Cưới quê, mời cả làng

Cưới quê, mời cả làng
TP - Nhiều gia đình ở Hoài Đức- Hà Nội làm đám cưới cho con cái linh đình với 200-500 mâm cỗ, ăn liên miên cả mấy ngày rồi bù lỗ hàng chục triệu đồng.
Cưới quê, mời cả làng ảnh 1

Nhà chị Nguyễn Thị L (Minh Khai, Hoài Đức, Hà Nội) làm đám cưới cho con trai. Nhà khá giả, bạn bè đông, chị L mời cả làng. Khách mời lên đến mấy nghìn. Gia đình chị L phải nhờ một đội nấu cỗ trong xóm 20 người về phục vụ.

Cả tạ giò chả được xếp kín một khoảng sân, ba tạ thịt lợn chất ngất một đống to, 300 củ su hào chất cao như đống rạ,  200 mớ rau cần; rồi gà vịt, chưa kể hàng chục rổ lớn đựng xúp lơ, cà rốt, hành tây.

Lúc đầu dự trù có 450 mâm nhưng thiếu, sau lại phải chạy thêm 50 mâm nữa mới đủ.

Tiến sĩ Trịnh Hòa Bình - Viện Xã hội học cho rằng các nơi còn ăn cưới theo lối trả nợ miệng là tập tục không văn minh và dường như là hình thức bắt nợ nhau. “Nó có căn nguyên trong hệ quy chiếu dòng tộc đua chen con gà tức nhau tiếng gáy của văn hóa làng xã”.

“Tiền cỗ cưới nhà tôi mất 100 triệu đồng, tiền thuê xe đón dâu ở xa là 10 triệu, tiền ảnh cưới cũng 20 triệu, tiền cho nhà gái cũng cả 10 triệu, 400 lít bia hơi, gần nghìn quả cau mất đứt thêm 10 triệu. Tổng cộng tốn hơn 150 triệu đồng”.

Không có điều kiện như nhà chị L, nhà chị M ở Minh Khai cũng chạy đôn chạy đáo để cưới con. Nhà nuôi sẵn mấy chục ngan nên tiền cưới  cũng giảm ít nhất chục triệu. Nhưng sau đám cưới vẫn phải vay trả nợ.

Không chỉ ở Minh Khai mà nhiều gia đình ở các xã Dương Liễu, Cát Quế, Thị trấn Trôi của Hoài Đức cũng nổi tiếng về ăn cỗ cưới to.

Nhà chị  Trần Thị K (Dương Liễu) vừa cưới con mà thành tay trắng. Có con gái rượu, anh chị quyết tổ chức cưới thật hoành tráng: “Đã ăn cưới của làng. Giờ cưới con mình, không mời đầy đủ thì bị cười chê”.

Tính trung bình chi phí một đám cưới ở xã Minh Khai (Hoài Đức, Hà Nội) thường lên tới 75 triệu đồng (ít nhất 200 mâm). Nhưng tiền mừng thu về chẳng đáng là bao “Cả đại gia đình đến ăn cỗ cưới mừng 30- 50 nghìn; hãn hữu khách xa mới có người mừng 100 nghìn đồng”, chị K bộc bạch

Đám cưới nghèo của nhà chị K biện hơn 200 mâm cỗ, gần 2.000 khách. Thế mà chị tính vẫn là cỗ thiếu! Nhiều người cầm tiền đến mừng gia chủ phải ngồi chờ cỗ.

Cả nhà phải đôn đáo vét thực phẩm chợ trên, chợ dưới, nấu vội thêm mấy chục mâm cỗ mới chuộc lại được thiện tình của làng trên xóm dưới.

Cỗ cưới ở Hoài Đức, Hà Nội đôi khi còn là dịp để thể hiện đẳng cấp. Để trả nợ miệng, cưới xong, nhiều gia chủ khánh kiệt, vừa cưới vừa mếu.

Chị L buồn rầu: “Đám cưới may mắn thu lại được 70 triệu. Còn cả mấy chục triệu tiền lỗ”.

Chị K, sau khi làm cỗ cưới nghèo hơn 200 mâm, thu về 30 triệu đồng. “Khổ nỗi, bạn bè của con mừng một lần mà ăn cả hai ngày liền, anh em hàng xóm bỏ việc nhà đến nấu cỗ giúp đã là may, còn mừng thì chỉ đại diện. Nhà tôi bù lỗ ít cũng 30 triệu đồng”- Chị than thở.

MỚI - NÓNG