Cuộc chiến đất và rừng Tây Nguyên - Kỳ cuối: Hệ lụy nhãn tiền

Đồi cỏ hồng tại huyện Đắk Đoa sắp bị xóa sổ bởi dự án sân golf.
Đồi cỏ hồng tại huyện Đắk Đoa sắp bị xóa sổ bởi dự án sân golf.
TP - Thủ tướng đã lệnh phải “đóng cửa rừng”. Thế nhưng rừng và đất lâm nghiệp trên các tỉnh Tây Nguyên vẫn đang tiếp tục bị  tàn phá, lấn chiếm, cho thấy việc quản lý bảo vệ rừng lâu nay còn yếu kém, bất cập, cách xử lý sai phạm chưa đủ nghiêm khắc để răn đe. Đã đến lúc các tỉnh Tây Nguyên phải quyết liệt lập lại trật tự về quản lý rừng và đất lâm nghiệp, bằng các giải pháp hiệu quả, khả thi hơn.

Xử lý nghiêm cán bộ bảo kê cho lâm tặc

Cuối mùa mưa Tây Nguyên, nhóm phóng viên chúng tôi nối theo cả đoàn dài xe máy, xe cày, ô tô… chen chúc trên con đường đất lầy lội đi vào xã Đắk Ngo (huyện Tuy Đức), một trong những điểm nóng phá rừng của tỉnh Đắk Nông. Thấy chúng tôi dừng xe chụp vài tấm ảnh, nhiều người dân nhao nhao nói: “Nhà báo vô xã, ở đó cảnh phá rừng tàn bạo hơn. Nhưng lâm tặc được bảo kê dữ lắm, nên đố ai dẹp được nạn phá rừng ở đây”?!

Đặt chân đến địa phận xã Đắk Ngo, cảnh rừng núi tan hoang phơi bày. Càng vào sâu trung tâm xã, rừng bị đốt cháy, cạo trọc, cây đổ ngang dọc  nhức càng nhiều. Trụ sở các doanh nghiệp trồng rừng chỉ là những căn nhà dựng tạm bằng gỗ, lợp tôn; nhìn chẳng khác gì mấy cái lều của người dân. Xung quanh đó, họ cũng trồng mì, trồng bắp như người dân, còn rừng chẳng thấy đâu.

Sang xã Quảng Sơn, huyện Đắk G’long (Đắk Nông), dọc tuyến đường QL 28 toàn những cây thông chết khô. Đây là hiện trường của một dự án điển hình về tàn phá rừng và đất lâm nghiệp. Chủ dự án là bà Nguyễn Thị Kim Thoa, Giám đốc Công ty TNHH Thương mại Nguyên Vũ, vợ của ông Lương Ngọc Lếp mới về hưu năm 2017. Khi ông Lếp đang còn là Phó giám đốc Công an tỉnh Đắk Nông, UBND tỉnh Đắk Nông đã cho Công ty Nguyên Vũ của bà Thoa thuê hơn 162 ha rừng nằm dọc QL 28, trong đó có hơn 156 ha rừng thông.

Theo quyết định cho thuê, Công ty Nguyên Vũ chỉ được sử dụng diện tích đất và rừng đã nhận để quản lý, bảo vệ, khai thác nhựa thông, trồng bơ, trồng và chăm sóc rừng trồng. Thế nhưng tháng 2/2016, đoàn liên ngành của Sở NN&PTNT và Sở TNMT Đắk Nông đi kiểm tra đã phát hiện rừng được giao cho Công ty Nguyên Vũ giảm hơn 26 ha, bị người dân lấn chiếm hơn 14 ha, khoảng 60% diện tích rừng thông bị chết, và trong khu vực dự án có tới 11 ngôi nhà xây dựng trái phép.

Theo tìm hiểu của phóng viên, thì cán bộ quản lý Công ty Nguyên Vũ là ông Phan Thành Nghĩa đã thay mặt Công ty viết giấy tay bán 8 lô đất, tổng diện tích khoảng 6,4 ha, thu lợi bất chính hơn 2,3 tỷ đồng. Người ủy quyền cho ông Nghĩa quản lý công ty bằng miệng và bằng văn bản có ký tên đóng dấu vào ngày 24/3/2017, là bà Thoa. Trước đó, ông Nghĩa từng thành lập doanh nghiệp tư nhân Quốc Triệu để kinh doanh, chế biến lâm sản, bị Cơ quan điều tra Bộ Công an phát hiện mua hơn 50m3 gỗ lậu, nhưng không bị khởi tố mà chỉ bị xử phạt hành chính, cấm hành nghề kinh doanh lâm sản từ tháng 4/2016.

Về vụ này, ông Ngô Xuân Lộc- Chánh Văn phòng UBND tỉnh Đắk Nông cho biết: Tỉnh đã đề nghị Bộ Công an vào cuộc phối hợp với Thanh tra Sở NN&PTNT để điều tra, đến nay vẫn chưa có kết quả cuối cùng.

Tại Đắk Nông, riêng năm 2017 lãnh đạo tỉnh này đã chỉ đạo xử lý gần 30 cán bộ kiểm lâm vì để mất rừng, nặng thì buộc thôi việc, cảnh cáo, cách chức, nhẹ thì bị hạ bậc lương, khiển trách. Nhiều cán bộ quản lý rừng tại các địa phương bị cách chức, cảnh cáo hoặc bị truy tố trước pháp luật.

Cuộc chiến đất và rừng Tây Nguyên - Kỳ cuối: Hệ lụy nhãn tiền ảnh 1 Rừng thông ở huyện Bảo Lâm tỉnh Lâm Đồng bị chặt phá.

Không dễ dãi đánh đổi rừng lấy dự án

Việc giao rừng tràn lan mà buông lỏng công tác quản lý, giám sát của nhiều tỉnh Tây Nguyên trong những năm qua đã để lại hệ lụy khôn lường về cả kinh tế, xã hội lẫn môi trường. Nguyên nhân, là rừng và đất lâm nghiệp rất dễ bị những người có thẩm quyền cho đánh đổi vì những mối lợi nào đó từ các dự án.

Trong 10 năm qua, Tây Nguyên đã chuyển đổi hơn 80.000ha đất rừng các loại để xây dựng khoảng 50 công trình thủy điện. Trong số đó, nhiều doanh nghiệp dù không đủ năng lực tài chính, kỹ thuật nhưng vẫn “chạy” cho được dự án để trục lợi từ khai thác khoáng sản, lâm sản. Hàng trăm ngàn hécta rừng giàu khác cũng được các tỉnh trong khu vực giao cho doanh nghiệp vô tư chặt phá để chuyển đổi trồng cao su, trồng rừng, chăn nuôi, sản xuất kém hiệu quả.

Mới đây, cái tin gần 4 nghìn cây thông và đồi cỏ hồng độc đáo, tuyệt đẹp ở tỉnh Gia Lai sắp bị thu hồi cho 1 dự án làm sân golf, khiến công luận xôn xao, bất bình.

Tại quyết định 848/QĐ-UBND ngày 11/12/2017, UBND tỉnh Gia Lai thông báo sẽ lấy 197,3 ha đất lâm nghiệp tại hai xã Glar và Tân Bình (huyện Đắk Đoa) cho Công ty Cổ phần đầu tư Hội Phú (Công ty Hội Phú) triển khai xây sân golf. Quyết định này căn cứ vào quy hoạch sân golf Việt Nam đến năm 2020, do nguyên Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng phê duyệt từ năm 2009. Theo đó, dự kiến đến năm 2020 cả nước sẽ có 89 sân, riêng Tây Nguyên có 8 sân golf.

Khi khu vực rừng thông huyện Đắk Đoa được đưa vào tầm ngắm quy hoạch sân golf, doanh nghiệp tiên phong vào cuộc là Công ty Cổ phần Đầu tư Xây dựng 194 (TP Hồ Chí Minh) đã thuê chuyên gia nước ngoài vào khảo sát, nhưng không triển khai dự án, tỉnh Gia Lai phải thu hồi lại. Sau đó, vài doanh nghiệp tiếp tục đến tham quan, khảo sát, rồi cũng bỏ đi.

Năm 2014, tỉnh Gia Lai có công văn cho Công ty Hội Phú khảo sát, lập dự án đầu tư sân golf 36 lỗ, kết hợp Công viên du lịch sinh thái và xây biệt thự để bán, vốn đầu tư khoảng 550 tỷ đồng. Về tiến độ triển khai: Dự kiến quý 4/2016 hoàn tất việc lựa chọn nhà thầu, tổ chức thi công 9 lỗ golf giai đoạn 1 và đưa vào khai thác sử dụng. Tuy vậy, tới nay dự án vẫn còn nằm trên giấy.

Theo ghi nhận của Tiền Phong, khu vực dự tính làm dự án sân golf là rừng thông do người địa phương trồng đã hơn 20 năm, vừa giữ đất vừa làm “lá phổi xanh” cho huyện Đắc Đoa. Ở đây có 501 ha đất lâm nghiệp, thì dự án sân golf trên lấy gần 200 ha. Trong đó, có “Đồi cỏ hồng” tuyệt đẹp trải dài dưới tán rừng thông, mà lễ hội “Cỏ hồng” do huyện tổ chức mới đầu tháng 11 vừa qua đã thu hút hàng ngàn lượt khách đến tham quan, chiêm ngưỡng.

Trao đổi với Tiền Phong, ông Đoàn Khánh Vân - Cục trưởng Cục Thuế tỉnh Gia Lai cho biết cá nhân ông chưa biết có Công ty Hội Phú nào trên địa bàn. Được giao kiểm tra, ông Trần Phan Quốc Chương - Phó trưởng phòng kê khai thuộc Cục Thuế tỉnh báo cáo: Công ty Hội Phú lỗ 261 triệu đồng năm 2016; Năm 2017 không phát sinh lợi nhuận; Không đóng các loại thuế nào, trừ thuế môn bài 2 năm 2016, 2017 tổng cộng 6 triệu đồng.

Liệu có nên đánh đổi những giá trị quý giá mà cộng đồng xã hội đang được hưởng chung từ cánh rừng và đồi cỏ này, để lấy dự án sân golf rất có thể chỉ mang lại lợi ích cho một nhóm người, phản cảm và ô nhiễm môi trường, lợi bất cập hại, hay không?

Theo ông Nguyễn Hữu Thọ- Bí thư Huyện ủy Đắc Đoa, điều khiến nhiều người băn khoăn, là liệu nhà đầu tư có làm được, có thực hiện đúng các cam kết không, hay lại cứ vào cuộc dở dang rồi bỏ đi như những doanh nghiệp trước đó. Xót rừng, ông Nguyễn Hữu Long, Hạt trưởng Kiểm lâm Đắc Đoa nói: Các thành phố lớn và khu công nghiệp mới nên làm sân golf. Còn huyện nghèo cách thành phố 25km như Đắc Đoa mà xây sân golf thì hiệu quả thế nào chưa rõ, nhưng quá phí khi phải phá cả cánh rừng thông đẹp như thế.

MỚI - NÓNG
Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Nguyễn Thị Tuyến (bên phải) trao Quyết định cho bà Nguyễn Vũ Bích HIền.
Thành ủy Hà Nội trao quyết định về công tác cán bộ
TPO - Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội quyết định chuẩn y bà Nguyễn Vũ Bích Hiền (SN 1975), Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ Khối các trường Đại học, Cao đẳng Hà Nội, tham gia Ban Thường vụ, giữ chức vụ Phó Bí thư Đảng uỷ Khối các trường Đại học, Cao đẳng Hà Nội, nhiệm kỳ 2020 - 2025.