Cuối năm, nghe chuyện biên cương

Cuối năm, nghe chuyện biên cương
TP - Đến với các chiến sĩ Biên phòng Lạng Sơn trong dịp cuối năm, cảm thấy rõ sự ổn định, vững chắc của đường biên giới quốc gia sau khi phân giới, cắm mốc. Và nghe anh em kể về giai đoạn gian nan trước khi đạt được sự ổn định đó.

> 'Đặc sản' Tết ở Sư đoàn 2

Từ trái qua: Thượng tá Phạm Quốc Huy (Chỉ huy trưởng Đồn BP 59) ,Thượng tá Nguyễn Anh Tuấn (Chủ nhiệm Chính trị Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh Lạng Sơn), Trung tá Đào Xuân Trường (Chính trị viên Đồn BP 59). Ảnh: Bình Minh
Từ trái qua: Thượng tá Phạm Quốc Huy (Chỉ huy trưởng Đồn BP 59) ,Thượng tá Nguyễn Anh Tuấn (Chủ nhiệm Chính trị Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh Lạng Sơn),
Trung tá Đào Xuân Trường (Chính trị viên Đồn BP 59). Ảnh: Bình Minh .
 

Nguyên Chủ tịch Hội Văn nghệ Lạng Sơn Nguyễn Trường Thanh giới thiệu tôi với Thượng tá - Chủ nhiệm Chính trị BĐBP Lạng Sơn Nguyễn Anh Tuấn - người có lẽ là một trong số sĩ quan trẻ nhất nước được phong hàm Thượng tá Biên phòng, khi mới 34 tuổi.

Mười lăm phút và mười lăm năm

Nguyễn Anh Tuấn quê ở Đan Phượng, Hà Tây, nay là Hà Nội, nhập học trường sĩ quan Biên phòng khi tròn 17 tuổi. Đạt loại giỏi nên khi ra trường, ở tuổi 20 (khóa học diễn ra trong 3 năm), anh đã được phong quân hàm trung úy...

Khi được hỏi về "sự kiện" đáng ghi nhớ nhất trong quãng thời gian làm người lính bảo vệ biên cương, Thượng tá Nguyễn Anh Tuấn trầm ngâm một lát rồi chậm rãi: Để tôi kể cho nhà văn, nhà báo nghe về "sự kiện" này, chỉ cần tóm tắt trong vòng 15 phút, nhưng để có được 15 phút này, những người lính Biên phòng chúng tôi đã mất tới...15 năm trời! Đó là chuyện bảo vệ toàn vẹn cột mốc số 44 trong những năm chưa phân định và cắm mốc biên giới”.

Cột mốc 44 nằm tại vùng Chi Ma, nơi đây hầu như quanh năm mờ sương, gió ẩm ướt, khí hậu cực kỳ khắc nghiệt. Có câu "Ruồi vàng - Bọ chó - Gió Chi Ma". Đầu những năm 90, khi ta làm đường chỉ còn cách mốc này 63m thì không thể tiếp tục thi công vì bị cản trở. Với tinh thần phải bảo vệ từng tấc đất của Tổ quốc, một mặt, cán bộ chiến sĩ ta xác định quyết tâm "bám trụ" đến cùng với phương châm một tấc không đi, một li không rời; mặt khác, tuyên truyền, vận động bà con sống quanh vùng cùng tham gia bảo vệ cột mốc.

Ngoài việc nghiên cứu tỉ mỉ các Hiệp ước, Hiệp định đã ký kết, các chiến sĩ ta còn vẽ, mô tả chi tiết từng quả đồi, nhánh đường, cây cối, hòn đá, vạt cỏ vừa để phổ biến rộng rãi cho bà con, vừa để đấu tranh khi bị lấn chiếm. Ta hoàn toàn thắng về lý, nhưng phải đối mặt với hiện tượng đêm đêm cột mốc bị xê dịch. Cán bộ chiến sĩ đã quyết định dựng lều ngày bên cạnh cột mốc và cắt cử mỗi ngày một "Tổ bám trụ" gồm 7 chiến sĩ thường trực 24/24.

Hàng ngày, các chiến sĩ không trong phiên trực sẽ có trách nhiệm chuẩn bị cơm, nước, vật dụng sinh hoạt cần thiết, vượt đồi mang lên cho "tổ bám trụ". Cứ như vậy suốt 5.000 ngày đêm giữa khí hậu vô cùng khắc nghiệt, mưa, gió, sương giá, rắn, rết, sinh hoạt thiếu thốn trăm bề, các chiến sĩ Biên phòng đã giữ cột mốc 44 đúng vị trí, đến nay, được xác định ở cấp Quốc gia và đổi thành cột mốc 1224!

Ngôi mộ trên đường biên

Tới thăm đồn biên phòng 59, chúng tôi được đãi bữa cơm rất ngon miệng trong khung cảnh nơi biên cương hùng vĩ. Tất cả các món lợn rừng, gà đồi, vịt, rau muống, rau bí, bí đao vv...?đều do các cán bộ chiến sĩ của đồn tăng gia. Không chỉ tăng gia sản xuất dùng cho sinh hoạt nội bộ, Đồn 59 còn gửi biếu bà con dân bản trong vùng và hướng dẫn kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt cho bà con...?

Gợi lại kỷ niệm sâu sắc trong quá trình tham gia bảo vệ đường biên, Trung tá Đào Xuân Trường, Chính trị viên Đồn, nhắc ngay đến "bản Khơ Đa" - nơi anh được các già bản nhận là "người con của bản". Anh kể: "Dạo đó, ra trường được 3 năm, tôi được phân công về làm Đội trưởng Đội chống lấn chiếm. Bản Khơ Đa thuộc khu vực Kéo Mạnh Tân.

Ngay sát đường biên, bên cột mốc 1102/2 về phía đất thuộc chủ quyền của nước ta, có một ngôi mộ của gia đình người Việt Nam an táng từ năm 1948. Giữa những năm 90, ban đêm cột mốc hay bị lấn chiếm, di dời. Còn có cả việc hài cốt trong ngôi mộ bị khai quật để sâu vào lãnh thổ ta.

Cán bộ, chiến sĩ ta đã rất tỉnh táo gặp gỡ bà con và gia đình có ngôi mộ để tuyên truyền, ổn định tinh thần không manh động, nhưng thống nhất kiên quyết chôn lại và bảo vệ cột mốc 1102/2.

Để làm được điều đó, lực lượng Biên phòng đã tư vấn cho UBND huyện Văn Lãng phát động phong trào yêu nước, toàn dân tham gia cùng BĐBP bảo vệ chủ quyền, đồng thời giữ vững mồ yên mả đẹp cho người đã khuất. Các cán bộ chiến sĩ BP đã tổ chức Tổ đặc biệt chống lấn chiếm gồm 12 -15 đồng chí gan dạ, khỏe mạnh, tập dượt các phương án nghiệp vụ, luyện tập thể dục, võ thuật, nghiên cứu kỹ các Hiệp định, Hiệp ước.

Đối với bà con trong vùng thì thực hiện phương châm "Gốc nhãn có kẻng - Gốc bưởi có mõ" để bất cứ khi nào có hiện tượng lấn chiếm thì gõ 3 tiếng và toàn bộ bà con nhất loạt có mặt bên cạnh Tổ đặc biệt chống lấn chiếm để bảo vệ cột mốc.

Sau khi chuẩn bị mọi phương án, các chiến sĩ ta đã cùng gia đình chọn đêm mồng 1 Tết Nguyên đán, đào lại thật sâu ngôi mộ đã bị phá lấp, rồi đổ bê tông kiên cố và xây lại ngôi mộ đẹp đẽ, vững chắc. Sáng hôm sau, ngôi mộ đàng hoàng, hiên ngang trên đường biên giới với sự bảo vệ của "Tổ đặc biệt".

Cứ như vậy trong suốt gần 10 năm trời dưới sự canh giữ của Bộ đội Biên phòng và bà con, ngôi mộ và cột mốc đã được bảo vệ an toàn tuyệt đối. Cho đến năm 2004 khi ngôi mộ và cột mốc 1102/2 được xác định ở cấp quốc gia, tất cả bà con và các chiến sĩ đều vui mừng khôn tả, cùng nhau reo vang "Nơi đây, người đã khuất cũng cùng chúng tôi bảo vệ vững chắc biên cương”.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG