Cùng chia sẻ thành tựu phụ nữ Việt Nam trên Internet

Cùng chia sẻ thành tựu phụ nữ Việt Nam trên Internet
TPO - Nhân dịp kỷ niệm Ngày Phụ nữ Việt Nam 20/10, ngày 19/10 tại Hà Nội, Đại sứ quán Thụy Điển, UNDP, UN Women, Cộng đồng doanh nghiệp và Mạng lưới báo chí nữ công bố sáng kiến hợp tác với Wikimedia nhằm chia sẻ rộng rãi những thành tựu của phụ nữ Việt Nam.

Sáng kiến này nhằm tăng tính đại diện của phụ nữ trên Wikipedia và tăng cường bình đẳng giới trong môi trường mạng và cả ngoài xã hội.

Sự kiện hôm nay là một phần của chiến dịch WikiGap toàn cầu do Bộ Ngoại Giao Thụy Điển và Wikimedia khởi xướng. Các sự kiện tương tự đã được tổ chức tại hơn 50 quốc gia trên toàn thế giới nhằm cải thiện tính đại diện của phụ nữ trên internet, góp phần tăng cường bình đẳng giới trong xã hội. WikiGap nhằm cung cấp nền tảng cho những người tình nguyện và tất cả những ai muốn đóng góp cải thiện bình đẳng giới trên môi trường mạng.

Phát biểu khai mạc, Đại sứ Thụy Điển Pereric Hogberg nói: “Khi phụ nữ không được ghi nhận xứng đáng, chúng ta mất đi tiềm năng của một nửa dân số.  Đó không chỉ là lãng phí nguồn lực mà còn là một sự lựa chọn tồi. Wikipedia là một hình thức viết sử hiện đại. Nâng cao tính đại diện của phụ nữ, chúng ta sẽ tiếp cận với những thông tin, để có thể học tập, tiến bộ và phát triển”.

Cùng chia sẻ thành tựu phụ nữ Việt Nam trên Internet ảnh 1 Đại sứ Thụy Điển Pereric Hogberg phát biểu tại sự kiện. Ảnh: V.H

Trong phát biểu của mình, ngài đại sứ đã nêu một ví dụ điển hình của sự bất bình đẳng giới trên Internet: “Khi hội đồng giải Nobel năm nay công bố Donna Strickland là người được giải Vật lý, không có tiểu sử của bà trên Wikipedia. Bài viết về bà bị từ chối do thiếu thông tin tham khảo về người được giải, là điều kiện cần của một bài trên Wikipedia”.

#WikiGap nhằm cải thiện tính đại diện của phụ nữ trên Wikipedia. Trong ngày hôm nay những người tham gia sẽ tạo thêm nội dung trên Wikipedia bằng cách viết bài và bổ sung thông tin về tiểu sử phụ nữ, chuyên gia và những phụ nữ là hình mẫu trong các lĩnh vực khác nhau.

Phát biểu tại buổi lễ, Giám đốc UNDP tại Việt Nam, bà Caitlin Wiesen nhận định: “Việt Nam ngày càng có nhiều tiến bộ về bình đẳng giới. Theo chỉ số về bình đẳng giới. Việt Nam đứng thứ 67/160 nước. Tuy nhiên vẫn còn những khoảng cách giữa nam và nữ, ví dụ tại Việt Nam chỉ có 15,4% nữ giới tốt nghiệp các ngành khoa học, toán học, cơ khí, xây dựng. Vì vậy, việc bình đẳng giới trong việc tiếp cận các kỹ năng của thế kỷ 21 sẽ giúp Việt Nam đạt được mục tiêu của mình trong cuộc cách mạng Công nghiệp 4.0”.

Cùng chia sẻ thành tựu phụ nữ Việt Nam trên Internet ảnh 2 Giám đốc UNDP tại Việt Nam, bà Caitlin Wiesen phát biểu tại sự kiện. Ảnh: V.H

“Khi nhắc đến nghèo đói, mọi người thường nghĩ đến thu nhập, tiếp cận nước sạch, giáo dục và y tế. Nhưng chúng ta cần chú ý trong thời kỳ chuyển đổi Cách mạng Công nghiệp 4.0, để không tạo thêm những hình thức nghèo đói mới có thể khiến cho phụ nữ bị bỏ lại phía sau trong quá trình phân hóa số. Hướng tới một tương lai bình đẳng, cần tạo điều kiện cho phụ nữ và trẻ em gái hiểu biết về công nghệ số để có thể tận dụng được công nghệ một cách đầy đủ và bình đẳng – từ Interner đến internet vạn vật – với tư cách là lãnh đạo hoặc tác nhân thay đổi”, Giám đốc UNDP tại Việt Nam khuyến cáo.

 

Wikipedia là Bách khoa toàn thư trực tuyến lớn nhất thế giới do chính người dùng tạo ra. Tuy nhiên đang có sự mất cân đối nam nữ lớn, khi 90% số người viết bài, cập nhật nội dung trên trên Wikipedia là nam giới. Các bài viết về nam giới nhiều gấp 4 lần các bài viết về nữ giới, riêng tại phiên bản Wikipedia Tiếng Việt tỷ lệ này còn thấp hơn, dưới 18% những bài viết về phụ nữ.

 
MỚI - NÓNG