Cưới chồng, xây mộ cho voi

Ngà voi luôn bị các “voi tặc” tìm cách cưa trộm.
Ngà voi luôn bị các “voi tặc” tìm cách cưa trộm.
TP - Thuở chưa xa, voi là biểu tượng giàu sang sung túc của nhiều buôn làng Tây Nguyên. Nhưng rồi, voi Tây Nguyên ngày càng vắng bóng vì những kẻ ác tâm săn đuổi, bắn giết. Rừng lùi xa khiến môi trường sống của voi bị thu hẹp. Thương quý voi, mỗi khi voi qua đời, chủ voi đều than khóc, làm lễ cúng và xây mộ cho voi “yên nghỉ” .

Hiếu, hỉ đời voi

Bà con trong buôn N’drếch, xã Ea Huar (huyện Buôn Đôn, Đắk Lắk) kể cho chúng tôi nghe về 2 con voi xấu số. Câu chuyện về voi trong sự thương tiếc, nghẹn ngào.

Voi đực Pắc Kú thân thiện, thông minh được dân làng và trẻ em yêu thích. Chú có cặp ngà dài 1m đẹp mê mẩn, du khách chiêm ngưỡng ai cũng khen ngợi. Nhưng cũng chính vì thế mà Pắc Kú bị kẻ xấu giết hại dã man hòng cướp cặp ngà. Mùa hè năm 1978, những Gru (thợ săn voi giỏi) săn được Pắc Kú từ rừng đưa về thuần dưỡng. Năm 1988, một người ở huyện Chư Sê (Gia Lai) dùng những vật dụng quý hiếm để đổi lấy chú về nuôi. Sau 21 năm xa đàn và buôn làng, năm 2009 Pắc Kú được đón về làm việc tại khu du lịch sinh thái Bản Đôn.

Đêm 16/10/2010, khi Pắc Kú được xích ở bìa rừng, đám trộm voi vì muốn chiếm đoạt cặp ngà đã tẩm xăng đốt phần đầu và mông khiến Pắc Kú hoảng loạn. Voi càng lồng lên chạy thì càng bị dây xích siết chặt vào cây. Khi bị chúng chém tới tấp vào thân, Pắc Kú vùng lên bứt đứt xích chạy thoát thân. Sáng ra, nài voi vào rừng không thấy Pắc Kú, chỉ thấy những vũng máu loang lổ trên nền đất. Từ chỗ cột voi, lần theo vết máu ở các bụi cây ven đường khoảng 5 km thấy Pắc Kú mình bê bết máu đang dùng vòi quấn những ngọn lá  đưa lên miệng ăn để tự chữa trị vết thương.

Người ta đếm được trên người Pắc Kú 217 vết chém. Riêng phần đầu và mông bị bỏng nặng. “Nghe người nhà gọi tên, nó gượng dậy nhưng không nổi. Một dòng nước mắt mờ đục chảy đau đớn. Pắc Kú cố lết về nhà nhưng lại khuỵu xuống. Bà con trong buôn dựng nó dậy, lấy vải bọc các vết thương”- Già Ama Thim nghẹn ngào nhớ lại.

Chị Nguyễn Lê Thanh Thảo (quản lý khu du lịch sinh thái Bản Đôn) người chăm sóc, thân thiết voi Pắc Kú cho biết: Để chữa trị cho Pắc Kú, công ty đã phải nhờ Chi cục Kiểm lâm Đắk Lắk, Chi cục Thú y và cả bác sĩ thú y nước ngoài đến cứu chữa. Hằng ngày Pắc Kú được đắp lá cây rừng, uống thuốc để làm lành vết thương. Trong lúc chữa trị, nhiều lần Pắc Kú kiệt sức, không thể đứng vững đã khuỵu chân nằm xuống. Voi không bao giờ nằm lâu, một khi voi nằm mà không dậy được thì chúng sẽ chết.

Sau gần 3 tháng đau đớn, ngày 6/1/2011 ở tuổi 33 voi Pắc Kú ra đi để lại nỗi nhức nhối cho bà con trong buôn. Những ngày đào huyệt chôn Pắc Kú, gia đình chị phải nhờ tới lực lượng công an, bộ đội, phân công nhân viên trong công ty ngày đêm canh giữ xác Pắc Kú, vì mỗi ngày có hàng chục kẻ lạ rình rập quanh nơi để xác voi. Khi mộ voi được đổ bê tông dày nặng kiên cố,  mọi người mới an tâm là xác voi Pắc Kú sẽ không còn bị bọn “voi tặc” quấy nhiễu.

Voi cái H’Panh được vua săn voi Ama Kông thuần dưỡng năm 1955, sau đó bán cho một người dân ở huyện Krông Pắk. Năm 2003 khu du lịch sinh thái Bản Đôn mua lại nuôi dưỡng và phục vụ du lịch. H’Panh từng chở nhiều đoàn khảo sát khám phá các dãy núi xa. Trong một lần đưa đoàn khảo sát lên núi, H’Panh phát hiện một đàn thú dữ và phát tín hiệu báo hiệu cho đoàn biết. Sau 2 ngày gom khách chạy lạc trong rừng, H’Panh đã đưa mọi người về nhà an toàn.

Cưới chồng, xây mộ cho voi ảnh 1

Mộ voi PắcKú và voi H’Panh.

Cụ H’Tít ở xã Ea Huar kể: Nhớ nhất khi voi H’Panh làm cô dâu! Lúc bấy giờ, trong buôn có chú voi đực tên Y Khăm rất khoẻ và hoạt bát đã hút hồn H’Panh. Mùa đông năm đó là mùa động dục, voi H’Panh và Y Khăm rủ nhau vào rừng 2 tháng rưỡi. Theo quan niệm của đồng bào, voi du lịch và voi của đồng bào nếu chưa có danh phận mà mang bầu thì chủ voi sẽ bị phạt rất nhiều trâu bò. Vì thế, chủ voi H’Panh bèn làm lễ cưới chồng cho H’Panh. Tại buổi lễ, cô dâu H’Panh và chú rể Y Khăm được mặc áo mới đứng cạnh nhau. Các sính lễ: heo, bò, rượu cần được chuẩn bị chu đáo trong tiếng trống chiêng vang lừng từ sáng đến chiều tối.

Năm 2005, khi được thả ăn trong rừng cách khu du lịch chừng 3 km, H’Panh ăn phải vỏ cây rừng và trúng độc. Sau một tuần chữa trị không hiệu quả, voi H’Panh ra đi ở tuổi 55.

Luật tục bảo vệ voi

Trong khuôn viên khu du lịch sinh thái Bản Đôn (xã Ea Huar, Buôn Đôn), mộ hai voi Pắc Kú và H’Panh  nằm trên một mô đất cao rộng chừng 50m2, được dựng khung lợp mái như một ngôi nhà. Hai ngôi mộ đắp bằng xi măng tạc hình voi theo thế voi phục nằm cạnh nhau, sau mỗi mộ có dựng tấm bia đá ghi tóm tắt tiểu sử của voi.

Chị Thanh Thảo chia sẻ: Pắc Kú và H’Panh khi còn sống được mọi người yêu thương như thành viên trong gia đình. Nhiều du khách đến đây đều ghé đặt những bông hoa hay thắp nén hương tỏ lòng thương tiếc. Hiện chị đang sưu tầm hình ảnh, viết lại những mẫu chuyện về voi Pắc Kú và H’Panh. Sau đó lập khu trưng bày các hiện vật bên cạnh mộ voi để khách tham quan có thể chiêm ngưỡng, tìm hiểu loài động vật thông minh này.

Già Y Khăm (62 tuổi, huyện Buôn Đôn) cho biết, đồng bào M’Nông có một hệ thống luật tục bảo vệ voi: khi voi chết, cả buôn làng không được đánh cồng chiêng, không được uống rượu, hát dân ca, phải ngưng việc lên nương rẫy và tiến hành mai táng voi như với một người con của buôn làng về với đất mẹ. Nếu làm voi mang thương tích nặng phải cúng một trâu, một ché rượu. Làm voi chết phải đền con voi khác. Trộm voi, cướp voi phạt một ché rượu, một con heo hoặc trâu. Ai nhổ trộm lông đuôi voi phải đền 1 con heo, 3 ché rượu lớn và tiền tùy theo mức chủ voi đưa ra, còn sợi lông voi bị trộm sẽ bị đốt trong lễ cúng tạ lỗi với thần. Các lễ cúng sức khỏe cho voi, cúng xóa khi voi chửa, voi đẻ, mai táng khi voi chết…

Cưới chồng, xây mộ cho voi ảnh 2

Voi chở du khách lội sông SêRêPốk.

Tại huyện Lắk,  ông Lê Văn Quyết (nguyên phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk) chồng bà H’Ang RơYam (ở buôn Lê, thị trấn Liên Sơn), là chủ voi H’Khun, tâm sự:  “Voi H’Khun ngày xưa hiền lành và thông minh. Từ khi còn bé xíu nó sống với gia đình chúng tôi, cả dòng họ xem nó như một thành viên trong gia đình”. Ông Quyết trầm ngâm nhớ lại: Vào năm 2011, voi H’Khun bị kẻ xấu chặt đứt đuôi. Do tuổi cao và mất máu nhiều nên H’Khun chết ở tuổi 60. Cũng vì tiếc thương nên gia đình đã tổ chức đám tang cho H’Khun theo đúng tập tục của đồng bào: chuẩn bị rượu cần, gà, heo. Thầy cúng đọc lời khấn để cầu cho linh hồn H’Khun được siêu thoát. Làm xong mọi thủ tục, gia đình thuê máy múc đào đất để chôn cất voi.

Bà H’ Iêng (huyện Lắk) cho biết: Trong buôn mỗi lần voi chết chủ voi làm lễ cúng y như cúng cho một con người. Gia đình nào có điều kiện thì xây mộ tạc tượng hình voi, làm bờ rào canh giữ cẩn thận. Do kẻ xấu ngày càng độc ác trong việc giết hại voi để lấy ngà và các bộ phận khác của voi, ở đây hầu như khi chôn voi chỉ người trong gia đình biết, chôn xong đất được san bằng như lúc đầu để phòng bọn xấu đào lên lấy trộm. Chúng tôi quan niệm chỉ cần chôn cất voi xuống lòng đất, bảo toàn thi thể thì voi sẽ luôn ở bên cạnh.

Ông Huỳnh Trung Luân, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Voi Đắk Lắk, cho biết, năm 1980, Đắk Lắk có 502 con voi nhà và hơn 2.000 voi hoang dã. Nhưng đến nay, toàn tỉnh chỉ còn 41 voi nhà, 60 - 65 voi hoang dã.
MỚI - NÓNG
Trung ương Đoàn trao tặng công trình số hoá khu di tích lịch sử tại Điện Biên
Trung ương Đoàn trao tặng công trình số hoá khu di tích lịch sử tại Điện Biên
TPO - Trung ương Đoàn thực hiện 3 công trình số hóa các di tích lịch sử, địa chỉ đỏ cho tỉnh Điện Biên nhân dịp kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, gồm: Điểm Di tích Sở Chỉ huy Chiến dịch Điện Biên Phủ ở Mường Phăng, Điểm Di tích Đồi A1 và Điểm Di tích Trung tâm đề kháng Him Lam (Đồi Him Lam), với tổng trị giá 300 triệu đồng.