Cước viễn thông: Sẵn sàng chiến dịch đại hạ giá!

Cước viễn thông: Sẵn sàng chiến dịch đại hạ giá!
Bộ BC&VT vừa yêu cầu Tổng công ty Bưu chính viễn thông giải trình năng lực mạng và việc thực hiện các dự án đầu tư mạng viễn thông để trên cơ sở đó xem xét đề nghị giảm cước dịch vụ di động.
Cước viễn thông: Sẵn sàng chiến dịch đại hạ giá! ảnh 1
Giảm giá nhưng chất lượng dịch vụ có được bảo đảm?                                 ảnh: Hồng Vĩnh

Nếu được phê duyệt phương án giảm giá, thì cước của các dịch vụ viễn thông chủ chốt của VNPT sẽ giảm ồ ạt.

Điều này khiến khách hàng được hưởng lợi, nhưng sẽ đẩy các đối thủ của VNPT đến tình cảnh tiến thoái lưỡng nan: hoặc là bị cuốn theo “cơn lốc” giảm giá hoặc là mất thị phần.

Cước di động giảm 19%?

Phương án cuối cùng được VNPT đưa ra để trình Bộ BC&VT giảm khoảng 19% so với mức cước hiện tại. “Bằng cách này hay cách khác giá cước di động (của VNPT) cũng có thể…”.

Ông Nguyễn Minh Sơn – Phó Vụ trưởng Vụ Kế hoạch Tài chính Bộ BC&VT nói lấp lửng như vậy trong khi cho Tiền Phong biết chưa thể trả lời được việc có phê duyệt phương án giảm cước di động của VNPT sớm hay không.

Tuy nhiên, đại diện của các doanh nghiệp đối thủ của VNPT đều nhận định rằng gần như chắc chắn Bộ sẽ sớm phê duyệt phương án giảm cước di động của VNPT sau nhiều lần yêu cầu nhà cung cấp này điều chỉnh. Vì sao Bộ lại phê duyệt vào thời điểm này?

Giới viễn thông cho rằng sau một thời gian “nghe ngóng”, Bộ đã quyết định đây là thời điểm “chín muồi”. Bộ đã làm động tác “dàn hòa” với các doanh nghiệp từng “cự nự” rất nhiều về phương án giá cước của VNPT bằng cách yêu cầu doanh nghiệp điều chỉnh về mức giá hơn.

Song, điều quan trọng nhất là cơn sóng gió VNPT – Viettel xung quanh vấn đề kết nối đã tạm lắng xuống. Bộ BC&VT sau một thời gian chèo chống nay đã có thể rảnh tay giải quyết vấn đề này.

Liên quan đến yêu cầu giải trình năng lực mạng của Bộ, ông Trần Mạnh Hùng – Phó Tổng GĐ VNPT cho biết với 330 trạm phát sóng BTS đã được Vinaphone lắp đặt, doanh nghiệp này có thể đáp ứng thêm 1,6 triệu số. Số lượng này, theo ông Hùng, là “đủ dùng”.

Còn năng lực của MobiFone có thể đáp ứng cho lượng khách hàng từ nay đến hết quý 1 sang năm. “Bộ (BC&VT) lo năng lực mạng không đáp ứng được lượng khách hàng tăng nhanh sau khi giảm cước. Nhưng theo kinh nghiệm của chúng tôi, khách hàng sẽ khó có thể tăng đột biến. Phải sau 3 -  4 tháng mới có thể thấy được xu thế tăng”. - ông Hùng nói. Như vậy, VNPT đã chuẩn bị sẵn sàng cho cuộc “đại hạ giá” đối với dịch vụ di động.

Cá lớn nuốt cá bé: Khách hàng lợi hay thiệt?

Chỉ cách đây ít ngày, VNPT vừa được Bộ cho phép giảm cước điện thoại cố định đường dài. Từ 1/7, VNPT cũng đã giảm cước Internet tốc độ cao ADSL đến mức tối đa với 4 gói, trong đó chỉ với 28.000 đồng/tháng cước thuê bao, bất cứ ai cũng có thể dùng công nghệ chỉ cách đây 1 năm còn được coi là xa xỉ này.

Nếu được phê duyệt, giá cước mới của 2 mạng Vinaphone và MobiFone sẽ rẻ hơn mức cước hiện tại khoảng 19%, cụ thể như sau: Đối với dịch vụ trả trước: 1.000 - 1.182 đ/30 giây; đối với dịch vụ trả sau: cước thuê bao từ 50.000 – 72.727 đ/tháng, cước liên lạc từ 636 - 727 đ/30 giây.

Những động thái liên tiếp này của VNPT đã giáng đòn “chí mạng” vào các đối thủ, đặc biệt là các doanh nghiệp chiếm thị phần thấp. Bầu không khí ngột ngạt đang bao trùm các doanh nghiệp đối thủ của VNPT.

Một lãnh đạo của Viettel khẳng định đơn vị này sẽ theo đến cùng cuộc đua giảm giá. “Quan điểm của Viettel là giá dịch vụ của Viettel luôn thấp hơn của VNPT. VNPT giảm cước di động thì chúng tôi cũng sẽ có phương án giảm”. – Vị lãnh đạo quả quyết.

Đối thủ được xem là lớn nhất của VNPT này ngày 25/7 vừa qua cũng đã kịp đưa ra 7 gói cước dịch vụ ADSL mới và đang xem xét giảm cước điện thoại cố định đường dài nhằm chống lại những cú “ra đòn” của VNPT.

Đại diện của Viettel cho biết nếu giảm giá điện thoại cố định đường dài, dịch vụ 178 rất có thể sẽ phải chịu lỗ. “Nhưng chúng tôi bằng mọi giá sẽ duy trì dịch vụ 178 bởi đó là dịch vụ đầu tiên. Nó đã gắn với thương hiệu của Viettel”.

Trong khi đó, bình luận về khả năng Bộ BC&VT cho phép VNPT giảm nốt cước di động, Tổng GĐ Saigon Postel Trịnh Đình Khương than thở: “Đó là vấn đề sinh tử đối với chúng tôi”. Còn ông Hồ Hồng Sơn - GĐ Điều hành S-Fone, đơn vị trực thuộc Saigon Postel nói rằng tùy vào mức độ giảm giá cụ thể của VNPT, đơn vị này sẽ đưa ra giải pháp đối phó.

Tuy nhiên, ông Sơn cũng thừa nhận S-Fone chỉ có 2 con đường, mà con đường nào cũng đều bất lợi: hoặc là không giảm giá để chịu mất dần thị trường hoặc là phải giảm cước để chịu thiệt thòi về kinh tế. “Cách cạnh tranh tốt nhất của chúng tôi là phải mở rộng vùng phủ sóng, phát triển thêm nhiều dịch vụ mới”.

Ngày 4/8 vừa qua, S-Fone đã phủ sóng đến Huế và Đà Nẵng nâng tổng số địa phương được phủ sóng lên 33 tỉnh, thành. Ông Sơn cho biết dự kiến vào đầu tháng 10, S-Fone sẽ phủ sóng khoảng 40 – 45 tỉnh và phấn đấu đầu năm 2006 sẽ phủ sóng toàn quốc.

GĐ Cty NetNam Trần Bá Thái thừa nhận không thể nào đủ sức tham gia cuộc đấu về giá.

Theo tính toán của NetNam, giá cước ADSL đã rẻ hơn dịch vụ dial-up (quay số trực tiếp) tới 5 lần. Saigon Postel cũng vừa tuyên bố không tham gia thị trường dịch vụ ADSL vì không đủ tiềm lực. Theo nhận định của giới chuyên gia,  chỉ có những doanh nghiệp với hạ tầng lớn và lượng khách hàng lớn mới có khả năng tồn tại. Những người khổng lồ đó không ai khác là VNPT, Viettel và FPT.

Các chuyên gia kinh tế nhận định rằng thị trường viễn thông đang đón đợi những thay đổi rất lớn. TS Nguyễn Quang A – Chủ tịch Hội đồng Quản trị Ngân hàng TMCP các doanh nghiệp ngoài quốc doanh trong một cuộc hội thảo mới đây đã cảnh báo rằng nếu cứ chạy đua giá cước, rất có thể sẽ đến lúc khách hàng sẽ “lãnh đủ” bởi chất lượng dịch vụ viễn thông khó có thể được đảm bảo.

Nhà kinh tế Lê Đăng Doanh - Ban nghiên cứu của Thủ tướng nhận định một kịch bản có thể sẽ xảy ra của bất cứ cuộc cạnh tranh khốc liệt nào: Nhà cung cấp không còn đủ sức chạy đua có thể sẽ bị phá sản. Theo ông Doanh, đứng về góc độ người tiêu dùng, cuộc chạy đua giảm cước là điều có lợi cho người tiêu dùng và xã hội.

“Giả sử có doanh nghiệp nào phá sản thì đã có những nhà cung cấp lớn hơn mua lại. Người tiêu dùng cũng chẳng ảnh hưởng gì vì chỉ có ông chủ thay đổi, dịch vụ vẫn còn đó”. Nhưng xét về lợi ích doanh nghiệp, đây là thiệt thòi lớn đối với các nhà cung cấp dịch vụ viễn thông có ít lợi thế. “Vì vậy cơ quan chủ quản là Bộ BC&VT cần có những chính sách hài hòa lợi ích của cả người tiêu dùng và doanh nghiệp để cùng nhau phát triển”. – TS Doanh nói.

Câu hỏi mà nhiều người lo ngại là “con cá lớn” sau khi đã nuốt tất cả những “con cá bé” này có độc quyền trở lại như đã từng độc quyền? “Sẽ rất khó có khả năng xảy ra tình trạng này bởi luật cạnh tranh đã có hiệu lực, theo đó doanh nghiệp không được lợi dụng vị trí thống lĩnh thị trường của mình để độc quyền được”. – TS Doanh khẳng định.

Trong khi đó, TS Nguyễn Quang A cảnh báo dù đang phải cạnh tranh với nhau, các doanh nghiệp cần phải hợp lực hỗ trợ nhau, không nên để xảy ra tình trạng “cá lớn nuốt cá bé” để có thể tham gia vào cuộc cạnh tranh khốc liệt khi thời điểm nền kinh tế Việt Nam bước vào sân chơi WTO đang cận kề. 

MỚI - NÓNG
Chưa nghỉ lễ đã 'cháy' tour du thuyền vịnh Hạ Long
Chưa nghỉ lễ đã 'cháy' tour du thuyền vịnh Hạ Long
TPO - Những chuyến du thuyền ngắm vịnh Hạ Long đã được đặt kín từ 2-3 tháng trước nên dự báo không đủ sức cung ứng cho dịp 30/4-1/5 cho khách nội địa. Do đó, đại diện một số doanh nghiệp lữ hành chia sẻ rằng liên tục phải từ chối hàng chục cuộc gọi đặt tour này mỗi ngày trong thời gian gần đây. 
Nữ thần Đài Loan lười biếng
Nữ thần Đài Loan lười biếng
TPO - Quách Bích Đình khiến khán giả mong chờ khi trở lại với show Tỷ tỷ đạp gió rẽ sóng sau thời gian dài tạm ngừng hoạt động nghệ thuật để lo cho gia đình. Tuy nhiên, biểu hiện của nữ diễn viên trong show gây nhiều tranh cãi.