Cúm gia cầm lại vào Hà Nội

Cúm gia cầm lại vào Hà Nội
TP - Sau khi thông tin về các ổ dịch cúm gia cầm tại xã Canh Nậu, huyện Thạch Thất (Hà Tây) và ở Đông Anh, Hà Nội chính thức được xác nhận, PV Tiền phong đã tìm hiểu tình hình tiêu thụ gia cầm, thủy cầm trên địa bàn thành phố.

Tại chợ Trung Hòa (đường Trần Duy Hưng), 4 cửa hàng bày bán gà và ngan mổ sẵn ngay cửa chợ vẫn hoạt động bình thường.

Trong vai người mua hàng, chúng tôi hỏi về nguồn gốc của số gà và ngan trên, chị bán hàng trả lời: “Gà Thạch Thất đấy, ngon lắm!”.“Nhưng cúm gà mới xảy ra tại đây?” - “Cúm đâu mà cúm! Em yên tâm đi!”.

Quan sát trong thời gian hơn 1 tiếng đồng hồ chiều qua (7/3), chúng tôi thấy khá nhiều người mua. Hầu như gà và chim bày bán ở đây đều không đóng dấu kiểm dịch.

Thậm chí, tại chợ Ngọc Hà, gần cổng Văn phòng Ban chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch cúm gia cầm, gà và thủy cầm sống vẫn bày bán ngang nhiên.

Chiều 7/3, tại chợ Hôm – Đức Viên, tình hình buôn bán gia cầm cũng không kém phần sôi động. Các quầy hàng bầy la liệt gia cầm được làm sẵn mà tịnh không có bất cứ một dấu kiểm dịch nào được đóng trên mình những con gà, ngan béo núc.

Người mua kẻ bán cũng chẳng mấy ai quan tâm trên mình con gà có dấu kiểm dịch hay không. Tại chợ Mơ, chợ Trương Định và rất nhiều khu chợ cóc khác trong nội thành Hà Nội, các hộ kinh doanh gia cầm vẫn ngang nhiên bày bán cả gà sống (gà lông), việc vốn bị cấm triệt để cho đến nay.

Đáng lưu ý, tại khu chợ cóc Kim Liên, nơi từng bị đoàn kiểm tra liên ngành của Hà Nội lập biên bản xử phạt ngày 7/1/2007 vì để các hộ kinh doanh gia cầm sống hoạt động, gia cầm sống vẫn được bày bán tràn lan. Các chủ cửa hàng ở đây vẫn hồn nhiên đảm bảo miệng với khách mua hàng rằng gà đảm bảo miễn dịch 100% với cúm gà.

Một số người dân cho biết việc giết mổ và bán gia cầm sống tại những chợ kể trên vẫn được tiến hành công khai từ nhiều tháng nay và chẳng ai thấy BQL chợ hay cơ quan thú y có ý kiến về việc này.

Tại chợ Mơ, phía bên ngoài chợ Hàng Da, trên đường Hoàng Hoa Thám và một số địa điểm khác ở Hà Nội, các cửa hàng kinh doanh chim cảnh vẫn hoạt động bình thường bất chấp lệnh cấm kinh doanh mặt hàng này của Thủ tướng Chính phủ tại các khu vực nội thị.

Chủ một cửa hàng bán chim ở chợ Hàng Da cho biết từ rất lâu rồi không thấy ai nhắc nhở hay ngó ngàng kiểm tra nên anh tưởng rằng việc buôn bán chim đã được cho phép trở lại (?!).

Trao đổi với Tiền phong, chiều 7/3, ông Đoàn Hồng Phong, Trưởng phòng dịch tễ Chi cục Thú y Hà Nội cũng thừa nhận tình trạng gia cầm sống vẫn được bày bán tại các chợ trên địa bàn thành phố.

“Từ trước và sau Tết Nguyên đán, Chi cục Thú y Hà Nội đã nhiều lần tổ chức các đội đi kiểm tra tình hình kinh doanh giết mổ gia cầm trên địa bàn thành phố và đã xử lý rất nhiều trường hợp vi phạm.

Tuy nhiên sau khi đoàn kiểm tra đi thì tình hình vi phạm lại tiếp tục diễn ra. Chúng tôi cũng biết có tình trạng gia cầm sống được bày bán tại nhiều khu chợ nhưng khi kiểm tra thì chỉ bắt được rất ít do các hộ kinh doanh tẩu tán hết”- Ông Phong nói.

Cúm gia cầm lại vào Hà Nội ảnh 1
Gia cầm sống vẫn được bán công khai bất chấp dịch tái phát tại Hà Nội

Chính thức xác nhận dịch cúm

Chiều ngày 7/3, Chi cục Thú y TP Hà Nội đã chính thức xác nhận ổ dịch cúm xảy ra ngày 4/3 làm 1.150 con gà (gồm 200 con gà ta 2 tháng tuổi, 500 con gà ta 3 tháng tuổi và 600 gà giống Ai Cập 3 tháng tuổi) của 2 hộ chăn nuôi ở thôn Hậu, xã Kim Chung, huyện Đông Anh có kết quả xét nghiệm dương tính với virus cúm H5N1.

Theo Chi cục Thú y Hà Nội, toàn bộ số gia cầm này đều chưa được tiêm phòng vaccine. Chi cục Thú y Hà Nội đã phối hợp với địa phương tổ chức tiêu huỷ toàn bộ đàn gia cầm trên, tiêu độc khử trùng ổ dịch đồng thời giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh trên gia cầm và người.

Cùng ngày, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát đã có Công điện số 16 BNN/CĐ đề nghị Chủ tịch UBND các tỉnh, TP trực thuộc T.Ư, lãnh đạo các Bộ, ngành thành viên Ban chỉ đạo quốc gia chỉ đạo các cấp ngành tổ chức thực hiện ngay các biện pháp đồng bộ phòng chống dịch theo quy định như: Tăng cường công tác giám sát dịch đến hộ gia đình nhằm phát hiện nhanh, xử lý gọn ổ dịch, không để dịch lây lan; Quản lý chặt chẽ các lò ấp con giống gia cầm và đàn gia cầm được ấp nở mới; Hạn chế sự tiếp xúc của gia cầm với chim hoang, chim di trú.

Thừa Thiên - Huế: Gia cầm chết chưa rõ nguyên nhân

Theo phản ánh của người dân thôn Thuận Hòa B, xã Hương Phong (huyện Hương Trà), trong 2 ngày trở lại đây tại gia đình bà Nguyễn Thị H, ở cùng thôn, đã xảy ra hiện tượng đàn vịt nuôi vài tháng tuổi, với số lượng gần 10 con, đồng loạt bị chết chưa rõ nguyên nhân.

Nhận được tin báo vào chiều qua (7/3), cơ quan thú y địa phương đang khẩn trương xác minh, kiểm tra nguyên nhân gia cầm bị chết để có biện pháp xử lý hữu hiệu.

Dịch lở mồm long móng lan rộng

Quảng Trị: Dịch lở mồm long móng xuất hiện đầu tiên tại Quảng Trị là ở 4 thôn Trường Thọ, Tân Trường, Trung Trường, Hậu Trường của xã Hải Trường, huyện Hải Lăng (Tiền phong số 65, 6/3 đã thông tin), đến nay-7/3, tiếp tục bùng thêm 2 điểm dịch mới ở thôn Trâm Lý (xã Hải Quy, Hải Lăng) và thôn Chấp Bắc (xã Vĩnh Chấp, Vĩnh Linh) với 10 con trâu, bò bị mắc bệnh.

Hiện cơ quan thú y đang khoanh vùng chống dịch bệnh lây loang, đồng thời hướng dẫn cho nông dân khử trùng, tiêu độc chuồng trại và tiêm phòng đàn gia súc cho các hộ quanh vùng.

Quảng Ninh: Hôm qua, 7/3 Chi cục Thú y Tỉnh Quảng Ninh cho biết vừa phát hiện một đàn lợn 13 con tại gia đình chị Nguyễn Thị Hồng trú tại thôn Khe Cạn (Đông Hải, Tiên Yên, Quảng Ninh) có dấu hiệu lâm sàng của bệnh lở mồm long móng khi 8/13 con lợn trong đàn bị viêm loét miệng, móng chân.

Ngay sau khi phát hiện ổ bệnh trên Chi cục Thú y Huyện và Tỉnh đã tiến hành tiêu huỷ các con lợn bị bệnh, tẩy trùng, tiêu độc, niêm phong và bao vây ổ dịch…Đây là trường hợp  đầu tiên dịch lở mồm long móng được phát hiện tại Quảng Ninh kể từ khi công bố hết dịch từ 8/2006…

Quảng Bình: Một tuần trước đây khi phát hiện dịch, mới chỉ có 130 con trâu bò của 3 xã thuộc 3 huyện bị mắc bệnh, đến thời điểm này, trên địa bàn cả tỉnh đã có 350 con trâu bò của 13 thôn thuộc 6 xã của 4 huyện mắc bệnh, 5 con bị chết.

Mặc dù chính quyền các địa phương và cơ quan chức năng nhập cuộc khống chế và dập dịch khẩn trương và quyết liệt, nhưng kết quả vẫn không mang lại như mong muốn. Nguyên nhân được xác định là tâm lý chủ quan, xem thường của các chủ hộ chăn nuôi gia súc. 

MỚI - NÓNG