“Cuộc chiến 112” và những bất thường

“Cuộc chiến 112” và những bất thường
TP - Khi Tiền phong đăng loạt bài “Đề án 112: Lãng phí thất thoát”, nhiều chuyên gia và báo đài đã vào cuộc, lần lượt mổ xẻ những bất ổn của đề án này…

Tiến sĩ Trần Du Lịch - Viện trưởng Viện Kinh tế TPHCM - nói về đề án 112: “Không sửa nội dung mà sửa phương tiện là không ổn. Trang bị cho công chức rất hiện đại nhưng  lâu lâu gõ mấy chữ, không biết làm gì, lãng phí ghê gớm.

Viện Kinh tế và nhiều đơn vị được trang bị rất hiện đại nhưng chủ của những phương tiện hiện đại này rất bận họp, có lúc nào ngồi văn phòng để khai thác hiệu quả của nó”.

Vấn đề lãng phí, bất ổn của Đề án 112 được nhiều báo, đài phân tích, đăng tải trong thời gian gần đây. Với tiêu đề Đề án 112 thất bại: Lãng phí hàng trăm tỷ đồng, báo Thanh niên ngày 13/4, dẫn lời Tiến sĩ Nguyễn Trọng-Nguyên Chánh Văn phòng Ban Chỉ đạo quốc gia về công nghệ thông tin (CNTT):

“Ngay từ đầu, tôi không nhìn thấy khả năng thành công của dự án. Chúng ta ước mơ quá lớn mà không hiểu hết những khó khăn. Đề án 112 vượt tầm trình độ hành chính của nước ta cũng như những người thực hiện. Triển khai việc lớn mà không chuẩn bị kỹ thì thất bại là tất yếu”.

Báo Tuổi trẻ ngày 10/5, đăng tin: Đề án 112 sẽ không còn tồn tại ở TPHCM, dẫn lời ông Nguyễn Thiện Nhân - Phó Chủ tịch UBND TPHCM: “Phản ánh của Sở Bưu chính Viễn thông là đúng, bài học ấy thành phố đã nêu ra từ 5 năm trước nhưng mình làm chưa thật tốt”.

Bất thường đằng sau “bom thư” của Văn phòng HĐND và UBND TPHCM

Gần đây, một số cơ quan báo chí và bạn đọc hết sức bức xúc khi Văn phòng HĐND, UBND TPHCM đã nhiều lần cho gửi Công văn 2241 theo đường thư điện tử đến các sở, ngành, quận, huyện về việc yêu cầu báo Tiền phong đăng cải chính thông tin.

Báo Sài Gòn Giải Phóng ngày 16/5, gọi đó là “Cuộc chiến 112”. Bài báo có đoạn: “Nhiều người dân đã ngạc nhiên khi mấy tuần gần đây, trên mạng Cityweb của TPHCM có văn bản yêu cầu báo Tiền phong cải chính thông tin quanh sự lãng phí của Đề án 112… Công văn trên được xem như một lời giải thích đối với các vấn đề được nêu trong bài báo”.

Trong thư gửi Tòa soạn, bạn đọc Hung Dung đã thẳng thắn phê phán thái độ của Văn phòng HĐND, UBND TPHCM: “Các cơ quan quản lý Nhà nước tại TPHCM nhận được “bom thư” trực tiếp từ trung tâm tin học của Văn phòng.

Họ email nhiều lần công văn và đã sử dụng website hệ thống thư điện tử của thành phố như công cụ riêng của họ để tấn công báo chí. Việc làm của họ có vi phạm quy định nào của Đảng và Chính phủ không? Họ có quyền làm như vậy không ? đề nghị Tiền phong đưa lên công luận về việc này”…

Một độc giả ở TPHCM (email tien...@yahoo.com) cho biết, đang làm việc trong bộ máy của UBND TPHCM và cung cấp một thông tin rất đáng lưu ý. Đó là, trong khi Văn phòng HĐND, UBND TPHCM triển khai khắp nơi và báo cáo đã sử dụng tốt thì tại Văn phòng đến ngày 15/5 mới bắt đầu sử dụng chính thức phần mềm xử lý hồ sơ công việc – một trong ba phần mềm dùng chung(?).

tien...@yahoo.com bày tỏ: “Vừa qua đọc các bài của Tiền phong viết về đề án 112, tôi thấy rất đúng và hoàn toàn ủng hộ. ủng hộ Tiền phong bao nhiêu thì lại càng bức xúc với công văn của ông Trương Văn Lắm bấy nhiêu. Có thể nói, công văn này là điển hình của sự coi thường dư luận, báo chí.

Theo tôi, nếu đề án 112 TPHCM không sai phạm thì ông Lắm phải buộc ông Lê Mạnh Hà, Giám đốc Sở Bưu chính Viễn thông phải cải chính hoặc đề nghị UBND TPHCM kỷ luật ông Hà.

Một điều đáng nói nữa là, Văn phòng HĐND, UBND đã sử dụng phương tiện phổ biến thông tin của nhân dân thành phố, phục vụ riêng cho đơn vị mình. 

MỚI - NÓNG