Cướp “ngân lượng” game online, xử sao?

Cướp “ngân lượng” game online, xử sao?
Công an quận Hoàng Mai (Hà Nội) vừa triệu tập 4/5 người liên quan vụ cướp “ngân lượng” trong trò chơi trực tuyến Võ lâm truyền kỳ đến làm việc. Nạn nhân cũng như thủ phạm đã rõ nhưng cơ quan điều tra lại lúng túng về hướng xử lý.

Ngày 22/2, hai anh Nguyễn Lê Chiến Thắng và Âu Hoàng Nam đã đến Công an quận Hoàng Mai trình báo về việc bị trấn lột tiền ảo.

Theo đó, một tuần trước họ có hẹn bán 200.000 vạn lượng (tiền ảo trong game online Võ lâm truyền kỳ do Công ty VinaGame phát hành) có giá trị tương đương ba triệu đồng cho một số thanh niên.

Gặp nhau tại một tiệm Internet ở quận Hoàng Mai, sau khi mở tài khoản để “đối tác” nhìn thấy 200.000 vạn lượng, họ lập tức bị bên kia kiếm cớ đánh bầm tím mặt mũi rồi dùng dao khống chế, bắt đứng im để chuyển toàn bộ số ngân lượng này sang tài khoản khác.

Công an quận Hoàng Mai xác định được danh tính của năm “kẻ cướp ngân lượng” trên gồm: Nguyễn Bá Tuấn, Nguyễn Minh Tuấn, Lê Minh Tú, Trần Việt Hùng và một người tên Khang (đang bỏ trốn). Hiện công an quận đã triệu tập Bá Tuấn, Minh Tuấn, Tú và Hùng đến làm việc.

Tại cơ quan điều tra, họ khai sau khi thấy hai anh Thắng, Nam rao bán “ngân lượng” trên mạng, họ đã bàn nhau cướp số “ngân lượng” trên để đem bán được ba triệu đồng. Đáng nói là kết quả xác minh cho thấy nhóm này còn gây ra bảy vụ cướp “ngân lượng” khác với thủ đoạn tương tự.

Theo ông Đặng Văn Chiêu, cán bộ Đội điều tra tội phạm về trật tự xã hội Công an quận Hoàng Mai, thời gian qua tại Hà Nội xảy ra khá nhiều vụ cướp tiền ảo. Đây là một dạng vi phạm pháp luật mới liên quan đến công nghệ cao.

Tài sản bị chiếm đoạt tồn tại dưới dạng ảo và chưa có trong tiền lệ nên cơ quan chức năng rất lúng túng. Hiện công an quận đang xin ý kiến các ban ngành và nghiên cứu thêm để đưa ra hướng xử lý. “Công an quận Hai Bà Trưng cũng vừa phát hiện một vụ tương tự và đang chờ xem chúng tôi xử lý thế nào để rút kinh nghiệm” - ông Chiêu nói.

Cướp “ngân lượng” game online, xử sao? ảnh 1
Hai trong năm thủ phạm cướp tiền ảo bị Công an quận Hoàng Mai triệu tập đến làm việc: Lê Minh Tú (trái), Nguyễn Minh Tuấn.

Khởi tố được không?

Về quan điểm, Công an quận Hoàng Mai cho rằng cần phải khởi tố vụ án cướp tài sản nhưng phải chứng minh có hành vi cướp, cướp cái gì, hiện vật ra sao, có phải là tài sản hay không... Chưa kể rắc rối là để có hiện vật thì phải vào mạng Internet mới thể hiện được, đồng thời giá trị của hiện vật khá trừu tượng, có thể mua-bán ở nhiều mức khác nhau nhưng cũng có thể cho tặng, biếu không...

Không chỉ Công an quận Hoàng Mai lúng túng, các chuyên gia pháp luật khi được hỏi về vụ việc này cũng có nhiều quan điểm khác biệt.

Theo tiến sĩ Lê Thị Thu Thủy (giảng viên khoa Luật Đại học Quốc gia Hà Nội), năm thủ phạm trên có thể bị khởi tố về hành vi cướp tài sản. Tiến sĩ Thủy nói trong thời buổi hiện nay, các loại tài sản rất đa dạng và pháp luật vẫn chưa điều chỉnh hết được.

“Ảo” nhưng có thể đổi thành tiền thật

Công an quận Hoàng Mai đã xác minh tại Trung tâm dịch vụ khách hàng-Văn phòng VinaGame và được cung cấp: Game online có tên Võ lâm truyền kỳ phát hành hai loại thẻ mệnh giá 20.000 đồng và 60.000 đồng. Sau khi người chơi mua thẻ thì có thể quy đổi ra ba hình thức giờ chơi, ngày chơi hoặc kim nguyên bảo. Một thẻ 20.000 đồng đổi được một kim nguyên bảo, một thẻ 60.000 đồng đổi được bốn kim nguyên bảo. Trong khi chơi, người chơi có thể sử dụng kim nguyên bảo như một loại tiền ảo để nâng cấp trình độ, mua đồ ảo. Ngoài kim nguyên bảo còn có dạng tương tự là ngân lượng. Kim nguyên bảo có thể đổi thành ngân lượng với mức trung bình: Một kim nguyên bảo = 1.000 vạn lượng.

Vì vậy, người ta có quyền thỏa thuận mua bán những thứ tài sản hoặc hàng hóa nào đó mà pháp luật không cấm. Ở đây, “ngân lượng” trong game online cũng có thể coi là một loại hàng hóa và pháp luật không cấm mua bán nó. Nếu người nào đó có hành vi dùng vũ lực để cướp “ngân lượng” thì phải bị xử lý hình sự.

Đồng tình, luật sư Phạm Hồng Hải (Đoàn luật sư Hà Nội) phân tích thêm: Những đồ vật gì có thể định giá được, chuyển nhượng được thì là tài sản. Trong vụ việc này, vật chuyển nhượng (ngân lượng) có ý nghĩa đối với cả người mua lẫn người bán. Theo luật sư Hải, chỉ cần chứng minh “ngân lượng” có thể đổi được thành tiền thật là có thể khởi tố về tội cướp tài sản vì vụ việc đã thể hiện rõ một số tình tiết bạo lực như dùng dao khống chế, hành hung nạn nhân.

Ngược lại, kiểm sát viên Nguyễn Quang Long (VKSND huyện Long Điền, Bà Rịa-Vũng Tàu) cho rằng hai yếu tố cấu thành tội cướp tài sản là phải có hành vi dùng vũ lực và phải là tài sản. Trong trường hợp này, tuy có hành vi dùng vũ lực nhưng “ngân lượng” trong game online không được Bộ luật Dân sự quy định là tài sản.

Hơn nữa, dựa theo nguyên tắc suy đoán có lợi cho nghi can, một khi pháp luật không quy định đó là tài sản thì tất nhiên nghi can không bị xử lý về tội cướp tài sản. Còn hành vi hành hung nạn nhân, nếu chưa tới mức xử lý hình sự về tội cố ý gây thương tích thì chỉ có thể phạt hành chính.

Ở một hướng khác, luật sư Nguyễn Văn Tuấn (Đoàn luật sư TP.HCM) lại có ý kiến nên xử lý hành vi cướp “ngân lượng” trên dựa theo mục đích sử dụng. Theo đó, nếu năm thủ phạm cướp tiền ảo để bán lại cho người khác lấy tiền thật thì phải bị khởi tố về tội cướp tài sản bởi lúc đó tiền ảo đã chuyển hóa thành tiền thật. Tuy nhiên nếu họ sử dụng số tiền ảo cướp được chỉ để chơi game thì sẽ không đủ cơ sở khởi tố.

Như vậy, khởi tố được hay không hành vi chiếm đoạt tiền ảo trên mạng vẫn đang là vấn đề gây tranh cãi khi Bộ luật Hình sự chưa có quy định cụ thể. Trước thực trạng trấn lột, ăn trộm vật phẩm trong các trò chơi trực tuyến xảy ra không ít gần đây, một thẩm phán TAND tối cao nhận định việc xử lý loại hành vi này cần có văn bản hướng dẫn từ các cơ quan tố tụng có thẩm quyền. Nếu được hướng dẫn kịp thời, rất có thể cách xử lý vụ việc ở quận Hoàng Mai sẽ trở thành “tiền lệ pháp” để áp dụng cho những trường hợp tương tự.

Theo Khổng Thủy - Thanh Lưu
Pháp luật TPHCM

MỚI - NÓNG
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
TPO - Chiều 23/4, Đại tướng Phan Văn Giang - Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng cùng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên, đã tiếp xúc cử tri chuyên đề lấy ý kiến vào dự thảo Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên trước Kỳ họp thứ bảy, Quốc hội khóa XV.