'Cuộc chiến' đòi vỉa hè cho người đi bộ tại TPHCM: Đi bộ ở đâu?

Tại TPHCM, vỉa hè bị chiếm làm nơi đậu xe khiến người đi bộ bị dồn xuống lòng đường. Ảnh: PV.
Tại TPHCM, vỉa hè bị chiếm làm nơi đậu xe khiến người đi bộ bị dồn xuống lòng đường. Ảnh: PV.
TP - Bên cạnh nhiều ý kiến đồng tình vẫn có không ít người còn ngần ngại, cho rằng việc TPHCM vận động cán bộ công chức người lao động và giáo viên, học sinh đi bộ đến trường, nơi làm việc là chưa khả thi và chưa phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương. 

Rèn sức khỏe, giảm kẹt xe

Tại cuộc họp duyệt kế hoạch năm 2017 của Sở Giao thông Vận tải, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Lê Văn Khoa đã kêu gọi người dân tăng cường đi bộ. Cụ thể: Các cán bộ, công nhân viên chức, người lao động, giáo viên, học sinh… có cự ly di chuyển từ nơi ở đến nơi làm việc, trường học từ 3 km trở xuống thì đi bộ để đi làm.

“Ở nước ngoài người ta đi bộ rần rần. Còn người dân thành phố chưa có thói quen này, có người thậm chí 100 m cũng xách xe đi. Chúng ta nên nghĩ đến việc vận động cán bộ công chức, phụ huynh, học sinh, thầy cô giáo… đi bộ đi làm, đi học, vừa rèn luyện sức khỏe vừa góp phần giảm ùn tắc giao thông, hạn chế ô nhiễm, khói bụi, tiếng ồn, bảo vệ môi trường”, ông Lê Văn Khoa nói. 

“Ở nước ngoài người ta đi bộ rần rần. Còn người dân thành phố chưa có thói quen này, có người thậm chí 100 m cũng xách xe đi. Chúng ta nên nghĩ đến việc vận động cán bộ công chức, phụ huynh, học sinh, thầy cô giáo… đi bộ đi làm, đi học, vừa rèn luyện sức khỏe vừa góp phần giảm ùn tắc giao thông, hạn chế ô nhiễm, khói bụi, tiếng ồn, bảo vệ môi trường”. 

Phó Chủ tịch UBND TPHCM Lê Văn Khoa nói

Theo giám đốc Sở Giao thông Vận tải Bùi Xuân Cường, khu vực trung tâm TPHCM hiện nay đủ điều kiện tổ chức đi bộ. Ngoài đường Nguyễn Huệ, Sở GTVT đang nghiên cứu thêm một số tuyến đường phục vụ người đi bộ, khảo sát xây dựng các điểm giữ xe đạp công cộng khu vực trung tâm nhằm tăng cường các tiện ích để khuyến khích người dân đi bộ. TPHCM đã tổ chức một số tuyến xe buýt, xe điện chạy vòng trung tâm qua các địa điểm tham quan. Từ nay đến năm 2020, TPHCM từng bước giảm xe cá nhân vào trung tâm thông qua việc thu phí nhằm khuyến khích người dân sử dụng các phương tiện công cộng và đi bộ, đi xe đạp.

Ông Nguyễn Văn Danh, phó giám đốc Sở Xây dựng nói hoàn toàn ủng hộ việc đi bộ đi làm để rèn luyện sức khỏe và góp phần chống kẹt xe. Tuy nhiên để chủ trương này được nhiều người hưởng ứng thì thành phố nên chọn một số tuyến đường thông thoáng và giải quyết triệt để nạn lấn chiếm vỉa hè.

Theo bác sỹ Đỗ Thị Ngọc Diệp, giám đốc Trung tâm dinh dưỡng TPHCM, hiện nay, nhiều người lười vận động, dẫn đến nhiều nguy cơ về sức khỏe. Tăng cường vận động, cụ thể là tạo thói quen đi bộ hàng ngày sẽ rất tốt cho sức khỏe.

“Tôi đi bộ không lần nào được trọn vẹn. Đi một đoạn thì vỉa hè gần như không còn để đi. Đi xuống lòng đường luôn phải nghiêng người né… xe máy. Phố xá thì bụi mù mịt, chỗ nào có vỉa hè thì quán xá chiếm dụng hết. Nếu muốn người dân đi bộ thì phải dẹp nạn chiếm vỉa hè trước”. 

Bà nga (Việt kiều Mỹ)

Hơn ba năm ở Việt Nam, hàng ngày, bà Nga (Việt kiều Mỹ) vẫn duy trì thói quen đi bộ từ nhà (đường Hoàng Diệu, quận 4) đến nơi làm việc là chi nhánh một ngân hàng nước ngoài đóng ở quận 1. Bà Nga cho biết phụ nữ làm việc văn phòng ở Mỹ thường có hai đôi giầy. Giầy cao gót cất trong văn phòng để mang trong giờ làm việc và giầy thể thao để đi bộ từ nhà đến nơi làm việc hay có việc đi ra ngoài mang cho thoải mái.

“Đi giầy thể thao coi như tập thể dục. TPHCM cũng nên tổ chức và kêu gọi nhân viên, công nhân làm việc trong giờ hành chính đi bộ, xe đạp để giảm cân, bảo vệ sức khỏe và trước mắt chỉ nên phát động từ 1-3 ngày trước khi nhân rộng tất cả các ngày làm việc trong tuần vì sức khỏe, môi trường và sự văn minh của thành phố”, bà Nga đề xuất.

'Cuộc chiến' đòi vỉa hè cho người đi bộ tại TPHCM: Đi bộ ở đâu? ảnh 1

Vỉa hè bị chiếm dụng, học sinh trường Ngô Thời Nhiệm (quận 9) phải đi bộ xuống lòng đường. Ảnh: Huy Thịnh.

Đi bộ ở đâu?

Trao đổi với Tiền Phong, một số chuyên gia đô thị lo ngại điều kiện thực tế ở TPHCM khó thực hiện. Cụ thể: Hầu hết vỉa hè chưa đảm bảo cho người đi bộ như còn bị lấn chiếm, dơ bẩn, thiếu bóng mát và chưa đảm bảo an toàn. Trong khi đó, hệ thống giao thông công cộng chưa phủ kín và thiếu kết nối nên chưa thuận tiện cho việc đi bộ của người dân.

Ủng hộ việc vận động người dân đi bộ song bà Nga phàn nàn: “Tôi đi bộ không lần nào được trọn vẹn. Đi một đoạn thì vỉa hè gần như không còn để đi. Đi xuống lòng đường luôn phải nghiêng người né… xe máy. Phố xá thì bụi mù mịt, chỗ nào có vỉa hè thì quán xá chiếm dụng hết. Nếu muốn người dân đi bộ thì phải dẹp nạn chiếm vỉa hè trước”.

Ông Dũng (ngụ phường Phú Hữu, quận 9) nói: “Nhiều con đường, như đường Nguyễn Cư Trinh vừa nhỏ, vừa không có vỉa hè và nườm nượp xe tải, container. Đi dưới lòng đường thì phạm luật và rất nguy hiểm. Vỉa hè cho người đi bộ không có, cây xanh che nắng cũng không, vậy người dân đi biết bộ ở đâu?”.

Phó giám đốc Sở Du lịch Đặng Quốc Khánh kể: Ở đường Lương Nhữ Học (quận 5) người đi bộ rất đông nhưng bị xe đụng hoài.

Nguyễn Mạnh Hải (sinh viên trường Đại học Sư phạm kỹ thuật TPHCM) kể: Quê em ở Bảo Lộc, khí hậu mát mẻ, từ nhà đến trường gần 8 km, đi bộ không thấy mệt. Về Sài Gòn đi bộ chưa được 2 km đã mệt bã người. Xa lộ Hà Nội nóng bức, khói bụi, ô nhiễm và không có bóng mát nên em phải đi xe máy cho nhanh.

Theo bà Bùi Thị Diễm Thu, phó giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo, giáo viên thường mang giày, mặc áo dài. Với khí hậu nóng, việc đi bộ đối với giáo viên sẽ rất khó khăn.

Nhiều người còn lo ngại tình trạng an toàn giao thông, an ninh trật tự chưa tốt, đặc biệt là nạn cướp giật nhắm vào du khách, người đi bộ… Theo phó giám đốc Sở Lao động thương binh và Xã hội Nguyễn Văn Lâm, 159 tuyến đường kiểu mẫu, không buôn bán lấn chiếm các quận huyện đăng ký thực hiện từ nhiều năm trước nhưng đến nay chưa chuyển biến. “Vỉa hè không thông thoáng, không cách gì đi bộ được”, ông Lâm nói.

Thừa nhận lề đường chưa được thông thoáng, Phó Chủ tịch Lê Văn Khoa cho biết thành phố sẽ quyết liệt lấy lại vỉa hè cho người đi bộ. Và, việc kêu gọi người dân đi bộ là vận động chứ không ép buộc.

MỚI - NÓNG
Kiểm toán Nhà nước cảnh báo dấu hiệu mất an toàn tài chính tại một số doanh nghiệp
Kiểm toán Nhà nước cảnh báo dấu hiệu mất an toàn tài chính tại một số doanh nghiệp
TPO - Kiểm toán Nhà nước (KTNN) chỉ ra những thiếu sót, bất cập, đồng thời đưa ra khuyến nghị giúp các tập đoàn, tổng công ty nhà nước hoàn thiện, nâng cao hiệu quả quản lý tài chính công, tài sản công. Đáng chú ý, KTNN cũng cảnh báo một số doanh nghiệp có dấu hiệu mất an toàn về tài chính.
Năm học 2023-2024, Hà Nội được bổ sung 2.648 biên chế giáo dục.
Hà Nội thiếu hơn 16.000 biên chế giáo dục
TPO - Số biên chế sự nghiệp giáo dục của thành phố Hà Nội thiếu so với định mức do Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định là 16.004 người. Năm học 2023- 2024, thành phố đề nghị được giao thêm 8.939 biên chế khối giáo dục nhưng chỉ được bổ sung 2.648 biên chế.