Cúm gia cầm: Người chăn nuôi kêu cứu !

Cúm gia cầm: Người chăn nuôi kêu cứu !
Anh Trần Minh Tâm - một chủ trại gà ở phường 6 thị xã Tân An (Long An) đã kêu lên như vậy khi gặp thứ trưởng Bộ NN-PTNT - Bùi Bá Bổng tại Hội nghị bàn kế hoạch giết mổ và tiêu thụ gia cầm, do Bộ NN&PTNT vừa tổ chức tại Tiền Giang.

Ùn ứ gia cầm

TPHCM cho phép 3 doanh nghiệp (N) có đủ điều kiện để giết mổ gia cầm là Phú An Sinh, An Nhơn và Huỳnh Gia Huynh Đê thu mua gia cầm trên địa bàn TP và các địa phương lân cận để giết mổ. Các tỉnh lân cận không có cơ sở giết mổ, phải vận chuyển về TPHCM.

Tuy nhiên, chỉ với 3 cơ sở trên thì không đủ năng suất để tiếp nhận thêm gia cầm từ các tỉnh. Chính vì vậy, tình trạng dồn ứ không tiêu thụ được gia cầm tại các tỉnh phía Nam đã trở thành vấn đề bức thiết.

Anh Tâm cho biết: Thị xã Tân An hiện còn 3 trại gà với khoảng 25.000 con gà thịt đã tới tuổi đang bị "đóng băng" không tiêu thụ được. Anh đã liên hệ với những cơ sở ở TPHCM để giải quyết số gà trong trại nhưng các DN giết mổ chưa chấp nhận.

Trong đợt cúm gia cầm năm trước, anh đã tiêu hủy hàng ngàn con và bị thiệt hại đến hàng trăm triệu đồng. "Tôi cố gắng giữ đàn gà để đem sản phẩm cho xã hội nhưng bây giờ gà không bán được, mỗi ngày tôi phải bỏ ra hơn 10 triệu đồng tiền thức ăn, chưa kể tiền điện, nước, thuốc khử trùng... Tôi đang nợ ngân hàng 150 triệu đồng. Sản phẩm tôi làm ra giờ không tiêu thụ được chỉ còn biết chờ... đốt.

Tiêu hủy thì lãng phí nhưng giữ lại thì tiền đâu mà trả ngân hàng, mua thức ăn, mua con giống...".

Anh lại ngậm ngùi: "Cái nghề chăn nuôi là chết dần mòn...". Còn ông Năm Thắng, một chủ trại gà ở Vĩnh Long thì buồn rầu: "Nuôi gà chỉ biết cho... cá ăn thôi chứ bán không được. Mỗi ngày tôi phải mất 6-7 triệu tiền thức ăn. 3 tháng nay bán chưa được 50 cn gà...".

Anh Tâm, ông Nam Thắng chỉ là đại diện cho những người chăn nuôi gia cầm đang đứng trước nguy cơ phá sản. Ông Liêu Trung Ngươn - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Long An cho biết: Tỉnh còn 2 triệu con gia cầm, trong đó có 100.000 con gia cầm đã được tiêm phòng 2 mũi và đến tuổi xuất chuồng nhưng không tiêu thụ được. Trong khi đó, địa phương chưa có lò giết mổ tập trung nào.

Còn theo ông Nguyễn Văn Phòng - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang thì tỉnh vẫn còn đến 600.000 con gà và 1,3 triệu con vịt đến tuổi xuất chuồng nhưng tỉnh chỉ có 2 cơ sở giết mổ nhỏ, không thể đáp ứng được nhu cầu, trong khi chuyển về TPHCM lại không được tiếp nhận.

Tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cũng có 200.000 con gà đang đến tuổi xuất chuồng và 200.000 con vịt đẻ không có hướng giải quyết.

Trong khi người nuôi đang than trời thì các DN lại cũng than... khổ vì chi phí đầu vào quá lớn (chi để giết mổ, cấp đông, trữ đông...), trong khi đó giá bán ra trên thị trường lại thấp và hàng tiêu thụ chậm.

Theo đại diện của DN Huỳnh Gia Huynh Đệ thì "lực bất tòng tâm", DN không thể thu mua thêm từ các tỉnh bởi DN đang phải bù lỗ vì nhận bao tiêu gà của một số hộ dân tại TP với giá 18.000 - 19.000 đồng/kg, trong khi giá thị trường có 6.000 đồng/kg.

Hơn nữa, giá trữ đông hiện nay là 4.000 đồng/kg và thuê kho 1,2 USD tấn/ngày khiến cho giá gà lên vù vù. DN trữ đông sẽ không có lời, mà không trữ đông không được vì không thể nào tiêu thụ hết được trong một ngày.

Tìm hướng ra nào?

Cúm gia cầm: Người chăn nuôi kêu cứu ! ảnh 1

Nông dân Trần Minh Tâm

Theo ông Nguyễn Văn Khang - Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Tiền Giang, thì "tiêu hủy là phí phạm, gây thiệt hại rất lớn cho xã hội và người dân, bởi gà đã được tiêm phòng theo dõi rất chặt chẽ. Do đó, chúng ta phải có chính sách hỗ trợ tiền cho người dân mua thức ăn để giữ đàn trong tình hình khó khăn này.

Riêng vịt phải giảm đàn nhất vì đây là loại thả đồng, không được đăng ký và không được quản lý chặt chẽ, dễ gây lây lan dịch bệnh hơn".

Đại diện Huỳnh Gia Huynh Đệ đề nghị: Nhà nước phải dùng quỹ để hỗ trợ những nhà thu mua giết mổ. Làm như thế nào để giúp cân bằng thị trường thực phẩm, chống ô nhiễm môi trường (do khỏi tiêu hủy) và vừa phòng chống dịch. "DN có thể thu mua 10.000 đồng/kg gia cầm giúp các tỉnh nhưng phải được tỉnh hỗ trợ 5.000 đồng/kg như TPHCM thì mới có thể thực hiện được".

DN Phú An Sinh thì đề nghị Nhà nước trích một phần kinh phí trong khỏan tiền hỗ trợ tiêu hủy để hỗ trợ nhân dân tiếp tục nuôi hoạc bù giá cho DN thu mua.

Còn theo bà Ngọc Hà, đại diện DN An Nhơ thì "nếu để tình trạng tiếp tục đóng băng như thế này thì sẽ ảnh hưởng đến kinh tế và đời sống của người dân nên chúng ta chống dịch phải vừa chống vừa xây. Những sản phẩm nào an toàn, được kiểm tra chặt chẽ nên công bố cho người tiêu dùng biết và khuyến khích người dân tiêu thụ những sản phẩm an toàn này".

Ông Phan Xuân Thảo - Phó Chi cục trưởng Chi cục thú y TPHCM cũng cho biết: UBND TP đang thực hiện hỗ trợ kinh phí cấp đông cho các DN giết mổ trên địa bàn  4.000 đồng/kg gia cầm, khi DN bán ra rồi hoàn vốn lại cho TP. Mỗi ngày các DN tại TP tiêu thụ 10.000 con gia cầm và từ 900.000 - 1 triệu quả trứng.

Tuy nhiên, TP cũng đang "siết" lại điều kiện mua bán theo hướng chống dịch và vệ sinh an toàn thực phẩm. Theo đó, những nhà hàng, quán ăn có bán gà vịt phải ký cam kết và công bố xuất xứ của từng sản phẩm gia cầm.

Tuy nhiên, Thứ trưởng Bùi Bá Bổng thì cho rằng "cách thuyết phục nhất cho người dân tiêu thụ lại gia cầm là phải không có dịch nữa. Vì vậy vấn đề số 1 là chống dịch. Chúng ta phải tiếp tục củng cố công tác phòng chống dịch bởi nguy cơ dịch là rất lớn.

Vì vậy phải phòng chống dịch tốt, quyết liệt hơn nữa. Phòng chống tốt mới tính đến tiêu thụ... Đặc biệt là phải giảm đàn tối đa và chấm dứt chăn nuôi nhỏ lẻ trong thời gian sắp tới".

Ông cũng cho biết, ông sẽ trình Thủ tướng Chính phủ  xem xét các chính sách hỗ trợ đối với người thu mua, giết mổ để giải quyết đầu ra cho chăn nuôi gia cầm.

MỚI - NÓNG