sín chéng (Si Ma Cai, Lào Cai), lợn lửng Phú Thọ, gà bánh lái Kon Tum đuôi to như bánh lái của tàu thủy, lợn lang Chư Prông (Gia Lai), gà nòi miền tây… Từ các công trình và đề tài đó, năm 2010, Bộ NN&PTNT chính thức đặt ra nhiệm vụ hằng năm tìm kiếm nguồn gen VN tiềm ẩn.

TS Hải nói: “Nhiều nguồn gen, rất tiếc, đành bỏ ra ngoài chương trình bảo tồn vì điều kiện địa lý cách trở và nguồn kinh phí eo hẹp. Tất nhiên, khi rút chúng ra khỏi chương trình, chúng tôi khuyến cáo địa phương là nên giữ lại.

Lợn đen Mường Tè (Lai Châu) là một ví dụ. Lợn có đầu to, mặt thẳng, mõm dài, thân hình to lớn rất đẹp, có những con nặng 2,4 tạ, và chúng khác hẳn các giống lợn hiện có tại VN. Dù không được bảo tồn nhưng tôi khẳng định chúng vẫn đang tồn tại trong dân.

Rồi giống bò Bảy Núi An Giang vốn thân thuộc với người dân Nam bộ, và đã đi vào truyền thống với những cuộc đua mang tinh thần thượng võ. Nhưng, đến nay chưa ai phân tích kỹ nguồn gen và đặc điểm của bò Bảy Núi. Phải chờ một công trình nghiên cứu hoặc một luận văn, luận án mới biết nhiều hơn rõ hơn về giống bò này”.

MỚI - NÓNG
Tiền công đức: Đã dần minh bạch thu, chi
Tiền công đức: Đã dần minh bạch thu, chi
TP - Thông tin từ Bộ Tài chính cho hay, đến nay có khoảng 40 địa phương gửi báo cáo thu chi tiền công đức. Theo đó, điểm nhấn là nhiều địa phương có số thu tiền công đức rất cao, lên tới 200-400 tỷ đồng/năm. Tuy nhiên, việc chi tiền công đức cũng đang cho thấy có khá nhiều bất cập khi mỗi nơi làm theo một kiểu. Trong khi có nơi xin giữ lại để tu bổ di tích, có chỗ nguồn thu lại được để dùng cho từ thiện.