Cùng cảnh sát đường thủy truy quét 'cát tặc' trên Tây Nguyên

TPO - Là tỉnh rộng lớn nhất Tây Nguyên với hơn 500 km đường sông, năm nào các lực lượng chức năng tỉnh Đắk Lắk cũng bắt giữ, xử phạt hàng trăm vụ khai thác cát sỏi trái phép, thế nhưng hiện tượng này vẫn  tiếp tục diễn ra.
Cùng cảnh sát đường thủy truy quét 'cát tặc' trên Tây Nguyên ảnh 1

Bến đò ngang Krông giữa 2 huyện Krông Ana- Lắk

Việc khai thác cát sỏi trái phép vi phạm các nguyên tắc bảo vệ môi trường và tài nguyên nhiều năm qua đã trực tiếp dẫn đến tình trạng sạt lở bờ sông, phát sinh nhiều hệ lụy, nhất là ảnh hưởng tới an toàn giao thông đường thủy, tới việc canh tác và cuộc sống bình yên của cư dân đôi bờ, gây bức xúc dư luận.

Cùng cảnh sát đường thủy truy quét 'cát tặc' trên Tây Nguyên ảnh 2 Ca nô tuần tra của đội Cảnh sát đường thủy

Thực hiện chỉ đạo quyết liệt của UBND tỉnh Đắk Lắk về “truy quét cát tặc”, chiều ngày 4/5/2019 Công an tỉnh Đắk Lắk tổ chức Hội nghị triển khai đợt cao điểm xử lý vi phạm pháp luật trong hoạt động khai thác, vận chuyển, tập kết bến bãi, kinh doanh cát sỏi trên địa bàn tỉnh.

Cùng cảnh sát đường thủy truy quét 'cát tặc' trên Tây Nguyên ảnh 3 Hội nghị tập trung thảo luận, đề ra các giải pháp khả thi để xử lý dứt điểm tình trạng khai thác cát sỏi trái phép trên các sông suối thuộc địa bàn tỉnh Đắk Lắk

Trước đó, phóng viên Tiền Phong đã được cùng tham gia tuần tra trên sông Krông Ana cùng đội Cảnh sát đường thủy (thuộc Phòng CSGT Công an tỉnh Đắk Lắk). Trên địa bàn tỉnh hiện có khoảng 1000 phương tiện giao thông thủy các loại, trong đó trên 200 phương tiện có gắn động cơ, đa số do người dân tự đóng để vận chuyển cát sỏi, nông sản theo mùa và chở người.

Thời gian qua UBND tỉnh đã cấp phép cho 20 doanh nghiệp khai thác cát sỏi trên các tuyến sông Krông Ana, Krông Nô, Krông Bông- Krông pắk , Krông Năng, EaH’leo, nhằm khai thông dòng chảy và cung ứng vật liệu xây dựng. Do để xảy ra nhiều sai phạm nên 10 doanh nghiệp trong số đó đã bị tạm đình chỉ hoặc đình chỉ, rút giấy phép khai thác.

Cùng cảnh sát đường thủy truy quét 'cát tặc' trên Tây Nguyên ảnh 4 Nhiều tàu khai thác trái phép đã bị tịch thu, bán theo giá sắt vụn

Lúc 9 giờ 41 phút ngày 3/5/2019, chiếc ca nô của đội Cảnh sát đường thủy có phóng viên cùng đi đang rẽ sóng tuần tra, đến đoạn sông chảy qua buôn Krông (xã Dur Kmăl, huyện Krông Ana) thì phát hiện một chiếc tàu đang hút cát gần bờ tại khu vực cấm trên sông Krông Ana. Đại uý Lưu Thanh Tùng, đội trưởng đội Cảnh sát đường thuỷ và cán bộ cùng đi đã lập biên bản hiện trường, đồng thời cấp báo Phòng Cảnh sát môi trường cử lực lượng cấp tốc từ TP Buôn Ma Thuột tới nơi cùng phối hợp xử lý, đã xác định được chiếc tàu này vi phạm hành chính trên cả 2 lĩnh vực.

Cùng cảnh sát đường thủy truy quét 'cát tặc' trên Tây Nguyên ảnh 5 Tàu không có bất cứ giấy tờ gì vi phạm hút cát ngay vùng cấm trên sông Krông Ana

Chiếc tàu tự đánh số 29X này của một thành viên hợp tác xã khai thác cát đã bị đình chỉ hoạt động, đang khai thác cát lậu. Số lượng cát đã hút lên tàu ước khoảng 25m3. Tại hiện trường, lái tàu Lê Tiến Hậu không xuất trình được bất cứ giấy tờ gì như chứng chỉ lái tàu, giấy chứng nhận đăng ký tàu hoặc giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường theo quy định.

Cùng cảnh sát đường thủy truy quét 'cát tặc' trên Tây Nguyên ảnh 6 Lập biên bản hiện trường tàu "cát tặc" không tên tự đánh số 29X

Được biết một trong những vấn đề bất cập, gây khó khăn cho quá trình xác lập các hành vi vi phạm với những trường hợp tương tự này, là cả tỉnh tới nay vẫn chưa có đoạn sông nào được UBND tỉnh, Sở GTVT tổ chức công bố tuyến giao thông đường thủy nội cấp cấp tỉnh, cấp quốc gia. Mặt khác, phần lớn các tàu, thuyền đang hoạt động trên các tuyến sông, hồ trên địa bàn tỉnh trước đây đều do dân đóng tự phát, không tuân thủ quy chuẩn nào về thiết kế an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường, rất khó để cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp chứng nhận đăng kiểm.

Cùng cảnh sát đường thủy truy quét 'cát tặc' trên Tây Nguyên ảnh 7 Do địa phương chưa xây dựng được các âu tàu để neo đậu, tạm giữ các loại phương tiện thủy vi phạm, nên với những con tàu có thể tích lớn, khối lượng từ vài chục tấn trở lên, việc cưỡng chế, vận chuyển phương tiện về nơi tạm giữ rất khó khăn, tốn kém.

Trong hai năm 2017-2018, các lực lượng phối hợp đã lập biên bản hơn 240 trường hợp vi phạm; ra quyết định xử phạt hơn 200 trường hợp, thu nộp Kho bạc Nhà nước gần 230 triệu đồng. Các lỗi vi phạm chủ yếu là không có bằng thuyền trưởng hoặc chứng chỉ chuyên môn lái tàu; Không có giấy chứng nhận kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường; Không có giấy chứng nhận đăng ký; Không trang bị đủ dụng cụ an toàn, dụng cụ cứu sinh; Phương tiện không đảm bảo an toàn …

Cùng cảnh sát đường thủy truy quét 'cát tặc' trên Tây Nguyên ảnh 8
 

Rõ ràng số tiền phạt thu về ngân sách không “thấm” gì so với quá nhiều hậu quả, hệ lụy mà hoạt động khai thác cát sỏi trái phép gây ra. Và ngày nào việc trồng lại rừng để điều hòa nguồn sinh thủy, bảo vệ bờ sông còn chưa được chính quyền địa phương chú ý, cùng với nạn "cát tặc", ngày đó các dòng sông đẹp đẽ trên Tây Nguyên sẽ vẫn tiếp tục bị hủy hoại, xói lở ... 

MỚI - NÓNG
Cụ bà 102 tuổi vẫn ‘hít đất’ hằng ngày, đi xe máy hàng chục cây số
Cụ bà 102 tuổi vẫn ‘hít đất’ hằng ngày, đi xe máy hàng chục cây số
TPO - Ở cái tuổi xưa nay hiếm, cụ Nguyễn Thị Kết, 102 tuổi, ở xã Long Hà (huyện Phú Riềng, tỉnh Bình Phước) vẫn vô cùng khỏe mạnh, ngồi xe máy đi hàng chục cây số, tập thể dục hít đất mỗi ngày, chinh phục được tòa nhà cao nhất Việt Nam. Cụ vẫn nhớ được hết tên cùng tính cách của toàn bộ con, cháu trong gia đình.
Hà Nội đề xuất có 4 thành phố trực thuộc
Hà Nội đề xuất có 4 thành phố trực thuộc
TPO - Theo định hướng đến năm 2050, Thủ đô có hai TP trực thuộc là Khoa học & Đào tạo Hòa Lạc với TP phía Bắc bao gồm địa giới hành chính huyện Sóc Sơn, Mê Linh và một phần Đông Anh; nghiên cứu hình thành thêm TP Du lịch ở khu vực Sơn Tây – Ba Vì và TP sân bay phía Nam ở Phú Xuyên – Ứng Hòa.