Cuộc tẩu thoát của 4 ngư dân bất đắc dĩ

Sau khi được giải cứu bốn ngư dân bất đắc dĩ ăn cơm tại đồn biên phòng Sơn Trà.
Sau khi được giải cứu bốn ngư dân bất đắc dĩ ăn cơm tại đồn biên phòng Sơn Trà.
TP - Một người đàn ông 41 tuổi trốn vợ, ba thanh niên khác ở miền Tây vì khó khăn lên phố tìm việc, họ gặp nhau khi bị dính bẫy của những kẻ buôn người, bắt làm lao động “khổ sai”. Và 4 người đã mưu trí chạy thoát, báo cơ quan chức năng. Một đường dây buôn bán người lao động trên biển lần đầu tiên được phá và đang tiếp tục được điều tra mở rộng.

Mắc bẫy

Ông Phạm Văn Cảnh (41 tuổi, trú tại xã Trà Ôn, Phú Thành, Vĩnh Long) lớn tuổi nhất trong số  4 ngư dân vừa được lực lượng Đồn biên phòng Sơn Trà (Đà Nẵng) giải cứu. Hơn 10 ngày qua, ông Cảnh và 3 thanh niên khác, gồm: Nguyễn Văn Huy Tâm (33 tuổi, thôn ấp Tân Thuận, xã Tân Lợi, Tịnh Biên, An Giang), Sơn Thương (29 tuổi, trú ấp Thị trấn A, huyện Hòa Bình, Bạc Liêu), Lê Hữu Thành (30 tuổi, trú tại An Châu, Châu Thành, An Giang) được đồn Biên phòng Sơn Trà cưu mang lo cho chỗ ăn chốn ở.

Một mắt bị hỏng, răng cửa bị sứt với dáng người tong teo, nhìn ông Cảnh khổ sở trong cả dáng ngồi, cử chỉ và lời nói. Nhà làm nông, vợ thất nghiệp, 4 con đang tuổi ăn học, luôn trong cảnh thiếu trước, hụt sau. Đầu tháng 11 vừa qua ông Cảnh quyết định trốn vợ lên TPHCM  tìm việc làm.

Ông Cảnh kể lại, khi đến bến xe An Sương gặp một số xe ôm làm quen. Biết ông cần việc làm, một tay lái xe ôm giới thiệu chỗ có việc làm nhẹ, lương cao. Lần đầu lên phố, bản tính thật thà, ông Cảnh tin lời. Ngồi lên xe theo người đàn ông đến Vũng Tàu, ông Cảnh không ngờ rằng mình đã bị đưa vào đường dây buôn bán người mà không hay. Khi đến nơi, gã lái xe ôm đòi khoản tiền 3 triệu đồng cho cuốc xe. Không có tiền trả, ông Cảnh được 1 người phụ nữ tên Vân và Trần Văn Vũ cho vay tiền trả xe ôm và viết giấy ghi nợ. Ông Cảnh ký vào giấy mà không rõ nội dung là gì. Toàn bộ giấy tờ tùy thân, túi xách của ông bị 2 người này thu giữ và sau đó được đưa đến một căn phòng nhỏ, với 3 lớp khóa cửa, có người canh gác cẩn thận. Ngày 4/11, ông Cảnh được giao cho một người đàn ông (mà sau này ông biết tên là Nguyễn Ngọc Trung) “áp tải” ra Đà Nẵng theo lời hứa “làm việc nhẹ nhàng, tháng nghỉ 4 ngày, lương 9-10 triệu đồng tháng”. Đi theo Trung còn có 3 thanh niên khác. Cả ba cũng đều được hứa như ông Cảnh. Bốn người đàn ông vui vẻ làm quen nhau vì trong cảnh ngộ nghèo khó đã có được việc làm như ước mơ mà đâu ngờ rằng, cả 4 người bị lừa bán cho một chủ tàu cá để làm lao động trừ nợ khoản tiền 60 triệu đồng.

Những ngày khổ ải

Ra đến Đà Nẵng, họ được ông Trung dẫn đến và bàn giao cho Trần Thế Tây (31 tuổi, trú tại ấp Tân Điền, xã Mỹ Lâm, Hòn Đất, Kiên Giang) là thuyền trưởng tàu cá BV 5969 TS. Khi dẫn lên tàu cá, Tây thông báo đã mua 4 người với giá 15 triệu đồng/người, và giao việc cả 4 người phải đi đánh bắt hải sản để trừ nợ.

Ngày 6/11, tàu cá BV 5969 mang theo ông Cảnh, Tâm, Thương và Thành cùng với 6 người khác ra biển, bắt đầu hành trình đánh bắt cá. Trước khi đi, cả bốn người được chủ tàu mua cho mấy bộ áo quần, mỗi người một thùng mì tôm, mấy gói dầu gội. Tất cả đều được ghi vào giấy nợ. Bốn người miền Tây vốn quen cảnh cấy cày, ruộng vườn lần đầu tiên đi biển bị sóng đánh cho say chúi lúi. Say sóng không còn sức, không ăn uống nổi, nhưng khi ra đến nơi, cả 4 phải gồng mình để tập làm ngư dân. Những ngày đầu tiên trên biển với họ là một cực hình.

Cuộc tẩu thoát của 4 ngư dân bất đắc dĩ ảnh 1 Anh Nguyễn Văn Huy Tâm người mưu trí vạch ra kế hoạch tẩu thoát tìm đường kêu cứu cho 4 anh em.

“Em vốn quen với ruộng vườn nên nào biết đánh cá, kéo lưới là gì. Nhưng tàu neo giữa biển không còn cách nào để thoát. Ra khơi, say sóng khiến bốn anh em không còn sức lực. Nhưng thuyền trưởng và mấy người trên tàu ép phải làm, không làm là bị đánh, chửi bới”, Tâm nhớ lại.

Tâm kể: mấy ngày sau, khi đã thích nghi với những con sóng, cả 4 người bắt đầu hành trình lao động khổ cực. Mỗi ngày chỉ được nghỉ 3 - 4 giờ đồng hồ, còn lại bị bắt làm việc liên tục bất kể ngày đêm. “Trên biển, buổi sáng bọn em phải dậy từ 4 giờ sáng. Đến 8 giờ sáng mới được ăn lót dạ. Làm đến 4 giờ chiều mới được ăn thêm bữa nữa rồi làm đến tận 12h đêm mới được nghỉ”, Tâm kể về lịch làm việc trên tàu cá.  Lao động là vậy, nhưng đến bữa ăn, cả 4 người đều bị phân biệt đối xử, ăn uống phải ngồi một góc riêng với phần ăn đạm bạc. “Nhiều hôm đang ăn bị thuyền trưởng và mấy người trên tàu chửi bới, xúc phạm thậm tệ nhưng đành cắn răng chịu đựng”, ông Cảnh cho biết. Có lần gỡ cá, vá lưới, vì làm không đúng ý của thuyền trưởng mà ông Cảnh bị một người đi cùng tàu dùng bóng đèn đánh vào đầu máu chảy bê bết. Nhiều hôm 4 người còn bị cầm dao dọa chém, giết. Ngồi ở đồn Biên phòng nhớ lại, cả 4 người cho hay “Nghĩ lại thấy kinh hoàng”.

Mưu trí tự tìm lối thoát

Tàu BV 5969 từ ngày xuất bến đến ngày 16/12 ra vào đất liền bán hải sản 2 chuyến, thế nhưng cả 4 người không được trả một đồng tiền công. Nợ của cả 4 người được thuyền trưởng báo vẫn còn nguyên, trong khi lãi vẫn bị tính từng ngày. Chuyến vào bờ đầu tiên, tàu không cập bờ mà chỉ neo đậu ở xa, tàu dịch vụ tới thu mua hải sản. Ngày 14/12, tàu vào bờ để bán hải sản và tiếp nhiên liệu. Tranh thủ thời cơ, Tâm bàn với 3 anh em tìm cách bỏ trốn. Chiều ngày 16/12, sau khi dọn dẹp, lau chùi sạch sẽ tàu cá, Tâm đứng ra xin phép thuyền trưởng để 4 anh em đi lên chùa Linh Ứng cầu khấn tâm linh. Thuyền trưởng đồng ý nhưng cử theo một người tên Tư đi theo để giám sát. Đi bộ hơn 1 giờ đồng hồ mới đến cửa chùa. Theo bàn tính, Thành được phân công ở lại giữ chân ông Tư để 3 người còn lại lấy lý do đi viếng chùa nhưng thực chất tìm người kêu cứu. Cả 3 vào chùa, tìm gặp được một ni cô và kể hết sự việc. Ni cô tốt bụng, cho anh em 100 ngàn và gọi taxi cho cả 3 chạy đến công an phường trình báo. Riêng Thành và ông Tư ở lại không thấy 3 người quay lại nên điện báo cho thuyền trưởng rồi cả 2 đi về tàu, ăn uống bình thường. Lúc này Thành bình tĩnh bảo với thuyền trưởng và mấy người trên tàu: Mấy ông kia sẽ về thôi, vì họ không biết đường đi, không có tiền thì chạy đi đâu.

Ông Cảnh cùng Tâm, Thương sau khi đến công an trình báo, ngay trong đêm cả 3 được dẫn qua đồn Biên phòng. “Sau khi biên phòng đưa được Thành về, tiến hành làm việc với anh em mới thở phào nhẹ nhõm.  Mấy ngày sau, hay tin đã phá đường dây buôn bán người lao động trên biển, cả 4 anh em đều vui mừng”, ông Cảnh chia sẻ.

Cuộc tẩu thoát của 4 ngư dân bất đắc dĩ ảnh 2 Một chiến sỹ được đơn vị bố trí để chăm sóc cho 4 người trong thời gian chờ cơ quan chức năng điều tra làm rõ vụ việc.

Khẩn trương phá án

Thượng tá Trần Hữu Thanh, Đồn trưởng đồn biên phòng Sơn Trà cho biết: 21h đêm ngày 16/12, sau khi nhận được thông tin, lực lượng trinh sát của đồn Biên phòng Sơn Trà được cử xuống gặp các thuyền viên nắm rõ thông tin, sau đó mời 4 người đến trình bày làm rõ sự việc. Xác định vụ việc có tính chất nghiêm trọng, đồn Biên phòng báo cáo Bộ chỉ huy Bộ đội biên phòng. Sau khi có ý kiến chỉ đạo từ cấp trên, đồn lập chuyên án, triển khai, tổ chức lực lượng trinh sát điều tra xác minh và nắm thông tin các đối tượng lừa gạt theo tố cáo của 4 người dân. Hai trinh sát biên phòng lập tức được lệnh vào Vũng Tàu làm nhiệm vụ tìm hiểu đường dây này. Sau đó, bằng các biện pháp nghiệp vụ, biên phòng đã “câu nhử” 2  đối tượng Trần Văn Vũ ( 1990) và Nguyễn Ngọc Trung (1988, cùng trú tại thành phố Vũng Tàu) ra Đà Nẵng để củng cố chứng cứ hồ sơ.  Khi hồ sơ hoàn chỉnh đơn vị ra quyết định bắt khẩn cấp 2 đối tượng, tiến hành khởi tố vụ án, khởi tố bị can trình viện Kiểm soát nhân dân quận Sơn Trà phê duyệt, dẫn giải các đối tượng lên trại giam Hòa Sơn, hoàn chỉnh hồ sơ giao Công an quận Sơn Trà tiếp tục điều tra mở rộng vụ án.

Thượng tá Thanh cho biết: Hai đối tượng bị bắt và vừa bị khởi tố chỉ là mắt xích trong đường dây buôn bán người. Nhưng lực lượng biên phòng chỉ có thể xử lý vụ việc trong phạm vi quản lý nên đã chuyển hồ sơ cho công an tiếp tục điều tra làm rõ. Riêng hành vi đập đánh, cưỡng bức người lao động trên tàu sẽ được tách riêng để làm rõ.  

“Sau khi bắt giữ, các đối tượng này rất ngoan cố. Phải mất 3 ngày đấu tranh kiên trì 2 đối tượng mới khai rõ hành vi vi phạm pháp luật của mình có liên quan đến hành vi buôn bán người”, Thượng tá Thanh cho biết.

4 ngư dân sau khi được giải cứu, trong thời gian phục vụ quá trình điều tra, được đồn biên phòng bố trí chỗ ăn chốn ngủ. Nhờ đó, sau hơn 10 ngày ăn ở, sinh hoạt cùng với các chiến sỹ biên phòng, tinh thần sức khỏe họ được cải thiện hơn nhiều. Những bữa cơm ấm tình quân dân làm ấm lòng 4 người dân sau những ngày dài khốn khó.  

Theo Thượng tá Thanh, hành vi buôn bán người cho các tàu thuyền, lao động trên biển được báo chí phản ánh nhiều. Tuy nhiên, đây là lần đầu tiên một vụ án “buôn bán người” lao động trên biển được lực lượng chức năng triệt phá. 

MỚI - NÓNG