Cúp điện luân phiên, trăm bề khốn khổ

Cúp điện luân phiên, trăm bề khốn khổ
TP - Nắng nóng gay gắt kéo dài diễn ra khắp nơi, đặc biệt ở miền Trung khiến cuộc sống của người dân, hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp ngày càng bị đảo lộn. Trong khi đó, điện vẫn được dự báo là sẽ bị cúp, tiết giảm ở nhiều nơi.

Cả tuần nay nhiệt độ ở Nghệ An có nơi lên tới 40 độ C. Nắng nóng kéo dài, điện cúp thường xuyên, cuộc sống của một bộ phận lớn dân cư bị đảo lộn. Hàng trăm người mang ghế ra lề đường hóng gió vì mất điện, các cửa hàng điện tử, điện lạnh nườm nượp khách. Quạt tích điện, quạt nước,  quạt cóc chạy bằng ắc quy và ắc qui kích điện bán chạy.

Anh Thắng phường Bến Thủy, TP Vinh sau đợt nắng đầu mùa, mua hai chiếc quạt tích điện nhưng thời lượng tích điện có hạn, anh được bạn bè mách mua loại quạt cóc 12 vôn dùng bằng bình ắc quy rất tiện lợi.

Theo quan sát của Tiền Phong tại hàng điện tử ở chợ Vinh, có ba mặt hàng được người dân chọn mua là quạt tích điện, quạt cóc dùng bằng ắc quy và đèn tích điện. “Quạt tích điện giá từ 350 đến 1 triệu đồng/chiếc. Riêng quạt cóc chạy bằng ắc quy mỗi chiếc giá từ 150 đến 220 nghìn đồng/chiếc, mỗi ngày bán gần 50 chiếc”, chị Lan chủ cửa hàng cho biết.

Theo tìm hiểu của PV Tiền Phong, với loại quạt tích điện có giá gần 1 triệu đồng có thể tích điện trong vòng 4 giờ đồng hồ, đèn tích điện giá từ 150 đến 550 nghìn đồng/chiếc.

Một số siêu thị điện máy ở Nghệ An mấy ngày gần đây các mặt hàng tích điện nằm trong tình trạng khan hàng. “Nhiều khách đến đặt hàng cả tuần nay nhưng siêu thị vẫn không có hàng nhập về”, một nhân viên siêu thị tại Vinh cho biết.

Cúp điện luân phiên, trăm bề khốn khổ ảnh 1

Nắng nóng, quạt điện đắt giá. Ảnh: Q.Long

Ngã tư chợ Vinh, địa điểm tập trung nhiều cửa hàng bán quạt điện, lượng khách đến mua quạt chống nóng tăng gấp đôi so với ngày thường. “Ngày cao điểm, tôi bán được gần 50 chiếc quạt các loại, nhiều hôm đông khách, cháy hàng!”, chị Nguyễn Thị Hoài, một chủ đại lý kể. Vào tháng 4-2010, quạt điện cơ DaVi giá bán lẻ 170.000 đồng/chiếc, nay tăng lên 220.000 đồng/chiếc.

Ngày 7-5, tại xã Tam Sơn, huyện Anh Sơn (Nghệ An), một trận lốc xoáy kèm theo mưa đá bất ngờ ập đến. Càn quét xã Tam Sơn trong vòng 20 phút.

Vào lúc 17h ngày 8-5, tại thị trấn Quỳ Châu xuất hiện lốc xoáy kèm mưa đá đường kính từ 1-2 cm. Gió giật cấp 9, cấp 10.

Trao đổi với Tiền Phong vào chiều qua, GĐ Đài Khí tượng Thủy văn Bắc Trung Bộ Trịnh Đăng Sơn cho biết, từ ngày 1 đến ngày 9-5-2010 tại địa bàn tỉnh Nghệ An xảy ra 4 trận gió lốc, làm tốc mái hàng trăm ngôi nhà, phòng học. Quang Long  

Tình trạng nắng nóng kết hợp với gió Lào và mất điện khiến học sinh, sinh viên lao đao, vì đang trong giai đoạn chuẩn bị bước vào mùa thi.

“Tại xã Tiên Điền (huyện Nghi Xuân, Hà Tĩnh), điện cúp 12h/ngày, học sinh ở trọ hết sức vất vả. Bốn, năm học sinh chen chúc nhau trong một phòng trọ chật hẹp, bốn phía nóng như lò gạch, thật không chịu nổi!”, Lê Thị Mai, HS lớp 12 Trường THPT Nguyễn Du (Hà Tĩnh) nói.

Tại Vinh, nhiều sinh viên mang cặp tài liệu đến Quảng trường Hồ Chí Minh (phường Trường Thi) để ôn thi vào ban đêm, dưới ánh đèn cao áp. Khuôn viên ĐH Vinh ban ngày chật ních sinh viên đến ôn thi.

Phòng ở chật chội, lại mất điện, tại một số khu trọ, SV góp tiền mua đèn tích điện để học bài. Tại thành phố Hà Tĩnh, dân đổ xô đi mua các mặt hàng chống nóng như quạt nước, tủ lạnh, máy điều hòa nhiệt độ.

Cúp điện luân phiên, trăm bề khốn khổ ảnh 2
SX thép  và chế biến hải sản

Trung tâm năng lượng Vũng Tàu bị cúp điện: Đời sống người dân, doanh nghiệp đảo lộn

Bà Rịa - Vũng Tàu (BR - VT) là một trong những trung tâm năng lượng lớn nhất nước (công suất 4,2 triệuKWh) chiếm gần 1/3  tổng sản lượng điện của cả nước  nhưng từ đầu tháng 4-2010 đến nay,  tỉnh này bị cắt điện triền miên.

Theo báo cáo của Điện lực BR- VT, tháng 4-2010, BR-VT được phân bổ 6,384 triệu kWh điện/ngày, trong đó nhu cầu tiêu thụ điện trên địa bàn tỉnh ước khoảng 7,8 triệu kWh điện/ngày.

Do thiếu điện nên từ đầu tháng 4-2010 đến nay, BR-VT áp dụng phương pháp cắt điện luân phiên ở các địa bàn dân cư. Điện lực BR-VT cho hay, tổng lượng điện tiết giảm một ngày vào khoảng 550 – 600 ngàn KWh, vẫn hụt so với kế hoạch mà Công ty Điện lực 2 giao.

Ở khu vực nông thôn như huyện Châu Đức, Xuyên Mộc thì tình trạng còn tệ hơn, điện cắt từ 7 giờ sáng đến 21 giờ đêm,  gây nhiều khó khăn cho sinh hoạt cũng như sản xuất kinh doanh của người dân.

Do thời tiết nắng nóng, lượng du khách đổ về Vũng Tàu ngày càng đông. Mật độ cắt điện tại các đô thị và TP Vũng Tàu khá dày và thời gian cắt điện kéo dài 12 giờ/ngày đã ảnh hưởng lớn đến hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp du lịch trên địa bàn BR-VT.

Cty cổ phần Điều dưỡng Du lịch Vũng Tàu (Medicoast) cho biết một ngày bị cắt điện, công ty phải tiêu tốn hơn 800 lít dầu để chạy máy phát điện. Giá dầu hiện tại là 14.600 đồng/lít, như vậy doanh nghiệp phải chi hơn 12 triệu đồng/ngày, trong khi nếu sử dụng điện lưới, một ngày Cty này chỉ phải trả gần 4 triệu đồng. Với lịch cúp điện như hiện nay, ước tính Cty phải bỏ thêm 180 triệu đồng/tháng để chạy máy phát điện.

Khách sạn 3 sao Sammy cho hay, chi phí tiền điện sẽ đội lên gần 140 triệu đồng/tháng. Khách sạn 4 sao Cap Saint Jacques tính toán cũng phải chi thêm 150 triệu đồng/tháng. Nhiều cơ sở di trú du lịch cho hay  tiền cho thuê phòng nhiều khi không bù đắp đủ tiền mua dầu diesel chạy máy phát điện. Ngành du lịch BR-VT bị thiệt hại nặng.

Mùa nguyên liệu ngành thủy sản bắt đầu từ tháng 4 kéo dài đến tháng 9 hàng năm. Năm nay, vừa vào mùa nguyên liệu chính thì cũng là lúc bị cúp điện triền miên hậu quả là các doanh nghiệp ngành thủy sản thiệt hại nặng nề vì thiếu điện sử dụng.

Công ty Cổ phần Thủy sản và Xuất nhập khẩu Côn Đảo đã phải trang bị cho mỗi xí nghiệp 2 máy phát công suất lớn 1.000 KVA và 500 KVA, dùng để chạy luân phiên đề phòng sự cố mất điện. Tính ra nếu chạy máy, Cty phải tốn 46 triệu đồng tiền dầu để sản xuất được một container hàng (20 tấn), thay vì chi phí 7,8 triệu đồng nếu sử dụng điện.

Ông Nguyễn Hữu Hiền, Phó Giám đốc Sở Công Thương BR-VT. cho biết hiện các Khu công nghiệp (KCN) của BR- VT sử dụng tới 4,5 triệu KWh điện/ngày, chiếm hơn 2/3 tổng sản lượng điện tiêu thụ toàn BR-VT. Trong  đó các nhà máy thép chiếm 80% sản lượng điện của các KCN. Một số nhà máy sử dụng lượng điện lớn trong tháng 3-2010 như: Nhà máy Thép Việt sử dụng 27 triệu KWh điện; Nhà máy Thép Phú Mỹ sử dụng 18 triệu KWh điện…

Đang trong thời điểm làm ăn thuận lợi, giá thép tăng cao, các nhà máy thép phải giảm công suất là một việc làm khó. Sở Công Thương và điện lực BR-VT  đặt ra mục tiêu là vận động các doanh nghiệp giảm khoảng 30% mức tiêu thụ điện.

Cúp điện luân phiên, trăm bề khốn khổ ảnh 3
Nông dân miền Trung tranh thủ tưới cây chạy nắng

Quảng Nam - Đà Nẵng: Phát cuồng vì cúp điện

Liên tiếp những ngày qua, nhiệt độ ngoài trời tại Quảng Nam có lúc lên tới trên 400 C, cùng với đó việc Điện lực Quảng Nam ra thông báo lịch cúp điện luân phiên từ ngày 7-5 đến 20-5 với lý do bảo trì và sửa chữa đường dây đã khiến cuộc sống, sinh hoạt và kinh doanh ở nhiều khu dân cư, sản xuất, bệnh viện gặp nhiều khó khăn.

Lịch cúp điện khiến nhiều người dân ngao ngán khi thời gian, tần suất và khu vực bị cúp cắt điện ngày càng dày hơn. Trên địa bàn toàn tỉnh Quảng Nam những ngày qua nhiều khu vực bị cúp cắt điện thường xuyên từ 4h30 – 14h và 11h30 – 20h30 luân phiên 2 ngày một lần.

Riêng trong ngày 9-5, nhiều khu vực dân cư tại TP Tam Kỳ, như: Trường Xuân, Tam Ngọc, Khu dân cư số 8 và số 2, phường An Sơn, tuyến đường Trần Cao Vân, Hùng Vương...  và các vùng dân cư tại huyện Núi Thành, Phú Ninh, Duy Xuyên, TP Hội An đều bị cúp điện vào những giờ nắng nóng cao điểm.

Do bị cúp điện vào thời gian nắng nóng nên hàng trăm người dân Tam Kỳ đổ xô ra biển Tam Thanh cách thành phố hơn 15km để tránh nắng. Nắng nóng khiến nhiều hồ nước thủy lợi, giếng nước của người dân cạn kiệt, cùng với việc cúp điện khiến nhiều hệ thống trạm bơm nước ngừng hoạt động, nhiều diện tích hoa màu của người tại Quảng Nam không có nước tưới.

Để đảm bảo sản xuất, thời gian qua, ông Phan Hải – Giám đốc Cty Giầy BQ ( Đà Nẵng) cùng hàng chục nhân viên của mình luôn phải theo dõi thông tin về lịch cúp điện nhằm bố trí sản xuất. “So với thời điểm vài tháng trước, dạo này ngành điện cúp điện với tần số nhiều hơn khiến các doanh nghiệp chúng tôi bị ảnh hưởng nặng nề từ công việc sản xuất đến giao dịch với khách hàng” – ông Hải than phiền.

Hà Nội - TPHCM: Trẻ nhập viện tăng

Ghi nhận của phóng viên Tiền Phong chiều 9-5 tại Bệnh viện Nhi Trung ương cho thấy, số trẻ nhỏ từ sơ sinh đến 12 tháng tuổi đến khám và nhập viện ngày càng tăng. Các bệnh phổ biến như sốt cao, ho, viêm phổi, viêm phế quản, rối loạn tiêu hóa...

Trước cửa Khoa Cấp cứu và Khoa Tiêu hóa, nhiều vợ chồng trẻ đang sốt ruột chờ đến lượt đưa con vào khám. Nhìn cháu nào cũng dán băng keo hạ sốt trên trán, có cháu sốt tới 39,40 độ. Do số người đưa con đến khám ngày một đông, các khoa đều tăng cường bác sĩ, điều dưỡng túc trực.

Bên ghế chờ ở hành lang, vợ chồng anh Đạt ở phường Hà Khẩu, thành phố Hạ Long (Quảng Ninh) đang phân vân không biết nên để con nằm viện hay mua thuốc về uống.

Anh Đạt cho biết: “Cháu mới 6 tháng tuổi, bị viêm phổi, đã điều trị ở Bệnh viện Bãi Cháy 16 ngày nhưng vẫn không tiến triển gì, trong khi đó bệnh viện lại quá tải, 8 cháu nhỏ nằm cùng giường bệnh, nên sáng nay phải thuê ô tô đưa cháu lên Bệnh viện Nhi Trung ương để điều trị. Một bà mẹ trẻ ở Trâu Quỳ, Gia Lâm (Hà Nội) cũng phải đưa con đến khám than phiền: “Nhiều đêm gia đình mất ngủ, thức cả đêm để trông cháu. Tiết trời nóng bức quá, người lớn còn mệt nữa là trẻ con...”. 

Dọc hành lang khoa Hồi sức Cấp cứu (khu nhà 8 tầng), các bà, các chị ở nhiều tỉnh thành đang ngồi la liệt, ai cũng bơ phờ vì mệt mỏi, nắng nóng. Có người còn tranh thủ ngả lưng trên ghế chờ trong bệnh viện...

Bà Dung ở xã Thiệu Thịnh, huyện Thiệu Hóa, Thanh Hóa mắt quầng thâm do mất ngủ, cho biết: “Nhìn cháu gày còm, sốt cao, tôi xót lắm. Nằm viện hơn 1 tuần nay, mất hơn 4 triệu đồng rồi mà cháu vẫn chưa khỏi...”.  

* Nắng nóng kéo dài liên tục trong thời gian qua khiến cho các bệnh viêm phế quản cấp do siêu vi, sốt cao co giật do siêu vi, sốt phát ban và tiêu chảy cấp ở trẻ gia tăng chóng mặt. Ghi nhận của Tiền Phong ngày 9-5 tại các Bệnh viện Nhi đồng 1-2 TPHCM cho thấy số trẻ nhập viện liên quan đến các bệnh mùa nóng gia tăng khiến cho bệnh viện quá tải trầm trọng.

Tại khoa Truyền nhiễm BV Nhi đồng 1 ngày 9-5 có 120 bệnh nhi đang điều trị nội trú, chủ yếu là các bệnh tay chân miệng, viêm màng não và sốt xuất huyết trong khi những ngày thường nơi đây chỉ tiếp nhận dưới 80 ca. Tại khoa Tiêu chảy cũng có hơn 150 trẻ nhập viện điều trị.

Tương tự tại BV Nhi đồng 2, ngày 9-5 tại khoa hô hấp, truyền nhiễm và tiêu chảy của bệnh viện này, số bệnh nhi nhập viện điều trị các bệnh liên quan đến hô hấp, sốt xuất huyết, viêm màng não, tiêu chảy cũng gia tăng.

Theo bác sĩ Vũ Quang Vinh - Phó phòng Kế hoạch tổng hợp BV Nhi đồng 2 cho biết hiện mỗi ngày bệnh viện tiếp nhận hơn 5.000 bệnh nhi đến thăm khám các bệnh liên quan, tăng gần 1.000 trường hợp so với thời gian trước.

Theo bác sĩ Anh Tuấn - Khoa Hô hấp BV Nhi đồng 2 nắng nóng gây gắt liên tiếp khiến người lớn và trẻ nhỏ dễ bị mắc bệnh viêm họng.  

MỚI - NÓNG
Chu Thanh Huyền đeo vàng trĩu cổ
Chu Thanh Huyền đeo vàng trĩu cổ
TPO - Trong ngày trọng đại, Chu Thanh Huyền và Quang Hải được gia đình nhà gái và nhà trai trao tặng nhiều quà cưới. Theo ghi nhận, cặp đôi nhận được những món quà giá trị từ gia đình 2 bên gồm nhiều kiềng vàng và nhẫn.