Cuộc sống trong những ốc đảo dịch bạch hầu Tây Nguyên

Căn nhà của vợ chồng chị Tẩu ở thôn 6, xã Quảng Hòa
Căn nhà của vợ chồng chị Tẩu ở thôn 6, xã Quảng Hòa
TP - Phóng viên Tiền Phong đã vào vùng tâm dịch bạch hầu ở Đắk Nông (nơi công bố ca nhiễm bạch hầu đầu tiên của Tây Nguyên) để tận thấy cuộc sống của người dân trong lúc dịch bệnh hoành hành. Giữa vùng biệt lập, hoang vắng, đường xa cách trở; cán bộ đến tận nhà dỗ dành người lớn đi tiêm như trẻ con; có anh sợ tiêm tới mức hễ gặp cán bộ chạy như ma đuổi... 

Giữa vùng biệt lập, hoang vắng, đường xa cách trở; cán bộ đến tận nhà dỗ dành người lớn đi tiêm như trẻ con; có anh sợ tiêm tới mức hễ gặp cán bộ chạy như ma đuổi... 

Biệt lập

Để đến được ổ dịch bạch hầu vừa xuất hiện tại cụm dân cư 12, xã Đắk R’Măng (huyện Đắk G’Long), phóng viên Tiền Phong phải vượt chặng đường gần 200 cây số tính từ trung tâm huyện lỵ của Đắk Nông. Khu vực này như một ốc đảo. Giữa đồi núi hoang vu là những mái nhà nhỏ liêu xiêu. Sau khi thực hiện các bước sát trùng, khử khuẩn, chúng tôi được cán bộ cơ sở dẫn vào con đường mòn trơn trượt, mất cả tiếng đồng hồ để vào nhà dân.

Bác sĩ K’Le, Phó trạm Y tế xã Đăk R’măng nói: “Mùa mưa vào đây vất vả lắm, đường đi chỉ là lối mòn, đồi dốc trơn trượt. Người dân sống rải rác, nhà cách nhà cả cây số. Nhiều trường hợp ngại không ra trạm, chúng tôi mang thuốc men tới tận nhà tiêm phòng. Anh em không ngại khó ở qua đêm cùng dân thực hiện xong nhiệm vụ nhưng rất buồn vì một số trường hợp không chịu tiêm phòng”.

Cuộc sống trong những ốc đảo dịch bạch hầu Tây Nguyên ảnh 1  Chị  Hòa tới từng nhà vận động người dân đi tiêm vắc xin

Bác sĩ K’Le đưa chúng tôi tới gặp anh Giàng A.C (anh trai Giàng A.P, 13 tuổi, vừa bị chết vì bệnh bạch hầu). Kể về người em xấu số, anh C buồn rượi: “Tháng trước, P đi học về kêu mệt mỏi toàn thân, nằm li bì. Gia đình tôi mua thuốc tây cho uống và đắp lá cây rừng nhưng bệnh không giảm nên đưa bệnh viện huyện Đắk G’long. Bệnh nặng, bác sĩ chuyển em sang bệnh viện Đắk Lắk rồi xuống TP. HCM nhưng không qua khỏi”. Theo anh C, trước giờ anh và nhiều người ở đây chưa hiểu bệnh bạch hầu là gì, nguy hiểm như thế nào; nay được cán bộ y tế tuyên truyền bằng tiếng Mông mới hay biết.

Từ Đắk R’măng, phóng viên Tiền Phong tiếp tục di chuyển sang xã Quảng Hòa (cùng thuộc huyện Đắk G’long), nhưng cách nhau cả trăm cây số. Nơi đây cũng vừa ghi nhận thêm ca dương tính với bạch hầu.

Đến thăm gia đình chị Trăng Thị Tẩu (31 tuổi, trú tại thôn 6, xã Quảng Hòa) đúng lúc mọi người đang ăn cơm trưa. Thấy người lạ, 5 đứa bé khép nép ngại ngùng. Chị Tẩu không biết mình lấy chồng từ năm nào, chỉ nhớ đứa lớn năm nay 13 tuổi, đứa út mới lên 3. Cả nhà chị sống trong căn nhà nhỏ, lợp mái ngói cũ kỹ. Chị cũng không biết gì về bệnh bạch hầu cho đến khi Sùng Thị H (9 tuổi, trú cùng thôn) vừa tử vong vì bệnh lây nhiễm này. “Con tôi thi thoảng chơi với mấy đứa bị bệnh. Nghe cán bộ y tế nói bệnh này lây nhiễm, tôi lo lắm. Giờ các con được uống thuốc, tiêm vắc xin rồi… tôi cũng an tâm phần nào”, chị Tẩu nói.   

Ông Nguyễn Tôn Đông Khoa, Chủ tịch UBND xã Quảng Hòa cho hay, đến nay ở thôn 9, thôn 11 và thôn 12 có 10 người nhiễm bệnh bạch hầu. Tháng 6 vừa rồi ở xã có 5 ca nhiễm (trong đó có 1 ca tử vong); các ca bệnh nằm sâu trong rừng núi, đường đi lại khó khăn, việc nhận thức tầm quan trọng của tiêm chủng chưa cao. Ngay khi phát hiện ổ dịch, UBND xã cắt cử lực lượng  tham gia cùng ngành y tế tuyên truyền, vận động người dân đi tiêm chủng, uống thuốc kháng sinh phòng chống bệnh bạch hầu.

Tìm người trốn tiêm

Tiếp cận  ổ dịch thứ 2 của tỉnh Đắk Nông thuộc huyện Krông Nô, chúng tôi cũng vượt hơn 100 cây số đường đồi dốc, ngoằn ngoèo mới tới được thôn Phú Vinh thuộc xã Quảng Phú (nơi vừa xuất hiện 1 ổ dịch mới với 2 ca mắc bệnh bạch hầu vào ngày 2/7). Tại đây, chính quyền đã lập 2 chốt chống dịch. Các hộ dân cách ly tại nhà, nội bất xuất, ngoại bất nhập; chỉ cán bộ y tế và các ban hành liên quan đến công tác chống dịch mới được vào. Trong thời gian cách ly, mỗi hộ dân được UBND xã Quảng Phú hỗ trợ 10 ký gạo; riêng thực phẩm, người dân chủ động nhờ lực lượng dân phòng đóng quân tại các chốt chống dịch mua giúp. Các hộ dân còn lại của thôn Phú Vinh cũng được tiêm vắc xin phòng bệnh bạch hầu.

Cuộc sống trong những ốc đảo dịch bạch hầu Tây Nguyên ảnh 2 Người dân thôn Phú Vinh, xã Quảng Phú vẫn lên rẫy dù trong tâm dịch bạch hầu

Trước khi theo đoàn cán bộ cơ sở vào từng nhà vận động người dân đi tiêm chủng, chúng tôi được cho uống 1 viên thuốc kháng sinh màu hồng. Chị Chu Thị Hòa, Hội phụ nữ thôn Phú Vinh mang theo chiếc loa bên mình dẫn chúng tôi đến khu vực thôn Thác 5 để vận động những hộ dân trốn tiêm chủng. Vừa nghe tiếng loa tuyên truyền tiêm phòng, anh Triệu Văn Thi (dân tộc Dao đỏ) đùng đùng bỏ chạy như ma đuổi xuống chân đồi lẩn trốn. Chị Hòa cho biết, đây là trường hợp sợ tiêm nhất trong thôn.

“Bốn ngày nay, tôi qua nhà hơn chục lần để vận động song mới nói được vài câu anh ta đã bỏ đi. Tôi nhờ cả hàng xóm sang giải thích cho anh hiểu về độ nguy hiểm của bệnh bạch hầu nhưng không ăn thua. Gặp mặt thì bỏ trốn nhưng tối đến, anh cứ đứng trước cửa nhà tôi chửi đổng”, chị Hòa kể. Chị Hòa nói không sợ khổ, sợ chửi, chỉ sợ người dân không đi tiêm phòng đầy đủ, nguy cơ bùng phát dịch cao nguy hiểm cho cộng đồng.

Trong khi nhiều trường hợp thờ ơ với tiêm phòng miễn phí thì một bộ phận người dân đã ý thức được tầm quan trọng của tiêm chủng. Anh Lý Kiềm Phin (thôn Phú Vinh, xã Quảng Phú, huyện Krông Nô) cho hay, mấy ngày nay theo dõi kỹ thông tin về bạch hầu. Anh rất sợ căn bệnh này nên khi có lịch tiêm vắc xin miễn phí, vội đưa cả nhà đi tiêm cho an tâm. Còn bà Lý Mờ Liêu (thôn Phú Vinh) 54 tuổi, lấy làm tiếc vì không được tiêm vắc xin trong đợt đầu tiên (ưu tiên tiêm đối tượng từ 7-40 tuổi). Nghe bệnh gây chết người, bà sợ lắm. Cả đời bà chưa biết kim tiêm là gì. Bà sợ kim tiêm nhưng cũng sợ chết. Chị Hoa kể thêm, mấy hôm nay nhiều người dân nằm ngoài đối tượng tiêm chủng điện thoại hỏi nơi tiêm vắc xin dịch vụ. Họ sẵn sàng bỏ tiền để được tiêm vắc xin dù cuộc sống rất khó khăn.

Bà Bùi Thị Ngọc, Trưởng trạm y tế xã Quảng Phú, kể trong đợt này, dự kiến tiêm vắc xin cho 1.300 người sống tại xã Phú Vinh. Người dân khu vực này chủ yếu là đồng bào thiểu số gồm Mông, Tày, Nùng, Mường, Êđê... Do người dân sống rải rác, cách xa nhau hơn 20 cây số nên cán bộ y tế lập 3 điểm tiêm phòng cho dân tiện đi lại; trước ngày tiêm, chính quyền cử cán bộ đến tận nhà vận động người dân đến  đúng hẹn.

Sau khi tiêm vắc xin phòng bệnh, nhiều người vẫn lên rẫy làm việc, không ỷ lại chính quyền; trẻ nhỏ vẫn vui chơi, có em còn tranh thủ thời gian lấy sách vở ra học. Có một điều dễ nhận thấy là, dường như người dân xem ti vi, đọc báo cập nhật thông tin mới về dịch bệnh nhiều hơn. 

Trong buổi họp báo thường kỳ sáng 8/7 của Đắk Nông, khi được hỏi trách nhiệm của ngành y tế tỉnh này trước sự bùng phát của bạch hầu, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Văn Hùng nói: “Ngành y tế hàng tháng, cùng với chính quyền địa phương chủ trì việc chăm sóc sức khỏe cho người dân. Tuy nhiên, phải thẳng thắn mà nói để ổ dịch đã xảy ra ở cộng đồng, là ý thức của người dân còn hạn chế, rất thiếu sự hợp tác. Có trường hợp đang giữ giấy cam kết không tiêm chủng. Họ bảo, chích về bị sốt, thế này thế kia… Họ chỉ quan tâm vấn đề đời sống khó khăn tập trung đi rẫy, đi nương. Khi nào nhớ thì tiêm, không nhớ thì thôi. Nói như vậy, không phải y tế là hoàn hảo”.  

Bệnh bạch hầu đã xuất hiện tại 4 tỉnh Tây Nguyên gồm Đắk Nông, Gia Lai, Kon Tum và Đắk Lắk. Đến thời điểm này, 4 tỉnh ghi nhận  74 người dương tính với bạch hầu. Hiện ngành y tế đang ráo riết ra quân tiêm vắc xin phòng bệnh cho người dân ở nhiều độ tuổi khác nhau.

Lâm Đồng cấp tốc phòng bệnh vùng giáp ranh Đắk Nông

Ngày 10/7, bác sĩ Nguyễn Quốc Minh - Giám đốc Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật (CDC) Lâm Đồng cho biết đơn vị này đang tiến hành giám sát tình hình dịch bệnh, đánh giá các nguy cơ lây lan dịch bạch hầu từ ổ dịch xã Quảng Hòa (Đắk G’long, Đắk Nông) sang xã Đạ R’sal (Đam Rông, Lâm Đồng). Đơn vị đã phối hợp với Trung tâm Y tế Đam Rông tổ chức khám sàng lọc bệnh cho 167 học sinh (HS) từ xã Quảng Hòa đang theo học tại xã Đạ R’sal và hàng chục học sinh khác của xã; phun thuốc khử khuẩn xử lý môi trường cho trường THPT Phan Đình Phùng (xã Đạ R’sal).

Lâm Đồng còn tổ chức rà soát tiêm vắc xin bạch hầu cho trẻ từ 9 -15 tuổi tại xã Đạ R’sal, các tiểu khu Tây Sơn, căn cứ 179, căn cứ 181 và căn cứ Đạ M’Bô thuộc xã Liêng S’rônh (Đam Rông); tiêm vắc xin cho 435 học sinh và giáo viên Trường THPT Phan Đình Phùng; cấp 3.200 liều vắc xin bạch hầu để tiêm dự phòng cho nhũng người có nguy cơ cao trên địa bàn.

Kim Anh

Cuộc sống trong những ốc đảo dịch bạch hầu Tây Nguyên ảnh 3

Tiêm phòng vắc xin cho học sinh xã Đạ R’sal

MỚI - NÓNG