Cục Hàng không kết luận: Ông Khương có gây rối

Cục Hàng không kết luận: Ông Khương có gây rối
TP - Chiều tối 18-5, Cục Hàng không Việt Nam (HKVN) thông báo kết luận vụ võ sư Lê Minh Khương bị áp giải xuống máy bay. Theo đó, có 6 nội dung chính được kết luận.

> Võ sư Khương có thể bị phạt một đến ba triệu đồng

Hiện trường được dựng lại trên máy bay Boeing thật Ảnh: CTV
Hiện trường được dựng lại trên máy bay Boeing thật. Ảnh: CTV.

Kết luận khẳng định, hành khách Lê Minh Khương có hành vi gây rối trên chuyến bay, vi phạm Điều 16 của Nghị định 81 về an ninh hàng không dân dụng, cần phải được xử phạt vi phạm hành chính.

Hành vi của ông Khương làm ảnh hưởng quyền lợi của các hành khách khác trên chuyến bay, gây thiệt hại cho Vietnam Airlines (VNA). Việc đánh mất thẻ lên máy bay của ông Khương (nếu có) cũng không thể biện hộ cho hành vi gây rối, làm mất kỷ luật trật tự trên (máy bay).

Tiếp viên đã xử lý một cách lịch sự, phù hợp, bảo đảm quyền lợi của hành khách. Việc đánh mất thẻ lên máy bay của ông Khương (nếu có) cũng hoàn toàn không ảnh hưởng đến quyền lợi (của ông Khương) vì ông vẫn được vận chuyển, và tiếp viên đã thuyết phục ông sẽ in lại thẻ cho ông tại sân bay Tân Sơn Nhất.

Các nhân chứng đều xác nhận hành vi đúng mực của tiếp viên. Việc tiếp viên báo cáo tình hình hành khách gây rối với cơ trưởng là chính xác, phù hợp với quy định của pháp luật.

Cơ trưởng quyết định cho máy bay quay lại sân đỗ là chính xác, phù hợp với quy định của pháp luật. Bởi hành vi của ông Khương khiến máy bay không đủ điều kiện an ninh, an toàn để cất cánh, phải quay lại sân đỗ. Giai đoạn cất cánh và hạ cánh là hai giai đoạn trọng yếu nhất về an toàn của chuyến bay, đòi hỏi tất cả hành khách và tổ bay phải ngồi, thắt dây an toàn; tổ bay phải tập trung cao độ để điều khiển tàu bay và kịp thời xử lý sự cố.

Việc cưỡng chế của nhân viên an ninh là cần thiết, phù hợp với quy định của pháp luật. Cục HKVN khuyến cáo nhân viên mặt đất và tiếp viên phải rút kinh nghiệm về quy trình kiểm tra thẻ lên tàu bay của hành khách dừng giữa hành trình. Cục HKVN khuyến cáo nhân viên mặt đất cần phải rút kinh nghiệm về hành vi chỉ bộ đàm vào mặt hành khách.

Đối với ngành Hàng không, vấn đề bảo đảm an ninh, an toàn của chuyến bay luôn được đặt lên hàng đầu.

Chuyến bay không thể được thực hiện khi có hành khách không chịu chấp hành hướng dẫn, yêu cầu của tổ bay; hành khách không thể vì bất kỳ lý do gì để thực hiện hành vi gây rối trên máy bay và trong trường hợp như vậy phải được đưa xuống (khỏi máy bay) nhằm bảo đảm an toàn chuyến bay, giữ tâm lý ổn định của tổ bay, bảo đảm quyền lợi hợp pháp của các hành khách khác.

An ninh được phép dùng dụng cụ thị uy

Trao đổi với Tiền Phong về quá trình xác minh, kết luận vụ việc, ông Lại Xuân Thanh, Cục phó HKVN, cho biết: Về quy trình phục vụ, cần nhắc lại thời điểm khi máy bay VNA phải hạ cánh xuống sân bay Đà Nẵng vì lý do bất khả kháng (do thời tiết-PV) và hành khách Lê Minh Khương yêu cầu xuống. Có thể khẳng định, tiếp viên và nhân viên mặt đất đã thực hiện đúng quy trình.

Theo đó, họ đã nhận thẻ lên máy bay (kiểm tra hành lý theo yêu cầu đồng bộ hành khách và hành lý). Chúng tôi làm việc với võ sư Khương và chính hành khách này cũng khẳng định đưa một thẻ lên tàu bay cho tiếp viên. Còn nhân viên mặt đất đã nhận thẻ và trả lại cho khách nhưng là thẻ số ghế 37J (thẻ của bố võ sư Khương, thẻ lên máy bay của võ sư Khương là 37K).

Rõ ràng, việc trao đi, đổi lại chỉ có 1 thẻ. Về nguyên tắc, những người làm nhiệm vụ phải kiểm tra 2 thẻ, nhưng sao lại chỉ đòi kiểm tra có 1 thẻ? Những người liên quan phải rút kinh nghiệm về việc này. Từ đây, Cục HKVN không xác định được số lượng thực tế là 1 hay 2 thẻ lên máy bay. Nói điều này để lý giải việc võ sư Khương khẳng định mọi diễn biến xuất phát từ nguyên nhân không trả thẻ cho ông.

Cũng theo ông Thanh, các nhân chứng đều xác nhận các tiếp viên xử lý tình huống đúng. Võ sư Khương gây rối thế nào? Ông Khương có quyền đòi hỏi nhưng không đúng lúc (khi máy bay đang lăn bánh chuẩn bị cất cánh).

Nhân chứng kể lại rằng, thời điểm đó, ông Khương còn nói với bố mình: “Bố có thể về chỗ vì bố có thẻ, còn con ngồi lại đây (khoang thương gia, trong khi chỗ ngồi theo thẻ lên máy bay phải ở khoang hạng thường). Võ sư Khương đã làm cho điều kiện cất cánh khó khăn (giai đoạn nhạy cảm nhất của một chuyến bay là cất, hạ cánh), thời điểm mà ngay chính cả tiếp viên cũng phải về chỗ ngồi thắt dây an toàn. Phi công lúc đó đã phải chờ mất 10 phút (để giải quyết sự việc) ở đầu đường băng nên đã huỷ cất cánh, quay về chỗ đỗ máy bay.

Rõ ràng, hành vi của vị khách này không tuân thủ sự hướng dẫn của của tiếp viên (đòi thẻ và nói to), gây ảnh hưởng tới chuyến bay, quyền lợi của hành khách khác và lợi ích của hãng bay. Đáng lý có thể ghép vào lỗi cản trở giao thông hàng không, nhưng Cục HKVN xét thấy võ sư Khương không ý thức được việc này nên quy vào hành vi gây rối.

Theo ông Thanh, quá trình cưỡng chế, không phải an ninh hàng không được báo là lên máy bay ngay. Chỉ tới khi cơ trưởng yêu cầu, bộ phận này mới có mặt trên máy bay. An ninh vào và 3 lần yêu cầu hành khách gây rối xuống đất, nhưng có lẽ võ sư Khương lúc đó nhận thức mình không có lỗi, nên không xuống.

Cần phải nói rõ, thời điểm đó, an ninh không có quyền phân xử trên máy bay, đúng sai thế nào xuống mặt đất. Ba lần yêu cầu không được thì phải cưỡng chế, mà đương nhiên đã cưỡng chế phải dùng sức. Võ sư đã kháng cự (tóm rèm, kéo ghế, ghì người…).

Có 2 nhân chứng cho biết, anh ninh có đánh nhưng dựng lại hiện trường thì họ đứng xa nơi xảy ra sự việc, không xác định dụng cụ đánh, chỉ nói có vật đen đen.

Những hành khách ngồi gần chứng kiến lại nói: Không có chuyện đánh võ sư. Giả sử nếu vật đen đen là dùi cui điện (có 3 khúc nối mềm bằng nhựa và khả năng phóng điện) có gí vào người, võ sư sẽ bị ngất. An ninh xác nhận có dùng dụng cụ để thị uy và trong trường hợp này là được phép.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG