Cuối năm 2019, TPHCM sẽ thực hiện 'chính quyền số'

Giải quyết thủ tục cấp giấy chứng nhận nhà đất tại huyện Hóc Môn. Đây là thủ tục người dân còn than phiền nhiều nhất ở TPHCM.Ảnh: H.T
Giải quyết thủ tục cấp giấy chứng nhận nhà đất tại huyện Hóc Môn. Đây là thủ tục người dân còn than phiền nhiều nhất ở TPHCM.Ảnh: H.T
TP - Đó là khẳng định của Phó Chủ tịch UBND TPHCM Trần Vĩnh Tuyến tại hội nghị sơ kết kết quả triển khai thí điểm ghi nhận, đánh giá sự hài lòng của người dân tại một số quận, huyện và kế hoạch triển khai phương pháp ghi nhận, đánh giá hài lòng của người dân toàn thành phố do UBND TPHCM tổ chức chiều 2/7.

Dân “chấm điểm” cán bộ

Sáng 2/7, tại UBND phường Trường Thạnh (quận 9), đơn vị được chọn thí điểm thực hiện mô hình chuẩn tích hợp, anh Hoàng (29 tuổi) đến làm thủ tục khai sinh cho con gái vừa lọt lòng. Anh được cán bộ phụ trách tư pháp, hộ tịch của phường tận tình hướng dẫn cách đăng ký, đăng nhập và điền các thông tin cần thiết vào hệ thống. Hài lòng với sự tận tâm phục vụ của cán bộ thụ lý hồ sơ, anh Hoàng bấm chọn “tốt” khi hệ thống yêu cầu đánh giá chất lượng phục vụ.

Theo quan sát của PV Tiền Phong, các loại giấy tờ anh Hoàng mang theo để làm thủ tục như giấy chứng sinh của bệnh viện, giấy đăng ký kết hôn, hộ khẩu,… đều được cán bộ phường scan thành bản mềm để lưu trên hệ thống, sau đó trả lại bản chính cho người dân.

“Với hệ thống điện tử này, bất cứ thời điểm nào, tôi cũng có thể đăng nhập vào để kiểm tra hồ sơ của mình đã được giải quyết đến đâu, khác với trước đây hoàn toàn không biết, chỉ căn cứ theo thời hạn ghi trên biên nhận mà đến thôi. Có khi đến mà hồ sơ vẫn giải quyết chưa xong”, anh Hoàng cho hay.

Ông Hồ Ngọc Tùng, quyền Chủ tịch UBND phường Trường Thạnh cho biết, UBND phường được UBND TPHCM trang bị đầy đủ các trang thiết bị cần thiết như máy scan,  máy in, 2 máy tính bảng,... UBND phường đã thực hiện các thủ tục đăng ký khai sinh, cấp thẻ BHYT cho trẻ dưới 6 tuổi; khai tử, đăng ký/xóa thủ tục thường trú. Mô hình mới đã góp phần giảm phiền hà cho người dân khi đến làm thủ tục. Hệ thống sẽ lập tức thông báo cho người dân hồ sơ có được tiếp nhận hay không. Người dân dễ tra cứu thông tin về hồ sơ của mình khi đăng nhập vào hệ thống và an tâm hơn khi có thể theo dõi tiến độ giải quyết hồ sơ, thủ tục của mình, đồng thời tiết kiệm đáng kể thời gian làm thủ tục.

“Đến nay phường nhận được 14 lượt đánh giá, trong đó các mục đánh giá như cán bộ thân thiện; hướng dẫn rõ ràng; lời nói, trang phục của cán bộ có 11 lượt chọn tốt và 3 lượt chọn bình thường”, ông Tùng cho hay.

Tại UBND quận Tân Phú, bà Hứa Thị Hồng Đang, Chủ tịch UBND quận cho biết, quận được chọn thí điểm thủ tục cấp giấy đăng ký kinh doanh; cấp giấy phép xây dựng nhà ở riêng lẻ. Đến nay, UBND quận đã giải quyết 47 hồ sơ cấp phép xây dựng nhà ở riêng lẻ; 23 hồ sơ đăng ký khai sinh, 7 hồ sơ khai tử,… và không có hồ sơ giải quyết trễ hẹn.

“Người dân có thể đánh giá từ khâu tiếp nhận đến khi hoàn thành, mới hoàn toàn so với trước đây. UBND quận vận động người dân tham gia đánh giá ngay từ khâu tiếp nhận hồ sơ cũng như hướng dẫn cách đánh giá. Tổng hồ sơ quận tiếp nhận giải quyết là 120 hồ sơ, nhận được 195 ý kiến đánh giá, trong đó 194 ý kiến đánh giá tốt, chỉ có 1 ý kiến đánh giá bình thường”, bà Đang cho biết.

Phải biết sợ khi dân không hài lòng

Theo lãnh đạo UBND quận Tân Phú, người dân đánh giá cao việc giải quyết thủ tục trên hệ thống như có thể dễ dàng tra cứu hồ sơ, theo dõi hồ sơ qua mạng. Tuy nhiên, do mới triển khai nên người dân chưa quen cách tiếp nhận hồ sơ mới. Một số cán bộ công chức chưa thuần thục và còn lúng túng khi vận hành nên thời gian tiếp nhận còn kéo dài.

Phó Chủ tịch UBND TPHCM Trần Vĩnh Tuyến khẳng định từ 3 quận huyện và 9 phường xã thị trấn đang thí điểm, TPHCM sẽ nhân rộng mô hình chính quyền số trên địa bàn toàn thành phố từ cuối năm 2019.

“UBND TPHCM quyết tâm xây dựng chính quyền số, giúp xây dựng các dịch vụ trực tuyến cấp độ 3, 4, mô hình phòng họp không giấy. TPHCM cần phải đánh giá sự hài lòng của người dân toàn diện hơn nữa, bằng việc khuyến khích 100% người dân đến làm thủ tục tham gia đánh giá chất lượng phục vụ người dân của cán bộ, công chức”, ông Tuyến lưu ý.

Lãnh đạo UBND TPHCM nhìn nhận có thực tế nhiều nơi báo cáo tỷ lệ hài lòng đạt 97 - 98% nhưng con số này không chính xác vì có nơi tỷ lệ người dân tham gia chấm điểm cán bộ chỉ đạt 50 - 60% số người đến làm thủ tục. Với khối lượng mỗi năm phải giải quyết lên đến 14 triệu hồ sơ, tỷ lệ 1% không hài lòng thì đã tương ứng với 140 nghìn lượt người.

Theo Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Thiện Nhân, vừa qua, TPHCM đã thực hiện hình thức giải quyết hồ sơ cho người dân kèm theo đánh giá hài lòng nhưng một nơi làm một cách. Các số liệu đo lường sự hài lòng chưa thực sự chính xác. Việc thực hiện chính quyền số là bởi TPHCM luôn quan tâm đến sự hài lòng của người dân. Nếu không bức xúc trước nhu cầu người dân thì sẽ không làm bởi cứ 5 năm, TPHCM tăng 1 triệu người. 1 triệu người có nhu cầu làm thủ tục hành chính.

“3 năm rồi thứ hạng của TPHCM không cao. Chỉ số cạnh tranh cấp tỉnh từ hạng 8 tụt xuống hạng 10. Người dân không hài lòng thì mình phải biết sợ, biết lo. Làm sao đến cuối năm, bức tranh cải cách hành chính khởi sắc để bà con vui hơn khi đến cơ quan hành chính làm thủ tục”, ông Nhân nói.

“Sự hài lòng của người dân quyết định đến sự thành bại. Phải xem sự hài lòng của người dân là thước đo”.
Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Thiện Nhân

Tại hội nghị sơ kết, ông Võ Sĩ, Phó chánh Văn phòng UBND TPHCM cho biết, từ ngày 20/6, UBND TPHCM đã thực hiện thí điểm mô hình chuẩn tích hợp theo Nghị định 61 của Chính phủ đối với 4 thủ tục hành chính tại 3 quận huyện và 9 phường xã thị trấn. UBND 3 quận huyện thí điểm các thủ tục cấp giấy phép xây dựng nhà ở riêng lẻ và đăng ký cấp giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh và đăng ký thuế. Riêng UBND 9 phường xã - thị trấn thí điểm thủ tục đăng ký khai sinh, đăng ký thường trú, cấp thẻ bảo hiểm y tế cho trẻ dưới 6 tuổi, đăng ký khai tử, xóa đăng ký thường trú. 

MỚI - NÓNG
Kiểm toán Nhà nước cảnh báo dấu hiệu mất an toàn tài chính tại một số doanh nghiệp
Kiểm toán Nhà nước cảnh báo dấu hiệu mất an toàn tài chính tại một số doanh nghiệp
TPO - Kiểm toán Nhà nước (KTNN) chỉ ra những thiếu sót, bất cập, đồng thời đưa ra khuyến nghị giúp các tập đoàn, tổng công ty nhà nước hoàn thiện, nâng cao hiệu quả quản lý tài chính công, tài sản công. Đáng chú ý, KTNN cũng cảnh báo một số doanh nghiệp có dấu hiệu mất an toàn về tài chính.
Năm học 2023-2024, Hà Nội được bổ sung 2.648 biên chế giáo dục.
Hà Nội thiếu hơn 16.000 biên chế giáo dục
TPO - Số biên chế sự nghiệp giáo dục của thành phố Hà Nội thiếu so với định mức do Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định là 16.004 người. Năm học 2023- 2024, thành phố đề nghị được giao thêm 8.939 biên chế khối giáo dục nhưng chỉ được bổ sung 2.648 biên chế.