Cướp giật lễ vật do quá mê tín

Đánh nhau ở Hội Gióng. Ảnh: Zing
Đánh nhau ở Hội Gióng. Ảnh: Zing
TP - Trao đổi với Tiền Phong về tình trạng bạo lực cướp giật lễ vật ở các lễ hội, ông Lê Như Tiến, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội, cho rằng, đây là những hành động phi văn hóa, phi tín ngưỡng, thể hiện sự mê tín thái quá dẫn đến cực đoan. 

Mùa lễ hội mới bắt đầu, nhưng những biểu hiện cực đoan thái quá cũng đã xuất hiện, cụ thể là mới đây tại lễ hội đền Gióng (Sóc Sơn, Hà Nội), người dân sử dụng gậy gộc, bạo lực để cướp giật lễ vật cầu may. Ông nhìn nhận thế nào về hiện tượng trên?


Từ đầu năm đến nay tôi đi đến nhiều lễ hội và nhận thấy đã có những chuyển biến tích cực so với các năm trước. Tuy nhiên ở một vài nơi vẫn còn tình trạng chèo kéo, “chặt chém” du khách; nặng về yếu tố thương mại hóa và thông qua lễ hội để đạt được lợi ích vật chất, phục vụ cho lợi ích nhóm. 

Ở một số lễ hội còn có biểu hiện mê tín dị đoan thái quá khi tiền lẻ được ném ở khắp nơi, từ gốc cây, tượng phật cho đến hòn non bộ. Đặc biệt mới đây nhất tại lễ hội đền Gióng, Sóc Sơn (Hà Nội) xảy ra tình trạng dùng vũ lực, gậy gộc, giầy dép để cướp giật lễ vật gây ra sự hỗn loạn. Đây là bạo lực thực sự, chứ không còn là phong tục, tập quán, tín ngưỡng nữa. Cuối cùng lực lượng công an phải vào cuộc. Và sáng nay (25/2 – PV) khi tôi đến thì thấy mọi việc đã trở lại trật tự. Lực lượng công an được duy trì ở một số nơi để bảo đảm an ninh trật tự. 

Nguyên nhân của tình trạng trên là do đâu, thưa ông?

Lễ hội là thể hiện thuần phong mỹ tục, thể hiện tính nhân văn, nhân bản, thể hiện sự tôn sư trọng đạo. Đến với nhà chùa, lễ hội là để hướng tâm, chứ không phải đến đó để giành giật, ăn cướp lễ vật. Người ta đang cúng bái cả một mâm lễ vật mà lại dùng bạo lực, gậy gộc lao vào để cướp giật. Hành vi trên là phi văn hóa, phi tín ngưỡng, không còn coi thứ tự trên dưới là gì nữa. Nguyên nhân theo tôi là do sự mê tín thái quá. Nhưng thực tế sẽ chẳng có may mắn, hạnh phúc nào đến với hành vi cướp giật cả. Hơn nữa lễ vật chỉ là biểu tượng chứ không có giá trị về vật chất. Nếu không có bàn tay lao động, không có sự cần cù, chịu khó thì không có may mắn nào đến với mình cả. 

Theo ông, cần phải có giải pháp gì để các lễ hội hoạt động đúng nghĩa là một nét đẹp về phong tục, tập quán, tín ngưỡng của người Việt?

Tổ chức lễ hội đã khó rồi nhưng duy trì được lễ hội để giữ được thuần phong mỹ tục, giữ được vẻ đẹp truyền thống còn khó hơn rất nhiều. Vì thế để làm được điều đó, trước hết chúng ta cần phải tăng cường tuyên truyền, giáo dục để người dân hiểu rằng, đưa tiền đút lót, hối lộ, mua chuộc thần thánh, hay cướp giật lễ vật đều là những việc không đúng, không đem lại may mắn. Chỉ có lao động cần cù, sáng tạo mới có thể đem lại cho họ cuộc sống sung túc, đầy đủ. Nếu người dân không hiểu thì có bao nhiêu lực lượng đi nữa cũng không thể ngăn chặn được những hiện tượng mê tín cực đoan thái quá.

Một vấn đề nữa là việc giữ gìn an ninh trật tự cũng phải được chú trọng hơn. Thực tế, từ khi chúng ta thực hiện việc đưa lễ hội về cho nhân dân địa phương tự quản lý thì ở một số nơi chính quyền cũng bỏ mặc, không quan tâm đến công tác bảo đảm an ninh trật tự. Đây cũng là lời cảnh báo, là bài học cho các nơi rút kinh nghiệm. Như hôm nay (ngày 25/2) với sự có mặt của các lực lượng chức năng, đặc biệt là lực lượng công an thì mọi việc diễn ra ở lễ hội đền Gióng đã trật tự, nề nếp hơn rất nhiều.   

Cảm ơn ông.

MỚI - NÓNG
Hà Nội: Một quận có tới 12 trường ngoài công lập
Hà Nội: Một quận có tới 12 trường ngoài công lập
TPO - Ở bậc THPT, Hà Nội hiện có hơn 100 trường tư thục. Trong đó, Quận Nam Từ Liêm có số lượng nhiều nhất với 12 trường. Mức học phí các trường từ 1,8 triệu đồng/ tháng đến gần 600 triệu đồng/ năm. Tuy nhiên, năm học 2024-2025, chỉ có 9 trường được Sở GD&ĐT Hà Nội giao chỉ tiêu tuyển sinh lớp 10.