Nhân 70 năm, ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh thoát khỏi nhà tù Tưởng Giới Thạch:

Cuộc trở về ngoạn mục

Bác Hồ ở Cao Bằng năm 1950, bên cạnh là đồng chí cận vệ Chu Phương Vương (dân tộc Tày, Cao Bằng) được Bác đặt tên là Định. Ảnh: Tư liệu
Bác Hồ ở Cao Bằng năm 1950, bên cạnh là đồng chí cận vệ Chu Phương Vương (dân tộc Tày, Cao Bằng) được Bác đặt tên là Định. Ảnh: Tư liệu
TP - Trong những thời khắc mà sinh/tử chỉ cách nhau gang tấc, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đi những nước cờ, thực thi những kế sách cao siêu để giành chiến thắng trở về lãnh đạo thắng lợi công cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc.
Cuộc trở về ngoạn mục ảnh 1

Báo cáo của Hồ Chí Minh tại hội nghị các đoàn thể ở hải ngoại

Sau “Mười bốn trăng tê tái gông cùm” trong các nhà tù Tưởng Giới Thạch, cuối cùng ngày 10/9/1943, Hồ Chí Minh ra tù. Ra tù, nhưng vẫn bị lưu lại Cục Chính trị Đệ tứ chiến khu tại Liễu Châu để “xem xét và cảm hóa”. Rất biết tình thế và hoàn cảnh của một người tù bị giam lỏng, Hồ Chí Minh kiên trì chờ thời và cơ hội để trở về Tổ quốc. Người nỗ lực rèn luyện thân thể (chạy bộ, tắm nước lạnh, leo núi...), tìm cách liên lạc về trong nước (thường dùng cách bí mật và hiệu quả là viết thư trên mép trắng của tờ Quảng Tây nhật báo bằng nước cơm, gửi về nước.

Ở nhà nhận được, đem cồn iốt bôi lên, dòng chữ viết bằng nước cơm sẽ hiện rõ). Một trong những bức thư đó đã được chuyển tới khu căn cứ địa Lam Sơn (huyện Hòa An, tỉnh Cao Bằng) có nội dung: “Chúc Chư huynh mạnh khỏe, bên này vẫn bình yên”! Phía dưới là một bài thơ chữ Hán:

Núi ấp ôm mây, mây ấp núi

Lòng sông gương sáng, bụi không mờ

Bồi hồi dạo bước Tây Phong Lĩnh

Trông lại Trời Nam, nhớ bạn xưa.

(Bản dịch)

Khi đó, ở Liễu Châu, có một tổ chức gọi là “Việt Nam cách mạng đồng minh hội” do Trương Phát Khuê, Tư lệnh Đệ tứ chiến khu lập ra từ cuối năm 1942, chuẩn bị lực lượng cho “Hoa quân nhập Việt”. Tổ chức này là tập hợp của nhiều phe nhóm người Việt ở hải ngoại, kình chống nhau kịch liệt, nội bộ có nhiều mâu thuẫn.

Trương Phát Khuê quá chán ngán, muốn cải tổ Việt Nam cách mạng đồng minh hội mà chưa tìm được người xứng đáng làm “minh chủ” thì chợt “nhìn ra” “người tù giam lỏng” Hồ Chí Minh - Chính là Nguyễn Ái Quốc, người lãnh đạo cao nhất của Việt Minh, được đông đảo quần chúng ủng hộ.

Trương Phát Khuê quyết định mời Hồ Chí Minh tham gia Ban chấp hành Việt Nam cách mạng đồng minh hội trong kế hoạch cải tổ của mình. Hồ Chí Minh đã nhận lời và tham gia “tích cực” quá trình cải tổ Việt Nam cách mạng đồng minh hội.

Cuộc trở về ngoạn mục ảnh 2

Thẻ đại biểu dự hội nghị của Hồ Chí Minh

Tại sao biết Việt Nam cách mạng đồng minh hội do Nguyễn Hải Thần làm Chủ tịch là một tổ chức phản động, tạp nham, chống phá cách mạng mà Hồ Chí Minh vẫn tham gia? Ấy là do, Hồ Chí Minh dựa vào đó để thực thi kế sách Phản khách vi chủ (Biến khách thành chủ) tìm cơ hội trở về. Thực tế lúc ấy, Việt Nam cách mạng đồng minh hội được Trương Phát Khuê bảo trợ! Những kẻ “lãnh đạo” dựa thế Quốc dân Đảng Tưởng Giới Thạch để “làm ăn”, ảnh hưởng rất nhiều đến phong trào cách mạng Việt Nam.

Thông qua quá trình “cải tổ”, đưa lực lượng của ta vào để kiềm chế và lái hoạt động của tổ chức này theo hướng tích cực, có lợi cho cách mạng trong nước. Lực lượng của ta lúc đầu còn ít (ở vị thế là khách), dần dần sẽ tăng lên, lấn át, nắm quyền chủ động lãnh đạo (chuyển sang vị thế là người chủ) - Đó là cốt lõi của kế sách Phản khách vi chủ trong Tam thập lục kế mà Hồ Chí Minh thực thi ở Liễu Châu.

Quá trình “cải tổ” Việt Nam cách mạng đồng minh hội đã diễn ra đúng như trù tính của Hồ Chí Minh. Tham gia cải tổ Việt Nam cách mạng đồng minh hội, Hồ Chí Minh và các đồng chí của mình đã trải qua nhiều cuộc đấu lý gay gắt và quyết liệt với nhóm Nguyễn Hải Thần, buộc họ phải đồng ý đổi việc triệu tập đại hội Đại biểu toàn quốc Việt Nam cách mạng đồng minh hội thành triệu tập Hội nghị đại biểu các đoàn thể cách mạng ở hải ngoại.

Nước cờ này đã tạo điều kiện để các lực lượng cách mạng của ta tham gia với số đông, là điều kiện quan trọng để Phản khách vi chủ thắng lợi. Hồ Chí Minh đề nghị, trong hội nghị đại biểu các đảng phái cách mạng ở hải ngoại cần có sự tham gia của đại biểu mặt trận Việt Minh trong nước và đại biểu một số tổ chức và cơ sở Việt Minh và các đoàn thể quần chúng... 

Trương Phát Khuê chấp nhận và giao cho Hồ Chí Minh dự thảo kế hoạch tiến hành hội nghị. Hồ Chí Minh nhanh chóng hoàn thành bản dự thảo. Trương Phát Khuê rất ưng ý.

Hội nghị đại biểu các đoàn thể ở hải ngoại họp tại hội trường của Bộ tư lệnh Đệ tứ chiến khu từ ngày 25 đến ngày 28/3/1944. 15 đại biểu thuộc “phe ta” (Đại biểu Đảng Cộng sản Việt Nam, đại biểu mặt trận Việt Minh, đại biểu hội giải phóng dân tộc, đại biểu nhân sĩ Việt Nam, v.v...) dự hội nghị, còn “phe” Nguyễn Hải Thần, Vũ Hồng Khanh... chỉ có 8 người. 

Rõ ràng, người của ta ở thế áp đảo trong hội nghị. Hồ Chí Minh và Lê Tùng Sơn (Đại biểu Hội giải phóng Vân Nam) được bầu vào ban chấp hành. Tại hội nghị, Hồ Chí Minh đọc báo cáo, giới thiệu phong trào giải phóng dân tộc và tình hình các đảng phái trong nước, rất được hoan nghênh.

Tham gia cải tổ Việt Nam cách mạng đồng minh hội, Hồ Chí Minh và các đồng chí của mình đã trải qua nhiều cuộc đấu lý gay gắt và quyết liệt với nhóm Nguyễn Hải Thần.

Như thế là kế sách “Phản khách vi chủ” được Hồ Chí Minh thực thi rất có kết quả tại hội nghị và sau đó, tổ chức này hoạt động theo “sự chỉ đạo” của ta, tạo điều kiện để Hồ Chí Minh trở về nước. Hội nghị đại biểu các đoàn thể hải ngoại là một hội nghị cực kỳ quan trọng đối với phong trào cách mạng Việt Nam và cá nhân Hồ Chí Minh, chính vì vậy mà Hồ Chí Minh giữ gìn tấm thẻ dự hội nghị rất kỹ. 

Sau này, vào năm 1957, người đã tặng Bảo tàng Cách mạng Việt Nam hai hiện vật quý để trưng bày, đó là tấm thẻ đại biểu và bản báo cáo Người đọc tại hội nghị (xin xem bản chụp in trong bài).

Việc tổ chức thành công hội nghị và những việc làm sau đó của Việt Nam cách mạng đồng minh hội làm Trương Phát Khuê rất hài lòng, nhưng Hồ Chí Minh không chỉ nhằm tới đó mà đích cuối cùng là làm thế nào để trở về! Một kế hoạch mới đã được vạch ra và thực thi ngay sau đó.

Tháng 7/1944, Hồ Chí Minh gửi Bộ tư lệnh Đệ tứ chiến khu bản “Kế hoạch về Việt Nam công tác” với mục đích và nhiệm vụ chính: “Truyền đạt quyết tâm của chính phủ Trung Quốc ủng hộ nhân dân Việt Nam giải phóng dân tộc; Phát triển tổ chức Việt Nam cách mạng đồng minh hội trong nước; Chuẩn bị để đón quân đội Trung Quốc và quân Đồng Minh vào Việt Nam.” Hồ Chí Minh còn đề xuất một số việc “cần làm ngay” trong đó có việc, Hồ Chí Minh dẫn một số cán bộ cốt cán bí mật về nước, chuẩn bị cơ sở để đón “Hoa quân nhập Việt”. 

Đề xuất đó rất trúng ý Trương Phát Khuê (và Tiêu Văn - Trung tướng, phụ trách Hoa quân nhập Việt) nên Bộ tư lệnh Đệ tứ chiến khu, sau khi thỉnh thị ý kiến cấp trên đã chuẩn y, cấp kinh phí và giấy tờ để ngày 9/8/1944 Hồ Chí Minh dẫn 18 cán bộ cốt cán về nước. Ngày 20/9/1944, Người và các đồng chí của mình đã vượt cửa khẩu Bình Mãng, trở về Tổ quốc sau hơn 2 năm xa cách.

Đây chính là việc thực thi kế sách “Ve sầu lột xác” (Kim thiền thoát xác) một cách hoàn hảo, bởi vì sau hội nghị hải ngoại về danh nghĩa Nguyễn Hải Thần, Vũ Hồng Khanh vẫn giữ vị trí “lãnh đạo tối cao” nhưng họ chẳng làm gì, chỉ là cái xác đua nhau ăn chơi, đục khoét, mọi việc thực chất là do lực lượng của ta (là hồn) điều hành và chi phối.

Nội bộ Việt Nam cách mạng đồng minh hội đã dần “đoàn kết” và làm được nhiều việc, vai trò của Hồ Chí Minh càng được khẳng định nên việc Hồ Chí Minh dẫn lực lượng cốt cán về nước càng củng cố và nâng cao vị thế tổ chức Việt Nam cách mạng đồng minh hội của Nguyễn Hải Thần ở Liễu Châu! Tuy nhiên họ không thể hiểu (và ngờ) rằng khi Hồ Chí Minh “thoát khỏi” Liễu Châu thì Việt Nam cách mạng đồng minh hội (Việt Cách), chỉ còn lại là cái xác chẳng làm được việc gì.

Sau này bè lũ Nguyễn Hải Thần theo đuôi quân Tưởng về Việt Nam, tranh quyền lãnh đạo với Chính phủ nước Việt Nam Dân Chủ Cộng hòa do Chủ tịch Hồ Chí Minh lãnh đạo, gây cho cách mạng rất nhiều khó khăn.

Bảy mươi năm đã qua (1944 - 2014), nhìn lại những dấu mốc lịch sử, ta càng cảm nhận được tài trí vĩ đại của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Thành phố Cao Bằng đầu năm 2014.

MỚI - NÓNG
Cựu Giám đốc Trung tâm Công nghệ sinh học TPHCM bị cáo buộc nhận hối lộ 14,4 tỷ đồng
Cựu Giám đốc Trung tâm Công nghệ sinh học TPHCM bị cáo buộc nhận hối lộ 14,4 tỷ đồng
TPO - Cơ quan điều tra cáo buộc, bị can Dương Hoa Xô có trách nhiệm thực hiện đúng các quy định của pháp luật để triển khai mua sắm thiết bị, song quá trình thực hiện, ông chỉ đạo cấp dưới "thông đồng" với Công ty AIC để nâng khống giá gây thiệt hại cho Nhà nước. Đổi lại, bị can được phía AIC hối lộ 14,4 tỷ đồng.