Cuộc thanh tra, vụ án nào cũng đều có “chạy”

Cuộc thanh tra, vụ án nào cũng đều có “chạy”
TP - Đây là thông tin được Tổng Thanh tra Chính phủ Trần Văn Truyền khẳng định với báo chí sau khi báo cáo trước Quốc hội việc thực hiện Luật Phòng, chống tham nhũng.
Cuộc thanh tra, vụ án nào cũng đều có “chạy” ảnh 1
Tổng Thanh tra Chính phủ Trần Văn Truyền trao đổi với báo chí

Về hai nội dung đang được dư luận hết sức quan tâm là thanh tra tại Tổng Cty Hàng không Việt Nam và thanh tra tại Ngân hàng Nhà nước, ông Trần Văn Truyền nói:

Việc thanh tra hai đơn vị nói trên có rất nhiều nội dung và đến nay đã kết thúc. Thủ tướng đã kết luận về việc thanh tra ở Tổng Cty Hàng không Việt Nam, riêng việc thanh tra Ngân hàng Nhà nước dự kiến trong thời gian ngắn nữa Thủ tướng sẽ có kết luận chính thức.

Thưa ông, trong trường hợp sau khi nghe giải trình của các đơn vị có liên quan, Thủ tướng không đồng ý với kết luận của cơ quan thanh tra thì sao?

Với trường hợp thanh tra do Thủ tướng chỉ đạo, phải chờ Thủ tướng kết luận, dĩ nhiên chúng tôi tuân thủ tuyệt đối ý kiến của Thủ tướng, nhưng bên cạnh đó luật pháp và trách nhiệm cũng cho phép cơ quan thanh tra được kiến nghị.

Tinh thần là cơ quan thanh tra sẽ làm đến cùng trách nhiệm của mình, trong trường hợp nếu thấy kết luận của cấp trên chưa thật xác đáng thì chúng tôi hoàn toàn có thể đưa ra kiến nghị của riêng mình. Vừa qua có một số vụ việc Thủ tướng đã kết luận rồi, nhưng chúng tôi thấy cần thiết phải xem xét lại và kiến nghị với Thủ tướng, Thủ tướng đã đồng ý xem xét lại và  không ít vụ đã được điều chỉnh sau khi xem xét.  

Thủ tướng sẽ có biện pháp thích đáng

Thưa ông, việc thanh tra cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà cho thấy tính chất, mức độ sai phạm là rất nghiêm trọng (sai phạm về tài chính ở 33 tỉnh đã thanh tra lên tới 211 tỷ 184 triệu đồng) nhưng việc xem xét, xử lý chưa nghiêm minh, chủ yếu là xử lý kỷ luật hành chính (434 người)?

Các dạng sai phạm phổ biến được phát hiện qua thanh tra là sai về trình tự, thủ tục cấp giấy chứng nhận; sai về đối tượng cấp giấy chứng nhận; sai về diện tích, nguồn gốc đất và đặc biệt là tình trạng không giao trả giấy chứng nhận theo đúng thời hạn.

Những cán bộ bị kỷ luật là những người có trách nhiệm trong những cái sai nêu trên và để chậm trễ trong việc cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu đất và nhà, không loại trừ chậm trễ vì có tiêu cực, chúng tôi đã kiến nghị cho thôi việc nhiều trường hợp chứ không dừng lại ở việc khiển trách.

Tuy nhiên, phải phân biệt ở đây là thanh tra chuyên đề về cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và nhà, còn không thanh tra về các nội dung như quản lý, quy hoạch, cấp đất, bán đất...

Theo ông, nên chăng có những biện pháp mạnh hơn đối với những cán bộ có sai phạm trong việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và nhà?

Đó là điều cần thiết, cơ quan thanh tra cũng đã có kiến nghị như vậy. Ở đây, trách nhiệm trước hết thuộc về Bộ Tài nguyên và Môi trường, sau đó là Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố. Các bộ và địa phương để xảy ra sai phạm phải chịu trách nhiệm trước Thủ tướng, tôi nghĩ rằng Thủ tướng sẽ có thái độ và biện pháp thích đáng.

Hệ thống pháp luật sửa chỗ này vênh chỗ khác

Nhiều địa phương báo cáo không có tham nhũng, ông nghĩ sao?

Trong khi chúng ta đánh giá tham nhũng đang diễn biến phức tạp, nghiêm trọng trên nhiều lĩnh vực, thì đi vào cụ thể từng địa phương, từng bộ, ngành không ít nơi lại báo cáo không phát hiện tham nhũng.

Rõ ràng tinh thần tự giác, tự làm trong thực hiện Luật Phòng, chống tham nhũng còn yếu. Tới đây, đơn vị nào báo cáo không có tham nhũng mà cấp trên hoặc nhân dân phát hiện được thì phải xử lý trách nhiệm của người đứng đầu.

Vì sao qua thanh tra phát hiện nhiều sai phạm về kinh tế nhưng số tiền thu hồi được thường rất ít?

Những sai phạm phát hiện  được qua thanh tra thường từ nhiều nguồn, có nguồn do thiếu trách nhiệm, có nguồn do cố ý làm trái, có nguồn do tiêu cực, tư lợi, vụ lợi, thậm chí tham ô... Đến khi cơ quan thanh tra kiến nghị thu hồi thì chỉ kiến nghị những vụ việc có khả năng thu hồi, còn có những việc không có khả năng thu hồi thì dĩ nhiên là không thể kiến nghị.

Việc thực hiện thu hồi như thế nào còn là trách nhiệm của các đơn vị phải chấp hành thu hồi, ví như chúng tôi kiến nghị thu hồi ở Tổng Cty A thì Bộ chủ quản phải giám sát thu hồi chứ bản thân cơ quan thanh tra không có trách nhiệm  trực tiếp thu hồi.

Cơ quan thanh tra chỉ quyết định thu hồi việc nào đã rõ trong quá trình thanh tra và chuyển vào tài khoản thanh tra. Có thể nói hiện nay quy định pháp luật chưa có chế tài cụ thể trong các vấn đề trên, chúng tôi đã kiến nghị sửa Luật Thanh tra để có chế tài mạnh mẽ hơn.

Thưa ông, có một số vụ án nghiêm trọng mà Thủ tướng yêu cầu phải đưa ra xét xử trong năm 2006 nhưng đến nay vẫn chưa kết thúc?

Để xảy ra tình trạng này là do sự phối hợp giữa các cơ quan chức năng  chưa thật sự đồng bộ. Có những vụ án cơ quan điều tra đã chuyển hồ sơ sang Viện kiểm sát, nhưng Viện kiểm sát lại chuyển trở lại yêu cầu cơ quan điều tra tiếp tục điều tra bổ sung. Đã điều tra bổ sung thì phải có thời gian, có những vụ án phải điều tra bổ sung nhiều lần, nên không thể kết thúc ngay. Tuy nhiên, về việc này Thủ tướng đã liên tục chỉ đạo, yêu cầu công khai tiến độ điều tra, công khai tiến độ xét xử, tinh thần chung là xử lý khẩn trương theo đúng pháp luật.

Bây giờ hầu hết vụ án nghiêm trọng đều đã quá hạn theo pháp luật, nên vừa rồi Thủ tướng có giao trách nhiệm cho các Bộ trưởng có liên quan là phải kiểm điểm trách nhiệm của các đơn vị thuộc quyền để xem xét tiến độ thực hiện.

Tôi xin nói là bất cứ cuộc thanh tra nào, bất cứ vụ án nào cũng đều có “chạy” tội, có thể “chạy” trực tiếp, “chạy” gián tiếp, “chạy” nhiều hay “chạy” ít là tùy ở vụ việc cụ thể, vấn đề là người đứng đầu cơ quan thanh tra phải nêu gương, phải có cơ chế giám sát và giao trách nhiệm rõ ràng với cấp thi hành trực tiếp. Vừa qua, một số trường hợp có sai phạm “chạy” trực tiếp đến tôi, ngay sau đó tôi đã báo cáo Thủ tướng, đồng thời đề nghị cơ quan chức năng phải truy xét trách nhiệm của những trường hợp đó...

Thưa ông, khi còn cơ chế xin-cho, còn thủ tục hành chính rườm rà…, thì rất khó phòng, chống tham nhũng?

Mục tiêu và quyết tâm của Chính phủ là công khai, minh bạch và sửa cơ chế, việc này không thể làm trong ngày một ngày hai. Thường hệ thống pháp luật của mình sửa chỗ này lại vênh chỗ kia, nhưng trước hết cần xác định rõ cơ chế trách nhiệm, đã có kiến nghị thì phải có người thực hiện kiến nghị đó, nếu không thực hiện thì phải có biện pháp xử lý.

Điều quan trọng với những trường hợp cụ thể là phải làm rõ trách nhiệm của người đứng đầu. Quy định trách nhiệm người đứng đầu ít nhiều đã có, nhưng đến nay chưa có trường hợp nào xử lý người đứng đầu. Những người đứng đầu bị cách chức, bị khiển trách vì thiếu trách nhiệm còn quá ít.

Xin cảm ơn ông.

Võ Văn Thành ghi

MỚI - NÓNG